Quan điểm sản xuất hè thu là “nước tới đâu, làm đất tới đó” và làm “càng sớm, càng tốt”. Trong sản xuất vụ lúa hè thu, do khoảng cách thời gian nghỉ giữa hai vụ lúa rất ngắn nên khi lúa trên cánh đồng vẫn còn rải rác thì những diện tích ruộng đã thu hoạch xong là bà con nhanh chóng dọn dẹp, cày ải để chuẩn bị vụ mùa tiếp theo. Chỉ cần có nước là máy được đưa xuống đồng làm đất để gieo cấy ngay.
Ghi nhận tại cánh đồng xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh trong thời điểm này, không khí trên khắp cánh đồng nhộn nhịp hẳn. Từ sáng sớm, máy móc được đưa xuống đồng nhiều hơn, khẩn trương hơn để tập trung làm đất trong thời gian sớm nhất có thể. Tận dụng nguồn nước mưa, bà con ở đây cũng ra đồng nạo vét vội các kênh mương nội đồng để đảm bảo nước được tưới đều trên các ruộng. Đồng thời, những đoạn bờ ruộng bị hư hỏng được bà con nhanh chóng đắp lại để giữ được nước.
Đang nạo vét đoạn mương để thông được dòng chảy trên cánh đồng của thôn, bà Dương Thị Lan cho chúng tôi biết: “những diện tích ruộng ở thôn chúng tôi hơi cao nên khó lấy nước vào hơn những nơi khác, để lấy được nước thủy lợi thì cũng phải mất mấy hôm nữa. May có đợt mưa vừa rồi mà cánh đồng này có được nguồn nước sớm, bây giờ bà con nơi đây đang tập trung cao độ để làm đất, nạo vét kênh mương dẫn nước đều cho ruộng và đắp bờ giữ lại nước nhằm triển khai gieo sạ được sớm hơn”.
Ông Trần Ngọc Kính – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn cho biết: “Năm 2021, xã Kỳ Văn triển khai sản xuất lúa 750 ha, tuy nhiên, khác với vụ Đông Xuân, do một số diện tích cao cưỡng, không lấy được nước, nên vụ hè thu này xã đưa vào sản xuất 350 ha lúa, số diện tích còn lại, xã cơ cấu chuyển đổi sang trồng một số cây màu khác như: Đậu xanh, lạc trái vụ và một số hoa màu khác để giúp bà con tận dụng hết quỹ đất tăng thêm thu nhập.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh,đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh đã triển khai làm đất được trên 70% và đã chuẩn bị sẵn sàng lượng giống, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất. Những đợt nắng nóng liên tục và kéo dài nhiều ngày dẫn tới tình trạng thiếu nước tưới cục bộ một số cánh đồng, đó thường là những nơi cuối kênh và ruộng có địa hình cao cưỡng, khó lấy nước. Mặc dù nguồn nước thuỷ lợi đã mở nhưng để đảm bảo tưới nhanh và tưới đủ thì phải mất thời gian khá lâu. Vì thế, sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất hè thu. Chính mưa lớn những ngày qua đã giúp bà con đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo được vụ sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất.
Có nước xuống ruộng bà con phấn khởi làm đất
sau trận mưa rào vừa qua, không khí trên các cánh đồng dịu mát hẳn, không chỉ huyện Kỳ Anh mà bà con từ các địa phương trong tỉnh đều ra đồng với tinh thần vui tươi và không phải hối hả tránh cái nắng gắt gao từ sáng sớm như trước. Nước đổ về ăm ắp trên mặt kênh, bà con đang tranh thủ chạy máy cày xong nốt mấy thửa ruộng, người đã đưa giống ra đồng gieo hạt.
Bà Trần Thị Điểm, thôn Bình Dương, Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết: “Nhà tôi mùa này làm 7 sào lúa, trong đó có 3 sào nằm ở vùng không mấy thuận lợi nguồn nước. Mấy hôm nay trời có mưa, dù không lớn nhưng cũng đủ làm mềm đất để cày tơi, chờ nước thủy nông đổ về. Đợt mưa này đúng thật là quý hơn vàng.”
Còn đối với những diện tích đã gieo cấy ở Đức Thọ, Hồng Lĩnh thì nước trời không khác gì một nguồn dinh dưỡng quý giá, kích thích cho cây lúa nảy mầm. Đặc biệt, những vùng sản xuất sau cống Trung Lương, bà con cũng thở phào nhẹ nhõm sau áp lực về nước nhiễm mặn ở những ngày nắng nóng vừa qua.
Vào thời điểm này, hầu hết các địa phương đang tập trung cao độ cho gieo trỉa lúa hè thu. Nước tưới đã được công ty thủy lợi mở từ ngày 20/5 vừa qua và cơ bản đáp ứng được các vùng sản xuất. Giữa lúc thời tiết dịu lại là điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh hơn tiến độ sản xuất.
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 8.000 ha, đạt khoảng 18% kế hoạch. Trong đó, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà là những địa phương có diện tích gieo cấy lớn nhất, trên 1500 ha. Các địa phương khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ làm đất. Sau những đợt mưa trong hai ngày vừa qua là điều kiện lý tưởng để nhiều nơi tập trung cao độ cho khâu kỹ thuật quan trọng này trước khi gieo cấy. Hiện tại, có khoảng trên 71% diện tích sản xuất hè thu đã được cày bừa, đáp ứng cho khoảng 32.000 ha gieo cấy lúa.
“Đối với sản xuất hè thu, làm đất là khâu quan trọng. Phải tiến hành làm đất kỹ nhằm cải tạo độ phì nhiêu của đất, hạn chế thấp nhất sự tấn công của sâu bệnh cũng như gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng do gốc rạ chưa kịp phân hủy. Trong đó, việc tận dụng nguồn nước có từ mặt ruộng sẽ giúp bà con không chỉ đẩy nhanh tiến độ, giảm áp lực nước vào mùa nắng nóng, mà còn chủ động với thời vụ sản xuất”, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay.
Theo Nguyễn Hoàn/sonongnghiep.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã