Đúng như tiêu đề, bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quan điểm chính thức của Việt Nam về TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đương nhiên, quan điểm chính thức ấy đã được Việt Nam thể hiện nhiều lần, qua nhiều kênh khác nhau, nhất là trong quá trình 5 năm kiên trì đàm phán TPP. Cam kết của Việt Nam với thế giới, với các đối tác, thể hiện qua các nội dung cụ thể trong TPP, đương nhiên đã rõ. Rất nhiều ý kiến trong và ngoài nước cũng đã bình luận phân tích về cơ hội, thách thức của Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị.
Thế nhưng trong bối cảnh TPP vừa được chính thức ký kết cách đây không ít ngày và trước mắt chúng ta chỉ còn khoảng 2 năm nữa để chuẩn bị trước khi TPP có hiệu lực, thì người dân và cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần một thông điệp chính thức và rõ ràng từ phía các nhà hoạch định chính sách.
Có thể xem bài viết của Thủ tướng như một cam kết của các nhà hoạch định chính sách với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân về những hành động đã và đang được tiến hành để có thể tận dụng cơ hội to lớn từ TPP và các FTA như xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.
Trong bài viết, Thủ tướng Chính phủ đã dành phần lớn dung lượng để trả lời cho câu hỏi chúng ta sẽ làm gì trong thời gian tới? Khẳng định rằng “thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế”, rằng “phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế”, Thủ tướng đã chỉ rõ vai trò và hành động cần có của các chủ thể gồm Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội.
Thực tế, không phải đợi đến bây giờ mà câu trả lời đã có ngay từ khi Việt Nam chủ động quyết định tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên. Thời gian qua, trên cơ sở không gian hiến định mới mà Hiến pháp năm 2013 mở ra, chúng ta đã xây dựng và triển khai hàng loạt luật mới nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh, nhằm khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển.
Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, Chính phủ đã chủ động, ráo riết, quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp này, Thủ tướng nhấn mạnh rằng chúng ta “phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới”.
Phác thảo những nét nổi bật nhất của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong “một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn”, Thủ tướng đã chỉ ra một hệ quả rất đáng chú ý. Đó là “các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó”.
Nhận thức được xu thế nói trên là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các quốc gia đang muốn vượt lên, trong đó có Việt Nam. Một mặt, Việt Nam rất cần học tập các mô hình thành công trước đây ở chỗ phải luôn nhạy bén để nắm bắt được tinh thần, hơi thở của thời đại, nhưng mặt khác, chúng ta không thể rập khuôn theo những mô hình “đã không còn nguyên ý nghĩa kinh điển”, mà phải vượt lên theo một cách thức khác trong một thế giới đã và đang đổi thay chóng mặt.
Được phát đi trong ngày đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chỉ vài ngày sau khi TPP được ký kết, bài viết của Thủ tướng đã thể hiện những trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hiệp định thương mại tự do, với vấn đề hội nhập, cải cách và rộng hơn, xa hơn là với tiền đồ và tương lai đất nước. Nếu thế giới đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại điệp khúc “thể chế, thể chế và thể chế”, thì với Việt Nam, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải “hành động, hành động và hành động” như tiêu đề bài viết của Thủ tướng, vì một thể chế tốt, chất lượng cao và xa hơn, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Khác với nhiều nước vẫn còn những tranh cãi nội bộ khi tham gia TPP, có thể thấy đại đa số các ý kiến tại Việt Nam, từ các nhà lãnh đạo cho tới các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đều ủng hộ Hiệp định này, cho dù mức độ lạc quan là khác nhau. Thông điệp của Đảng, Nhà nước, được thể hiện qua bài viết của Thủ tướng, sẽ góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đúng như Thủ tướng đã viết, việc chủ động quyết định tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững, đã cho thấy bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước ta.
Bài viết của Thủ tướng đã thể hiện rõ ràng bản lĩnh, tư duy và tầm nhìn ấy.
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã