Ứng dụng phần mềm, chip cảm biến, công nghệ điện toán đám mây… vào sản xuất nông nghiệp (NN) đang được triển khai tại TP HCM qua những dự án đã có kết quả rất tốt. Công nghệ đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và tiết giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống.
Nền nông nghiệp thông minh
NN ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, hay còn gọi là "NN thông minh", đang trở thành xu thế mới, cải thiện đáng kể nền NN ở nhiều nơi trên thế giới. Hình ảnh nhà nông vất vả và lạc hậu đang trở thành lỗi thời, thay bằng nhà nông ứng dụng thuần thục công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào thương mại, sản xuất.
Vừa qua, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã phối hợp với Công ty Global CyberSoft Việt Nam (GCS) và Ban Quản lý Khu NN công nghệ cao TP HCM (AHTP) triển khai dự án NN công nghệ cao (CNC). Sản phẩm đầu tay của chương trình này là hệ thống quản lý Smart Agri với tính năng: Hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ; thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH… và điều khiển các thiết bị để giữ cho điều kiện môi trường tuân theo quy trình chuẩn. Smart Agri cũng hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất…; đồng thời, thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…
Trồng dưa lưới bằng hệ thống Smart Agri tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM đem lại hiệu quả cao (Ảnh: QTSC cung cấp)
Từ cuối tháng 12-2015, tại AHTP, một khu nhà màng rộng hơn 1.000 m2 được đầu tư trồng dưa lưới bằng công nghệ tự động, ứng dụng CNTT và hạn chế tối đa nhân công. Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc GCS, chia sẻ: "Trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng phụ thuộc vào kinh nghiệm của con người thì nay thực hiện tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Điều này bảo đảm các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất". Vừa qua, hơn 2 tấn dưa đã được tung ra thị trường mang lại doanh thu hơn 60 triệu đồng. "So với phương pháp trồng truyền thống, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% trên cùng một diện tích, chất lượng cũng đồng đều, bảo đảm hơn" - đại diện AHTP cho biết.
Nhiều đơn vị khác cũng đã đưa ra các giải pháp, dịch vụ CNTT phục vụ NN. VinaPhone cung cấp công nghệ M2M (thiết bị đến thiết bị) cho nông dân có thể nắm bắt diễn biến của thời tiết, thông số môi trường để phòng tránh dịch bệnh, thông tin giá cả thị trường các mặt hàng nông sản tại nhiều vùng miền, trên thế giới được cập nhật theo ngày, giờ qua điện thoại di động. MobiFone cũng có dịch vụ tương tự là Nông thôn xanh và Viettel là Agri.ONE.
Tại Hà Nội, Tập đoàn FPT và Fujitsu cũng đã xây dựng Trung tâm Hợp tác NN thông minh FPT - Fujitsu, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây Akisai để trồng cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali với quy trình quản lý từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.
Giảm chi phí, nhân công
Theo FPT, quản lý bằng hệ thống Akisai, cây xà lách khi thu hoạch sẽ giòn, ngọt, hàm lượng kali chỉ bằng 1/5 xà lách thông thường, phù hợp với người bị bệnh thận và người ăn kiêng. Đặc biệt, vì không sử dụng hóa chất NN nên sản phẩm có thể ăn ngay mà không cần rửa. Cà chua thì có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng rất cao với lượng đường và lycopene (thành phần chống ôxy hóa) cao hơn khoảng 3 lần so với sản phẩm thông thường.
Đặc biệt, cà chua được áp dụng kỹ thuật IMEC (phương pháp trồng trên tấm phim Hydrogel) cho phép chất dinh dưỡng và nước thấm qua, giúp ngăn chặn toàn bộ vi khuẩn. Với kỹ thuật này, cà chua được trồng với mật độ cao - trung bình 4.000-6.000 cây/1.000 m2, thu hoạch quanh năm, thay vì trồng luân canh như kỹ thuật thông thường. Với chế độ canh tác tối ưu, NNCNC có thể nâng năng suất lao động lên 2-3 lần.
Theo ông Toàn, việc quản lý NN được tiến hành một cách tự động thông qua các giải pháp CNTT giúp nhà nông giảm nhiều chi phí sản xuất, nhân công chăm sóc (vốn chiếm chi phí khá lớn trong NN), tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Do chạy trên một hệ lập trình có sẵn nên những ảnh hưởng tiêu cực do yếu tố chủ quan từ con người cũng được triệt tiêu.
Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ là "nhà" của 200 doanh nghiệp NNCNC và 10 khu NNCNC. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 22 doanh nghiệp NNCNC so với hàng ngàn công ty NN. Nguyên nhân là do các đơn vị CNC gặp khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư, trong khi lĩnh vực này lại cần nhiều vốn và mất thời gian dài để có lợi nhuận. Do đó, các chuyên gia đề nghị nhà nước cần có chính sách đẩy mạnh thu hút vốn vào NN thì mới có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.
Theo báo NLĐ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã