Tại Đà Nẵng, Bộ NN và PTNT, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN và PTNT), giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2017 của Việt Nam đạt 36,37 tỷ USD, năm nay phấn đấu đạt mục tiêu trên 40 tỷ USD. Sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy, xét về tổng thể sự đổi mới của nông nghiệp nước ta, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động và những cơ hội do cách mạng khoa học - công nghệ cùng kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế tạo ra cho đất nước.
Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các CPTPP, FTA…
Hội thảo này nhằm kêu gọi đầu tư, giới thiệu, phân tích các khó khăn, vướng mắt cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình phát triển NNCNC, sản phẩm an toàn… để có những giải pháp phát triển phù hợp và bền vững trong tương lai.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các chương trình phát triển NNCNC, nông nghiệp an toàn khá quyết liệt và bước đầu đem hiệu quả thiết thực, điển hình như tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Quảng Trị, Gia Lai…
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân - đại diện Hội Nông dân Đà Nẵng cho biết, mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành ứng dụng CNC vào sản xuất của hội viên Nguyễn Xuân Hùng (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của nhiều người với lợi nhuận 250 triệu đồng/năm từ hơn 10.000 gốc hoa lan.
Hiện Đà Nẵng đã hình thành các mô hình sản xuất NNCNC, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân. Thành phố đã quy hoạch hơn 500 ha dành cho NNCNC, kêu gọi đầu tư vào trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín và hiện đã có 7 nhà đầu tư triển khai các dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, triển khai lập đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC diện tích 117 ha tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Theo Sở NN và PTNT Quảng Nam, đi đôi với việc vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của trung ương, Quảng Nam đồng thời ứng dụng ngày càng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, nhờ đó giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm và cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: nông nghiệp tăng 3,0 %; lâm nghiệp tăng 6,8%; thủy sản tăng 6,5%. Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 11,6% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng lại chiếm 62% lao động và 76% dân số sống ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hiện nay và trong tương lai gần cần phải tập trung đầu tư, nhất là ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản, trong đó, phát triển NNCNC, nông nghiệp an toàn có giá trị cao là một trong những lựa chọn cần thiết.
Thông qua một số ví dụ về mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực, ThS. Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển. Bên cạnh đó, địa phương bước đầu tăng cường hợp tác, kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát thực tế và dự kiến sẽ đầu tư sản xuất NNCNC như: Tập đoàn FLC đầu tư phát triển NNCNC tại hai huyện Cam Lộ và Triệu Phong, Công ty Sumitomo - Nhật Bản (trồng dưa lưới, nuôi tôm CNC và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực diện các mô hình phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản về phát triển ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng.
Đa số đại biểu đồng tình quan điểm, thời gian qua, từ Trung ương tới địa phương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng CNC nói riêng. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện tại vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho doanh nghiệp và nông dân được ban hành nhưng thực tế, người cần vốn đã không thể tiếp cận được.
Việc đầu tư, xây dựng mô hình NNCNC đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn trả nguồn vốn dài nên việc được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay vốn đủ để tổ chức sản xuất là điều kiện rất cần thiết đối với nông dân khi đầu tư xây dựng mô hình.
“Nhà nước cần có những giải pháp để cụ thể những chính sách về vốn đến với nông dân, tránh tình trạng việc ban hành văn bản thì có nhưng việc triển khai thực hiện thì gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo tay nghề lao động phù hợp với việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp CNC, cần chuyển giao những tiến bộ về giống, kỹ thuật, phân bón và hoạt động bảo quản, chế biến sau thu hoạch…”, ông Nguyễn Đình Khánh Vân kiến nghị.
Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi giá thành sản phẩm NN CNC thường cao hơn so với sản phẩm thông thường, nhưng giá bán lại không cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Do vậy rất khó cho các cá nhân hộ nông dân đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tình trạng người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo kiểu truyền thống, tự tiêu thụ sản phẩm, chưa có ý thức về thị trường vẫn còn nhiều, do đó việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định khiến người sản xuất không mặn mà với việc đầu tư sản xuất.
Riêng với Quảng Trị, hầu hết các mô hình nhà kính trên địa bàn vẫn chưa có đầu ra ổn định; việc lựa chọn phương thức, công nghệ xây dựng nhà kính khác nhau, chưa có mô hình nhà kính chuẩn cho từng vùng sinh thái; chưa xác định được bộ cây trồng, vật nuôi chủ lực để trồng trong nhà kính nên sản lượng thấp, chưa đồng đều, khó kết nối thị trường…
“Vốn đầu tư cho NNCNC lớn, trong khi Quảng Trị là tỉnh nghèo nên chính sách hỗ trợ còn hạn chế, hoạt động đầu tư chưa được tập trung; nguồn vốn đầu tư còn ít, các mô hình sản xuất hiệu quả thiếu nguồn kinh phí để nhân rộng. Thị trường nông sản thiếu ổn định, rủi ro cao; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng KHCN, đặc biệt CNC trên địa bàn”, đại diện Sở NN và PTNT tỉnh này bày tỏ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã