Ảnh: THBT
Thiếu liên kết, khó giữ thương hiệu quốc gia
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước cả năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD. Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8,3 tỷ USD; rau củ quả đạt hơn 3,4 tỷ USD - vượt cả xuất khẩu gạo và dầu thô. Và những tin vui liên tục trong một vài tháng gần đây về các lô hàng xuất khẩu đầu tiên thâm nhập được nhiều thị trường lớn đã trở thành động lực khích lệ không nhỏ cho toàn ngành nông nghiệp.
Thế nhưng, những tin tức về thịt gà đi Nhật, thanh long đi Úc, chanh leo (chanh dây) đi Pháp hay vú sữa đi Mỹ cũng chưa thể nói lên sự thay đổi cơ bản về sự liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cũng bởi chuỗi liên kết vẫn còn lỏng lẻo, ai cũng chỉ lo “bo bo” cho lợi ích của mình nên lắm khi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Chưa hết hồ hởi với báo cáo của Tham tán thương mại Việt Nam tại Úc vì lô thanh long đầu tiên thâm nhập thị trường này đang nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng bản xứ thì chỉ mấy ngày sau cơ quan chức năng Úc đã gửi cảnh báo lô thanh long thứ 2, thứ 3… xuất hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Điều này cho thấy không chỉ người làm thông tin thị trường thiếu cập nhật mà cả người chế biến - sản xuất nông sản cũng chưa tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đã cam kết. Sự chia sẻ lợi ích và cùng giữ gìn uy tín cho thương hiệu quốc gia chưa được các thành phần trong chuỗi giá trị thực sự tôn trọng.
“Ở đây vai trò của doanh nghiệp là rất lớn để có thể định hướng, tạo nên hình ảnh, chất lượng và giá cả của sản phẩm Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Sự lỏng lẻo trong các mối liên hệ giữa người sản xuất và nhà phân phối - vốn thường có thêm mắt xích “ở giữa” là nhà kinh doanh thương mại - một lần nữa cũng được thể hiện ngay tại diễn đàn hội nghị.
Thực vậy, trước những nghi ngại của doanh nghiệp về yếu tố “phết phẩy” trong khâu thu mua của các siêu thị, kể cả các siêu thị nội, khiến hàng Việt gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đầu ra, thậm chí không thể cạnh tranh với hàng kém chất lượng hơn khi tiếp cận kênh phân phối này thì cả đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lẫn lãnh đạo Hệ thống siêu thị Satra có mặt tại hội nghị đều phủ nhận, và cho rằng mọi hàng hóa được xét chọn vào siêu thị đều phải theo quy trình nhất định!
Và rằng doanh nghiệp nên thận trọng khi phát đi những thông tin như hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện tại kênh siêu thị cạnh tranh trực tiếp với hàng thật, bởi có thể gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính và các nhà bán lẻ nói chung! “Không thể có hàng giả hàng nhái trong hệ thống siêu thị, nếu có chỉ là phần rất nhỏ và chỉ là hiện tượng đặc biệt nào đó, và chúng ta cần cùng nhau trao đổi kỹ lưỡng hơn”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định.
Chấn chỉnh điệp khúc “tại ải, tại ai?”
Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các nhà sản xuất hoặc đại diện cho nông dân cũng khiến hiện tượng “lật kèo” dù không còn diễn ra “như cơm bữa” nhưng cũng vẫn đang là vấn nạn nhức nhối của ngành nông sản. Nông dân thì bảo doanh nghiệp ép giá khi thu mua; doanh nghiệp thì nói nông dân tìm cớ để phá hợp đồng.
Thế nên, để chấn chỉnh điệp khúc bất phân thắng bại “tại ải, tại ai” trong mối quan hệ trên, theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, đã đến lúc Hội Nông dân phải cùng phối hợp xây dựng hệ thống các chợ đầu mối theo ngành hàng tại từng địa phương, có thể xuống tới từng xã có lợi thế nông sản đặc thù. “Chỉ như vậy thì nông dân mới khó bị bên mua ép giá nhờ đã đến được với những thông tin mới nhất về giá cả thị trường”, ông Huy đề đạt.
Ngoài ra, với thị trường xuất khẩu thì vai trò của tham tán thương mại Việt Nam tại các nước là hết sức quan trọng. Theo đó, thay vì để doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay, lực lượng tham tán thương mại nên là nơi cập nhật liên tục nguồn thông tin về thị trường, quy định kiểm dịch và văn hóa tiêu dùng của nước sở tại liên quan tới các sản phẩm chủ lực cụ thể của Việt Nam. “Từ đó, doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động điều chỉnh lịch sản xuất và mùa vụ để sản phẩm làm ra đạt được lợi thế cao nhất”, ông Huy nêu nguyện vọng.
Từ phía người trực tiếp quản lý ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay hiện cơ quan này đang lên dự thảo nghị định về liên kết sản xuất để trình Chính phủ, với nội dung chính là làm sao khuyến khích kết nối doanh nghiệp với người sản xuất, bảo đảm hình thành chuỗi giá trị có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất và sức cạnh tranh.
Theo đó, quan điểm của chùm chính sách này là chỉ những ai quan tâm đến liên kết để chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân mới được hưởng cơ chế ưu đãi.
Đáng chú ý, vị lãnh đạo của Bộ NN&PTNT này còn cho biết sẽ đề xuất Chính phủ cho xây dựng và kết nối hệ thống chợ đầu mối tại các đô thị lớn; tìm hướng ra cho hàng Việt ở kênh siêu thị… Trước mắt, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ công bố một số báo cáo phân tích về thông tin thương mại ở một số thị trường lớn để doanh nghiệp và nhà sản xuất - nông dân nói chung có thêm nguồn tham khảo tin cậy.
Phương Hiền/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;