Mô hình công nghệ cao
DNTN Thủy sản Đắc Lộc hoạt động nhiều ngành nghề trong lĩnh vực thủy sản, nhưng sản xuất giống thủy sản hiện là thế mạnh. Vấn đề con giống thủy sản sạch mầm bệnh là điều Thủy sản Đắc Lộc quan tâm hàng đầu. Năm 2013, Đắc Lộc đã xây dựng mô hình khu ương nuôi Green House theo quy trình Biofloc. Để thực hiện mô hình, doanh nghiệp hợp tác với Công ty Aquaculture Promotion Co., Ltd thuộc Tập đoàn C.P tại Thái Lan để tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật ương nuôi tiên tiến nhất hiện nay.
Theo đó, Đắc Lộc đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng con giống và giám sát môi trường, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân viên để áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong sản xuất. Theo KS Lê Mậu Quý, Trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ DNTN Thủy sản Đắc Lộc, mô hình Green House đã mang lại hiệu quả rất khả quan, như ao nuôi được trải bạt đáy và bờ để dễ dàng vệ sinh ao, có thể xi phông chất thải trong quá trình nuôi; mái che giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng thời tiết và môi trường; hệ thống sục khí đáy cung cấp ôxy đầy đủ, đảo đều chống hiện tượng phân tầng nước. Ngoài ra, hệ thống cấp, thoát nước tự động giúp dễ dàng thay nước trong quá trình nuôi, giảm nhân công, tiết kiệm điện năng. Diện tích ao nuôi nhỏ (500 m2/ao) nên khâu quản lý và chăm sóc rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí xử lý nước, vi sinh, tôm hoạt động bắt mồi triệt để hơn, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Việc sử dụng vi sinh probiotic trong ương nuôi của mô hình đã tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi và hạn chế dịch bệnh…
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc DNTN Thủy sản Đắc Lộc chia sẻ, mô hình ương nuôi Green House chủ yếu ương tôm giống từ PL12 thành PL40. Thời gian ương 25 - 30 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ tương đương 1,5 - 2 g/con. Tôm giống PL40 có nhiều ưu điểm vượt trội như đề kháng tốt với sự thay đổi đột ngột thời tiết, môi trường và rút ngắn thời gian nuôi 95 - 100 ngày xuống 65 - 70 ngày. Việc rút ngắn thời gian ương nuôi đã giảm chi phí thức ăn 15 - 20% (tương đương 140 - 160 triệu đồng/ha/vụ), nhưng tôm tăng trưởng nhanh, tăng năng suất nuôi lên 20 - 30% (tương ứng 400 - 600 triệu đồng/ha/vụ).
Đặc biệt, ương nuôi theo mô hình này giúp giảm tối đa mầm bệnh trên tôm, khắc phục hội chứng chết sớm trên tôm thẻ chân trắng, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Nhờ mô hình này, mỗi năm Đắc Lộc cung cấp ra thị trường khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao. Đến nay, Đắc Lộc đã trở thành một trong những đơn vị cung cấp tôm giống chất lượng cao uy tín tại Việt Nam và thị trường trải dài trên cả nước từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Đầu tư để phát triển
Khu sản xuất giống thủy sản ở xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) của Đắc Lộc đã được đầu tư mở rộng các hạng mục như khu ương nuôi, khu thực nghiệm, khu xử lý nước thải, đường nội bộ, cây xanh và các công trình phụ trợ khác… Đồng thời, doanh nghiệp đang hướng tới áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu với các giống thủy sản chủ yếu như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm… và nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ để chủ động nguồn cung cấp giống bố mẹ cho nghề nuôi tôm giống trong khu vực và cả nước.
Ông Lê Hữu Tình tâm sự, ngoài các đối tượng thủy sản nuôi nói trên, doanh nghiệp đang tính đến hình thức nuôi mới một số đối tượng như tôm hùm, cá ngựa nuôi trên cạn… Doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch 2016 - 2021 và không ngừng đầu tư, phát triển công nghệ mới vào sản xuất giống thủy sản. Thủy sản Đắc Lộc đang xây dựng chuỗi giá trị gia tăng trong nuôi thủy sản từ tôm bố mẹ đến tôm giống được sản xuất theo quy trình công nghệ cao, đến các mô hình nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao. Thời gian tới, Đắc Lộc sẽ xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản, nhằm đưa sản phẩm thủy sản địa phương và thủy sản Đắc Lộc đến được nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, cho biết: Mô hình sản xuất kinh doanh khép kín của Đắc Lộc đã được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; và là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên của tỉnh áp dụng tiêu chuẩn Thực hành tốt toàn cầu. Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của Đắc Lộc đã mang lại những thành công trong lĩnh vực nuôi thủy sản, đặc biệt là vấn đề kiểm soát được dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Hơn nữa, Đắc Lộc đã xây dựng được chuỗi liên kết rất tốt giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đây là một điển hình cần nhân rộng trong thời gian đến. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Đắc Lộc cũng cần xác định tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực thủy sản, tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi tiên tiến, áp dụng công nghệ cao để nuôi tôm siêu năng suất, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm rủi ro trong nuôi tôm, đồng thời có định hướng và hỗ trợ cho người nuôi…
Mô hình ương nuôi tôm giống Green House của Đắc Lộc là mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản đoạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ II, năm 2015. Đồng thời, được Bộ NN&PTNT trao chứng nhận Doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;