Các địa phương như huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân,... đang tập trung thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, toàn huyện đã có 19 xã xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò với 351 con bị nhiễm bệnh, trong đó, có 18 con chết, buộc phải tiêu hủy. Đây là một trong những địa phương có tốc độ dịch lây lan nhanh, quy mô rộng và diễn biến khó lường thuộc tốp đầu toàn tỉnh.
Để kịp thời bao vây các ổ dịch, từ ngày 3/3 - 15/3, Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo phương thức cuốn chiếu từng xã. Trong 3 ngày (từ 3 - 6/3), toàn huyện đã đồng loạt triển khai tiêm gần 3.000 liều vắc-xin trên địa bàn 9 xã: Yên Hòa, Cẩm Mỹ, Cẩm Quang, Cẩm Lộc, Cẩm Thịnh, Cẩm Bình, Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Cẩm Hưng. Hơn 3.500 liều vắc-xin còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong những ngày tiếp theo.
Đội ngũ thú y trực tiếp tham gia tiêm phòng đã được tập huấn đầy đủ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Lo ngại ảnh hưởng của dịch tới đàn gia súc, người dân rất ủng hộ và hợp tác trong quá trình tiêm phòng. Đội ngũ thú y, cán bộ cơ sở có liên quan cũng đã được tập huấn đầy đủ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Huyện đã đăng ký để mua thêm vắc-xin nhằm tiêm phòng đạt 100% tổng đàn trâu, bò".
Trong 3 ngày qua, huyện Thạch Hà cũng đang tập trung cao cho công tác tiêm phòng tại cơ sở. Đến thời điểm này, huyện đã tiêm phòng hơn 5.000 liều vắc-xin ở 12 xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Văn, Thạch Thắng, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương, Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn, Việt Tiến, Thạch Long, Thạch Trị.
Huyện Thạch Hà đã hoàn thành tiêm trên 5.000 liều vắc-xin tại 12 xã trên địa bàn.
Bà Trần Thị Xuân (xã Thạch Thắng, Thạch Hà) cho hay: “Ở xung quanh đã có trâu, bò của nhiều hộ bị nhiễm bệnh nên khi xã thông tin tổ chức tiêm phòng mình đăng ký ngay. Con bò là tài sản rất lớn đối với người nông dân nên chỉ mong dịch sớm được khống chế để bà con yên tâm phát triển chăn nuôi. Tiền vắc-xin do các hộ chăn nuôi tự chi trả, xã hỗ trợ chi phí thuê lực lượng thú y”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng Trần Bá Tâm: “Xã cử cán bộ trực tiếp bám nắm, theo dõi công tác tiêm phòng tại các thôn; phát thông tin liên tục trên loa phát thanh để người dân nắm được lịch tiêm và có kế hoạch chuẩn bị. Địa phương đã tiêm được trên 250 liều vắc-xin tại 4/5 thôn”.
Cùng với đó, việc phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi cần được chú trọng thực hiện.
Cùng với việc triển khai tiêm phòng, các giải pháp đồng bộ khác cũng được tập trung thực hiện để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà thông tin: “Huyện chủ động nắm số lượng tổng đàn thường xuyên; cách ly trâu, bò bị bệnh; nắm diễn biến dịch bệnh và thông tin liên quan cập nhật về ban chỉ đạo các cấp trong ngày; tổ chức cấp thêm hóa chất tiêu độc khử trùng; vận động hộ chăn nuôi phun thuốc diệt muỗi, ruồi, ve, mòng…”.
Được biết, đến hết ngày 6/3, tổng số gia súc toàn tỉnh mắc bệnh là 1.307 con thuộc 86 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. Trong đó, đã tiến hành tiêu hủy 71 con bò với tổng trọng lượng 9.886 kg; 365 con gia súc cơ bản khỏi triệu chứng lâm sàng.
Các địa phương phải chủ động theo dõi hiệu quả sau tiêm phòng để thông tin đầy đủ đến ngành chuyên môn.
Theo ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguy cơ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục xâm nhiễm diện rộng vẫn rất cao do đây là loại dịch bệnh mới, chưa có đầy đủ phác đồ điều trị; véc-tơ truyền bệnh đa dạng… Hơn nữa, thời tiết đang ở trạng thái nóng, ẩm của mùa xuân, các động vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ve, mòng… phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh khá lớn, chủ yếu chăn thả chung, điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn.
Hiện nay, các địa phương trọng điểm, có ổ dịch phức tạp đang quyết liệt tiến hành tiêm vắc-xin theo kế hoạch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã cung ứng 36.725 liều vắc-xin (Can Lộc: 8.000 liều; Thạch Hà 11.500 liều; Lộc Hà 7.475 liều; Cẩm Xuyên 6.525 liều, Nghi Xuân 2.000 liều; thị xã Kỳ Anh 1.475 liều; TP Hà Tĩnh 750 liều). Ngành chuyên môn đang cùng các huyện theo dõi hiệu quả tiêm phòng; chủ động liên hệ với nhà cung cấp để nhập thêm vắc-xin về cho các địa phương có nhu cầu.
Giám sát tốt việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc nhất là tại các lò mổ trên địa bàn tỉnh để phòng chống dịch hiệu quả hơn.
Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi trong thời gian tới không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh đang lan rộng; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ thị, công điện của Bộ NN&PTNT, của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn;
Tăng cường công tác tuyên truyền liên tục cho người dân tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống; tập trung nhân lực để thực hiện phun thuốc diệt muỗi, ve, mòng; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc…
Theo Thái Oanh – Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã