Những mô hình hiệu quả
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thời gian qua đã tạo kênh tín dụng quan trọng, giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động,...
Theo ông Cường, đến nay cả nước có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, thành phố quản lý được thành lập và đi vào hoạt động. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở TW và 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tình, thành phố với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng.
Là Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thành lập đầu tiên trên cả nước, ông Trần Ngọc Hưng, phó chủ tịch Liên minh HTX, giám đốc Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã TP.HCM (CCM) cho biết, nguồn vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là 10 tỷ đồng, huy động từ các HTX, thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể của TP.HCM.
Tính đến 31/3/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ CCM là hơn 804 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng là vốn góp của thành viên, 75 tỷ đồng từ vốn vay của Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), hơn 303 tỷ đồng vốn từ tiền tiết kiệm của thành viên và hơn 416 tỷ đồng vốn không chi qua các năm hoạt động.
Như vậy sau 16 năm, CCM đã lớn mạnh và là một mô hình hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của thành viên. CCM đã cho vay được hơn 610 ngàn lượt thành viên, với doanh số cho vay là gần 8,8 ngàn tỷ đồng,...
Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX, chủ tịch HĐQL Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BCAF) cho biết sau 7 năm hoạt động, từ vốn vay ngân sách 10 tỷ đồng, quỹ đã thu được hơn 7,1 tỷ đồng.
BCAF đã cho vay 93 dự án với tổng số tiền gần 46,5 tỷ đồng thông qua cả hình thức tín chấp, thế chấp và cho nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp cho tới thương mại, dịch vụ,... Hiện tại, tổng nguồn vốn hiện có của quỹ là gần 14 tỷ đồng.
Khá nhiều quỹ hoạt động khá tốt và đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, thành viên và người lao động.
Nhu cầu đổi mới để phát triển
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch VCA, tới nay, vẫn chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các quỹ; còn 16/63 tỉnh, thành (khoảng 25%) chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Các quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ, gần 50% có mức vốn dưới 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các quỹ vẫn chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường; cơ chế hoạt động nghiệp vụ và mô hình tổ chức bộ máy thiếu thống nhất. Tuy cùng trực thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhưng giữa các quỹ chưa có sự hợp tác, liên kết thống nhất theo hệ thống dọc.Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính Tín dụng, Bộ Tài chính, cho biết, hoạt động của một số Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX như CCM và BCAF là hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý cho hoạt động của các quỹ này là cần thiết.
Theo bà Hiền, việc đầu tiên là phải xác định được mô hình hoạt động của các quỹ. Cơ quan quản lý hướng tới mô hình là HTX chứ không phải quỹ tài chính. Về vấn đề pháp lý, trước mắt là “làm” Nghị định cấp Chính phủ. Còn về trung hạn, phải đưa vào Luật HTX.
Các quỹ hoạt động hiệu quả sẽ theo mô hình HXT, có HĐTV, điều hành, kiểm soát và không có sự can thiệp của Nhà nước. Các quỹ hoạt động yếu kém thì cần có quá trình quá độ. Các quỹ này sẽ không phải nộp thuế, nhưng phải đảm bảo bảo toàn vốn và công chức nhà nước không được tham gia vào các tổ chức.
Về quy mô, theo bà Hiền, mức 10 tỷ thì thấp còn 100 tỷ có thể cao, có thể mức 20-30 tỷ sẽ được đưa vào dự thảo Nghị định để lấy ý kiến của các bên liên quan. Đối tượng cho vay sẽ rộng hơn, bao gồm thể nhân và cá nhân. Lãi suất và tài sản đảm bảo sẽ không được đặt trong nghị định mà do địa phương quyết định và quỹ tự chịu trách nhiệm bảo toàn vốn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cũng chia sẻ, không nên để “1 giá”, lãi suất nên linh hoạt, không thể cứng nhắc. Còn nguồn vốn thì huy động nguồn lực từ thị trường là chủ yếu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, ngân sách nhà nước phải tham gia để có vốn ban đầu, vốn mồi và để giúp lãi suất cho vay giảm xuống. Các quỹ không thiên về hỗ trợ lãi suất, mà là tăng khả năng tiếp cận vốn, như giảm thủ tục,... nhưng phải quản trị được rủi ro.
Theo ông Bảo, nếu không có quỹ thì sẽ không có sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và thành viên, liên minh và thành viên. Trước đó, khi nhậm chức hồi cuối 2017, ông Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ quyết tâm nỗ vì sự phát triển Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và kinh tế hợp tác.
H. Tú/vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;