Học tập đạo đức HCM

Cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Thứ sáu - 04/05/2018 04:29
Làn sóng khởi nghiệp đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách tài chính như chính sách thuế, chính sách tín dụng nhà nước và chính sách tài chính hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườm ươm doanh nghiệp… Tuy nhiên, để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát huy được tiềm năng, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhiều chính sách cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.

Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2011-2017

Xu thế chung của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trên thế giới luôn gặp khó khăn trong những năm đầu khởi sự. Tại Anh, tỷ lệ DN còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại New Zealand, tỷ lệ này là dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), tốc độ gia tăng số lượng DN thành lập mới và DN giải thể ở mức tương đương nhau, tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm là 46%. Tại Mỹ, tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%. Vì vậy, để tăng tỷ lệ các DN tồn tại, các nước này đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, không chỉ đối với DN khởi nghiệp mà còn quan tâm hơn đến DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2011-2017 là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khu vực DN so với 20 năm trước đó. Số lượng DN đăng ký thành lập có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn vốn đăng ký. Năm 2014, cả nước có thêm 74.800 DN đăng ký thành lập mới, năm 2015 là 94.750 và đến năm 2017, cả nước có 126.859 DN đăng ký thành lập mới, tăng 15% về số DN so với cùng kỳ năm 2016.

Quy mô vốn/DN cũng có sự cải thiện từ 5,8 tỷ đồng năm 2014 lên 10,2 tỷ đồng vào năm 2017. Tổng vốn đăng ký thành lập mới năm 2017 là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thực tế này cho thấy, mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là khả thi. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn 2011-2017, DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn có xu hướng tăng. Điều này phản ánh xu thế thanh lọc mạnh mẽ của thị trường, Việt Nam cũng giống như xu hướng chung của các DN khởi nghiệp trên thế giới (khó khăn trong những năm đầu hoạt động).

 
 Hệ thống chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách tài chính như chính sách thuế, chính sách tín dụng nhà nước và chính sách tài chính hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườm ươm DN.

Thứ nhất, về các chính sách huy động vốn: Các chính sách này đã được ban hành kịp thời nhằm đa dạng hóa hình thức huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nhiều hơn với hình thức huy động vốn hiện nay. Cụ thể:

- Chính sách huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Việc hoàn thiện chính sách này đã tác động tích cực đến vấn đề huy động vốn của DN thuộc mọi thành phần kinh tế; Thị trường trái phiếu DN đã có sự tham gia tích cực của các DN và cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt cả về quy mô thị trường và số lượng.

- Chính sách huy động vốn qua thị trường chứng khoán được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển. Hiện tại, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán đã cơ bản hoàn thiện, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho DN.  

Công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán tiếp tục được đẩy mạnh, các công ty chứng khoán được khuyến khích thực hiện hợp nhất, sáp nhập nhằm nâng cao năng lực hoạt động, lành mạnh hóa thị trường (đến hết năm 2017, số lượng công ty chứng khoán còn 79 công ty, giảm 25% so với cuối năm 2016). Kết thúc năm 2017, chỉ số VN-Index đạt 984,24 điểm, tăng 48% so cuối năm 2016; quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán tăng khoảng 80,5% so với cuối năm 2016 và mức vốn hóa đạt tỷ lệ khoảng 70% GDP, là mức cao nhất từ khi thị trường mở cửa, đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Hoạt động thị trường chứng khoán ổn định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, các vi phạm cũng đã được xử lý kịp thời.

- Chính sách tín dụng của Nhà nước đã có nhiều thay đổi quan trọng, được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với biến động của nền kinh tế vĩ mô. Cụ thể, ngày 31/3/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, thay thế các văn bản trước đây về chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Theo đó, khách hàng có dự án đầu tư nhóm A, B, C thuộc ngành nghề, lĩnh vực kết cấu hạ tầng; nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước không phân biệt theo địa bàn đầu tư. Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng, phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án (tuy nhiên, không quá 12 năm). Riêng với các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Cùng với các chính sách trên, chính sách tín dụng nhà nước cũng được sửa đổi nhằm phát huy tác dụng đối với những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, nhiều chương trình, dự án tín dụng chính sách được thực hiện như: Chương trình cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình; Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Chương trình cho vay thương nhân hoạt động tại vùng kinh tế khó khăn miền núi… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách được tiếp cận vay vốn để duy trì, phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, DN khởi nghiệp phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước thông qua Quỹ Phát triển DNNVV. Hướng dẫn cơ chế tài chính cho Quỹ phát triển DNNVV để hoạt động cũng được ban hành tại Thông tư số 19/2015/TT-BTC. Như vậy, các DNNVV thuộc lĩnh vực ưu tiên nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được vay vốn tại Quỹ với mức vay tối đa là 30 tỷ đồng, lãi suất vay 7%/năm, thời hạn vay tối đa 7 năm.

Thứ hai, về chính sách thuế: Các tư tưởng, quan điểm, chính sách của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển đã được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản về thuế được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua. Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, các chính sách ưu đãi thuế đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN đầu tư trong nước cơ bản được thống nhất và kiện toàn, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế. Đây là giai đoạn cải cách thuế được triển khai khá toàn diện, triệt để thể hiện trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo cơ chế kinh tế thị trường, tăng cường hội nhập với các nền kinh tế khu vực và thế giới.

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các DN thành lập mới hoặc thực hiện các dự án đầu tư mới, trong đó tập trung vào đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ, sản phẩm công nghệ cao, sản xuất năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường như: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; phát triển công nghệ sinh học; dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường… Các chính sách thuế được thiết kế hỗ trợ theo nhiều kênh: hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ theo địa bàn, hỗ trợ theo đối tượng…

Thứ ba, về chính sách, chế độ kế toán, kiểm toán đối với DN: Để hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, các công cụ kế toán, kiểm toán cũng được Bộ Tài chính kịp thời hoàn thiện và triển khai áp dụng cho các DN theo hướng tiệm cận với Chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán. Đối với DN khởi nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các quy định về chế độ kế toán riêng cũng được nghiên cứu để ban hành đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế - tài chính và phù hợp với khả năng trình độ của cán bộ trong DN. Theo đó, báo cáo tài chính của các DN siêu nhỏ được hướng dẫn đơn giản, gọn nhẹ giúp DN dễ thực hiện, góp phần tiết kiệm chi phí kế toán và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, DN khởi nghiệp cũng được hỗ trợ thông qua mô hình phát triển vườn ươm DN trong một số lĩnh vực ưu tiên, chủ yếu tập trung vào DN thành lập mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kinh phí thành lập và hoạt động các vườm ươm công lập được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như Vườn ươm Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh); Vườn ươm CRC (Đại học Bách Khoa Hà Nội); Vườn ươm khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Vườm ươm DN (công viên phần mềm Quang Trung TP. Hồ Chí Minh)…

 

Xu thế chung của các DN khởi nghiệp trên thế giới là gặp khó khăn trong những năm đầu khởi sự. Tại Anh, tỷ lệ DN còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại New Zealand, tỷ lệ DN tồn tại sau 3 năm hoạt động là dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực EU, tốc độ gia tăng số lượng DN thành lập mới và DN giải thể ở mức tương đương nhau; tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm là 46%.
Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…) đối với các vườn ươm. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 214/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi về hỗ trợ ngân sách nhà nước, thuế và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ nhằm tạo điều kiện giúp các DN khởi nghiệp hình thành và phát triển.

 

Những vấn đề đặt ra

Thực tiễn cho thấy, chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua vườm ươm DN đã góp phần giúp giảm thiểu rủi ro khởi nghiệp, gia tăng khả năng tồn tại và phát triển cho DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển nhanh của hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều cấu phần mới, nên cơ chế chính sách và hệ thống phát luật chưa theo kịp để điều chỉnh cho phù hợp với sự hình thành và phát triển của DN khởi nghiệp theo phương thức mới (như quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, sự công nhận giá trị bằng tiền của tài sản vô hình trong góp vốn thành lập công ty hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với DN khởi nghiệp...).

Kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN hiện nay cũng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là do còn thiếu hệ thống các nhà đầu tư, sức cầu thấp, chưa hình thành được thị trường định mức tín nhiệm DN cũng như trái phiếu DN. Quan điểm coi trái phiếu DN như một công cụ tín dụng đã dẫn đến những quy định mang tính hạn chế hoạt động đầu tư vào trái phiếu DN đối với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, hệ thống pháp lý chưa đủ rộng và sâu đã phần nào hạn chế thị trường trái phiếu DN phát triển. 

DN khởi nghiệp thường là DN có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu. Việc đáp ứng các điều kiện để có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu DN là khó khăn, do đó, việc huy động vốn qua kênh này chưa thực sự tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp.

 

Quy mô vốn/DN của Việt Nam đã có sự cải thiện từ 5,8 tỷ đồng năm 2014 lên 10,2 tỷ đồng vào năm 2017. Tổng vốn đăng ký thành lập mới năm 2017 là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thực tế này cho thấy, mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là khả thi.
Chính sách tài chính đối với DN khởi nghiệp chỉ là một cấu phần trong các chương trình hoặc chính sách chung cho mọi thành phần kinh tế. Khâu tổ chức thực hiện hiện nay, còn thiếu tính kịp thời; Công tác tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách được ban hành chậm nên chưa có sự điều chỉnh kịp thời để giải quyết những vướng mắc, khó khăn đặt ra và hỗ trợ DN hiệu quả.

 

Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển

Để hiện thực chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính sách cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp phát triển. Trong đó, giải pháp trọng tâm là cần phát triển thị trường tài chính nhằm đa dạng hóa kênh huy động vốn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN khởi nghiệp cũng như hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DN khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán với mô hình thị trường chứng khoán cho DN nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả DN khởi nghiệp.

Theo kinh nghiệm của một số nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, việc phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội, tháo gỡ khó khăn về vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Mô hình sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho DN khởi nghiệp (KONEX) của Hàn Quốc được hiểu đơn giản là một chế độ ưu đãi của Chính phủ đối với các công ty mới khởi nghiệp, là một thị trường dành riêng cho DN vừa và nhỏ với các điều kiện niêm yết tương đối thông thoáng như chi phí niêm yết thấp, nghĩa vụ công bố thông tin, tài chính... không quá khắt khe và cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư, đã phần nào giảm bớt áp lực huy động tài chính, thường là gánh nặng đối với các DN mới thành lập. KONEX được hình thành từ năm 2013 với 21 DN khởi nghiệp niêm yết và tổng vốn thị trường 468 tỷ won. Ngày 23/5/2016, đã có 119 DN khởi nghiệp niêm yết (gấp 6 lần) với tổng vốn 4.835 tỷ won (gấp 10 lần), tương đương khoảng 4,1 tỷ USD. Đây là một trong những mô hình huy động vốn thành công cho DN khởi nghiệp cần học hỏi.

Thứ hai, cần thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu DN thông qua: (i) Triển khai đề án tổ chức giao dịch trái phiếu DN. Theo đó, cần hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu DN sớm đưa thị trường giao dịch trái phiếu DN vào hoạt động; (ii) Rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu DN riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin công khai và thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung; (iii) Khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết; (iv) Xây dựng cổng thông tin trái phiếu DN.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN theo hướng: mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý, mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử và hệ thống hải quan điện tử…           

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ KH&CN, Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025

2. Đặng Bảo Hà, Cục Thông tin KH&CN Quốc Gia, “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: vai trò của chính sách chính phủ”

3. Trần Lương Sơn, Chu Thái Hòa, Nhà nước và khởi nghiệp: Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

4. Lê Minh Hương, Viện CL&CSTC, “Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.

5. Lê Minh Hương, Viện CL&CSTC, “Sàn giao dịch chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và gợi ý cho Việt Nam”

6. Topica FI, Báo cáo thị trường khởi nghiệp Việt Nam 2015.

7. GEM (2016), 2015/16 Global Report

8. https://tuoitre.vn/se-co-san-chung-khoan-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-1114624.htm

9. http://vtv.vn/kinh-te/goi-von-cho-khoi-nghiep-thong-qua-san-giao-dich-chung-khoan-20160608092849695.htm.

tapchitaichinh.vn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập160
  • Hôm nay28,036
  • Tháng hiện tại803,314
  • Tổng lượt truy cập91,977,043
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây