Học tập đạo đức HCM

Từ "Cánh đồng mẫu lớn" đến “Cánh đồng liên kết”

Thứ ba - 19/02/2013 19:07
Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Khắc phục vấn đề trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai mô hình “Cánh đồng liên kết” theo hướng chủ yếu là tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong cam kết bao tiêu sản phẩm. Mô hình này được xác định là điểm nhấn quan trọng trong Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

 

Tránh nỗi lo “được mùa, mất giá”

Đồng chí Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết:

- Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) xuất hiện trước tiên ở An Giang, được nông dân Đồng Tháp học tập và triển khai xây dựng. Mô hình này có ưu điểm là tích tụ được ruộng đất, phục vụ sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa sản xuất, tạo nguồn hàng lớn cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế lại chưa có tính gắn kết cao giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà khi triển khai mô hình “Cánh đồng liên kết” (CĐLK) được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.

Ông Võ Trường Chinh, một nông dân sản xuất giỏi ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bày tỏ:

- Làm CĐML là xu hướng tất yếu khi mô hình này giúp giảm giá thành, tiết kiệm sức lao động, chất lượng lúa đồng nhất nên giá thành cao hơn bình thường. Tuy nhiên, khi đã sản xuất hàng loạt cùng một loại lúa mà không tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, để tư thương ép giá mỗi khi được mùa thì nông dân cũng “ngán”. Vì thế, nhiều người muốn tham gia nhưng còn ngại chuyện “được mùa, mất giá” hoặc thậm chí, chính các doanh nghiệp lúa gạo cũng lợi dụng tình hình thị trường để gây khó dễ cho bà con.

Nông dân Đồng Tháp sản xuất trên "Cánh đồng liên kết". Ảnh: Văn Xây

Vào vụ Đông Xuân năm 2012, đã xảy ra chuyện với HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông), đại diện nông dân ký hợp đồng bao tiêu 400ha lúa Jasmine với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng ghi nhớ, không có sự ràng buộc giữa hai bên. Vì vậy, khi giá lúa sụt giảm, nông dân bị “bỏ rơi”, đành phải bán rẻ cho tư thương. Bất cập này gây khó khăn cho cả chính quyền các cấp khi quy hoạch xây dựng CĐML và vận động người dân tham gia. Đây cũng là điều thôi thúc Đồng Tháp xây dựng mô hình CĐLK thay thế mô hình CĐML.

Gắn chặt sản xuất và tiêu thụ sản phẩm 

Thực tế, mô hình CĐML năm 2012 có 8 huyện, thị xã ở Đồng Tháp tham gia với 23 cánh đồng có diện tích hơn 17.000ha (trong số này, khoảng 1/3 diện tích thuộc diện CĐLK) đã tạo ra sự chuyển đổi trong phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, gắn kết với thị trường tiêu thụ. CĐML cho năng suất bình quân 6,8 tấn/ha, có nơi lên 8 tấn/ha, giảm giá thành từ 200.000 đến 300.000 đồng/vụ, lợi nhuận tăng từ 2,1 đến 2,6 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình CĐML vẫn bộc lộ một số hạn chế, nên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quyết định triển khai mô hình CĐLK. Thực hiện mô hình này, bà con nông dân ở Đồng Tháp được doanh nghiệp "thuê" đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác từ khâu chọn giống, gieo sạ đến việc bón phân, phun thuốc… Cán bộ khuyến nông cùng nông dân thăm đồng, đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của ruộng lúa; phân tích, thảo luận đề ra biện pháp xử lý đồng ruộng, dự báo tình hình sinh trưởng giai đoạn sau; hướng dẫn nông dân thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất lúa theo VietGAP. Khi lúa chín, trước khoảng 7-10 ngày, nông dân và doanh nghiệp cùng thống nhất đánh giá chất lượng sản phẩm, thống nhất giá cả và tổ chức thu hoạch, bán hàng ngay.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: “ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện mới có Đồng Tháp, An Giang xây dựng đề án tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp. Đề án của Đồng Tháp sẽ đề xuất nhiều nội dung: Tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo hướng lấy hiệu quả làm chính; tái cơ cấu địa bàn; tái cơ cấu đầu tư hạ tầng; tái cơ cấu tổ chức nông thôn… Trong đó, việc xây dựng “Cánh đồng liên kết là một biện pháp nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp hiện đại ở Đồng Tháp”.

Đồng chí Lương Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho rằng:

- CĐML hay CĐLK đều là sự liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Tuy nhiên, điểm khác lớn nhất của CĐLK là chính quyền chỉ đóng vai trò quy hoạch và định hướng, nông dân thương lượng với doanh nghiệp để cam kết tiêu thụ sản phẩm. Thực tế ở Tam Nông, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà đã trực tiếp ký kết với nông dân mà đại diện là các hợp tác xã, rồi họ đưa nhà khoa học vào cuộc, từ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng đến khâu tiêu thụ. Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp có hệ thống máy sấy giúp nông dân thu hoạch nhanh, có hệ thống nhà kho lớn để chứa lúa, nông dân nào chưa đồng ý giá thì tiếp tục cho gửi trong kho. Giá lúa doanh nghiệp mua luôn cao hơn giá thị trường ở thời điểm thu mua. Ví dụ, vụ vừa rồi giá lúa 5.200 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 5000 đồng/kg. Sở dĩ doanh nghiệp mua cao hơn vì bớt được khâu trung gian là thương lái. Theo đó, cả nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi, chính quyền thì yên tâm vì không phải lo đầu vào, đầu ra cho dân; nhà khoa học thì “sống khỏe” vì được doanh nghiệp đặt hàng với giá cả hợp lý.

Đi sâu tìm hiểu mô hình CĐLK, chúng tôi còn thấy rõ cái lợi khi các hộ nông dân tự nguyện hình thành hợp tác xã dịch vụ để thảo luận với doanh nghiệp, hoạt động của các HTX rất thực chất, có hiệu quả. Bên cạnh đó, các mảnh đất trồng lúa không hiệu quả được phân tách ra để hình thành các loại hình HTX khác, ví dụ ở Tam Nông đã hình thành HTX tôm càng xanh, chuyên tận dụng các mảnh đất ngập sâu để nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ, vừa giúp giảm áp lực đê bao, vừa tăng hiệu quả sản xuất. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng:

- Mấu chốt của CĐLK là khâu bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Khi xây dựng CĐLK, chính quyền không chỉ quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại giống lúa, vận động nhân dân tham gia mà điều quan trọng là phải tìm cho ra những doanh nghiệp có trách nhiệm và tiềm lực để ký hợp đồng với nông dân. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực nhưng trách nhiệm không cao, hay “làm khó” nông dân khi được mùa, tạo cơ hội cho tư thương hoạt động ép giá nhà nông. Cũng có doanh nghiệp có trách nhiệm thì tiềm lực lại mỏng, không đủ vốn để mở rộng liên kết làm ăn. Tôi nghĩ, về lâu dài, nếu muốn phát triển CĐLK thì Trung ương, Chính phủ phải có cơ chế, chính sách đưa doanh nghiệp vào cuộc, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Đồng chí Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện tỉnh chủ trương thay thế CĐML bằng CĐLK bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2012-2013. Về mặt đầu tư hạ tầng sản xuất, kỹ thuật canh tác không có gì khác, nhưng thực hiện CĐLK sẽ thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, Sở NN&PTNT sẽ giao cho từng địa phương đứng ra làm cầu nối ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời làm “trọng tài” trung gian phân xử những tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân.

Năm 2013, Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu thực hiện CĐLK với diện tích gần 30.000ha. Trên thực tế, theo đồng chí Lê Minh Hoan thì số diện tích nông dân đăng ký tham gia CĐLK lên đến 45.000ha, nhưng căn cứ vào năng lực của các doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký với tỉnh, số lượng 30.000ha là phù hợp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký liên kết sản xuất với nông dân sẽ ngày càng đông, đó là xu hướng để đưa mô hình này phát triển rộng rãi, góp phần giúp nông dân làm giàu bền vững bằng chính sản phẩm của mình.

Hồng Hải
Theo qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập561
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại849,326
  • Tổng lượt truy cập92,023,055
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây