Học tập đạo đức HCM

Phải thay đổi thể chế quản lý

Thứ hai - 12/08/2013 06:14
Tuy có thành tích và truyền thống phát triển kinh tế, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt xuất phát từ “đặc thù” một đất nước nông nghiệp truyền thống, tư duy làng xã và óc tư hữu manh mún, nên nước ta vẫn dừng lại ở trình độ sản xuất nhỏ.

 

Trên con đường phát triển kinh tế thị trường, đất nước đổi mới cơ chế quản lý, nhưng do chưa đầy đủ lý luận về hình thái và mô hình kinh tế mới, cộng với tư duy sản xuất thời bao cấp còn rơi rớt, sức ỳ lớn, đã dẫn đến kết quả chưa như mong đợi.

Nhìn lại quá trình phát triển nông nghiệp

Ngay từ trước năm 1975, miền Nam đã hình thành tầng lớp nông dân tiểu chủ, có tập quán sản xuất hàng hóa cao, hệ thống tiếp thị thương mại, công nghiệp nhẹ phát triển, hệ thống ngân hàng, tài chính hiện diện khá nhiều.

Sau ngày thống nhất đất nước, hào khí chiến thắng của cả dân tộc cùng với cơ sở vật chất, cơ chế sản xuất theo xu thế thị trường ở miền Nam đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1976 đạt mức kỷ lục là 16,8%.

Giá như thời đó chúng ta nhớ đến vị danh tướng Napoleon của Pháp, người không biết sợ là gì, khi được hỏi: “Điều gì làm ngài sợ nhất?”. Ông nói: Sợ nhất là sau khi chiến thắng làm ru ngủ con người, quên đi những thiếu sót, khuyết điểm, không cẩn trọng để bước vào cuộc chiến mới. Tất nhiên, lịch sử không bao giờ có hai từ “giá như”.

Miền Nam nước ta vừa ra khỏi chiến tranh đã trải qua sóng gió của hợp tác hóa và cải tạo kinh tế tư bản, tư doanh. Các chương trình đưa dân thành thị đi phát triển các vùng kinh tế mới, cùng với một số biện pháp sai lầm trong quản lý kinh tế đã tách người lao động và quản lý ra khỏi tư liệu sản xuất, thực sự chuyển nền kinh tế thị trường sang kinh tế chỉ huy bao cấp.

Ngay từ năm 1999 đã có cảnh báo về hạn chế của quy mô nông hộ miền Bắc 2.000 m2, miền Nam 10.000 m2 (1 ha) công lao động 20 nghìn đồng/ngày, vật tư tăng cao theo cơ chế thị trường, manh nha nhóm lợi ích chèn ép quyền lợi của nông dân. Năm 2003 có Nghị quyết 03 về kinh tế trang trại là loại hình mới trong nông nghiệp, là xu thế phát triển của thế giới. Tiếc thay, nó đã bị “chết yểu” vì không có môi trường phát triển, chính sách hỗ trợ các trang trại không đi vào cuộc sống.


Người nông dân một nắng hai sương nhưng cuộc sống vẫn vô cùng vất vả (Ảnh minh họa)

Bế tắc hiện nay: “Nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”

Sau giai đoạn cởi trói, thăng hoa, nền nông nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cùng với hiện tượng nông dân bỏ ruộng, dịp này, vấn đề “tái cấu trúc nền nông nghiệp” cũng được đưa ra bàn thảo mạnh mẽ. Câu chuyện bắt nông dân chịu trách nhiệm đối với an ninh lương thực của cả nước và thậm chí cả thế giới như lâu nay ta vẫn làm được nhìn nhận là sai lầm không đáng có.

Bên cạnh phải hy sinh cho an ninh lương thực của cả nước, người nông dân Việt Nam còn phải chịu rất nhiều khoản đóng góp cho xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển nông thôn mà lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà nước.

Theo kết quả điều tra của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trên cả nước, bình quân mỗi hộ nông dân phải chịu 30 - 40 khoản đóng góp, với mức 250 nghìn - 800 nghìn đồng/năm. Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672 nghìn - 872 nghìn đồng/hộ/năm. Chịu áp lực nhiều khoản chi phí như thế, nông dân nhiều nơi bỏ ruộng không có gì lạ!

Trước đây đã lâu, tôi có đọc tài liệu của một viện nghiên cứu ngành nông nghiệp, sau khi phân tích bằng các luận cứ khoa học và thực tế, đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên giữ 3,2 triệu ha đất lúa. Trớ trêu sau khi vừa mới “hùng hồn” diễn thuyết ở một cuộc hội thảo về việc chỉ nên giữ 3,2 triệu ha đất lúa, thì vài hôm sau họ đã phải đăng đàn nói "giữ 3,8 triệu ha đất lúa là quyết định đúng đắn" vì đó là chủ trương, không cần bàn cãi nữa. Có nghĩa cấp tham mưu cũng phải "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình"!

Tập trung vào cây lúa, tăng mạnh sản lượng lúa giai đoạn trước có thể là đúng nhưng giờ đây không còn phù hợp nữa. Khi đời sống tăng lên, người ta ăn ít gạo đi và ăn nhiều hơn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong khi nguồn cung tăng mạnh mà tiêu dùng lại không tăng, thậm chí giảm thì giá gạo chắc chắn sẽ giảm hoặc không thể tăng. Nguồn cung tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp và tư thương tìm cách dìm giá thu mua. Diện tích đất manh mún, nông dân không được tổ chức, không có tiếng nói và bị chèn ép ở cả hai đầu - giá đầu vào không ngừng tăng trong khi giá đầu ra không tăng mà chỉ giảm - là tình trạng phổ biến của ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay.

Các giải pháp 

Để Việt Nam tiếp tục có nền kinh tế xã hội ổn định, phát triển nhanh, mạnh, bền vững nhất là sau khi gia nhập WTO, rõ ràng các biện pháp áp dụng trong thời kỳ đổi mới ngày càng bộc lộ những hạn chế. Về lĩnh vực nông nghiệp, tôi đồng tình chia sẻ với quan điểm của PGS Vũ Trọng Khải, cần tái cấu trúc chứ không phải chỉ tái cơ cấu. Chỉ có tái cấu trúc mới tạo nền móng xác định lại chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng mới, thay đổi thể chế quản lý cả vĩ mô và vi mô, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa từ trang trại đến bàn ăn. Không thể phát triển nông nghiệp chỉ bằng các cánh đồng mẫu lớn, nông dân nhỏ mà phải cần có cả những nông dân lớn. Có nghĩa là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong đó phần giá trị tăng lên phải được chia sẻ công bằng với nông dân.

Nhìn xa hơn phải sửa lại Hiến pháp theo ý nguyện của người dân, sửa Luật Đất đai thay đổi theo mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Tạo điều kiện thuận lợi để đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học chuyển giao áp dụng vào thực tế.

Trước mắt, rà soát tháo gỡ các rào cản, nút thắt, coi trọng quy hoạch xác định loại giống cây trồng chủ lực theo đặc thù thế mạnh của từng vùng sản xuất. Giảm dần các diện tích trồng lúa vừa tốn nước, vừa kém hiệu quả ở các vùng trung du miền núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long đã ổn định 300 nghìn ha cây ăn trái, 400 nghìn ha thủy sản và 1,9 triệu ha lúa.

Cần chuyển 500 nghìn ha lúa truyền thống ven biển sang trồng lúa thơm chất lượng cao. Khi đặt ra bài toán phát triển nông nghiệp cần phải tính đến “bài toán ngược”, là căn cứ vào khả năng cung cấp nguồn nước để đưa ra quy mô, loại cây phù hợp thị trường và hiệu quả kinh tế. Cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tam nông...

Tái cấu trúc nông nghiệp phải đi sau tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân. Quan trọng hơn, phải gắn với sự quyết liệt đổi thay tích cực thể chế quản lý, cả về kinh tế xã hội, môi trường. 

Theo nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập554
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm553
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại849,896
  • Tổng lượt truy cập92,023,625
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây