Câu chuyện khởi nghiệp của Trần Văn Phúc (SN 1993, thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), khiến nhiều người dân vùng đất đỏ Gio Linh trầm trồ. Người dân nơi đây khen ngợi Phúc có sáng tạo, dám làm và quyết tâm, khát vọng làm giàu.
Chúng tôi gặp Phúc khi cậu đang loay hoay giữa trại nấm. Phúc cười nói, đợt này em đang vào đất, xử lý bao bì để một thời gian nữa sẽ tạo cho nấm bung ra. Đợt này em mới làm được 3.000 bịch, chứ sắp tới sẽ lên tới 10.000 bịch nấm. Em hy vọng sẽ mang lại hiệu quả trong vụ tới.
Trò chuyện với chúng tôi, Trần Văn Phúc cho biết, bản thân em theo học tại trường CĐ lương thực thực phẩm Đà Nẵng được 3 năm. Đến năm cuối, Phúc cùng 17 sinh viên tham gia chương trình liên kết đào tạo của trường với một đơn vị ở Israel, chuyên về nông nghiệp. Những sinh viên được chọn phải có học lực khá trở lên.
Quá trình thực tập ở đất nước này, Phúc có nhiều thời gian trải nghiệm, học tập cách làm nông nghiệp, bởi thời gian học lý thuyết rất ít, chủ yếu là tham gia làm việc ở các nông trại.
Phúc nói, người Israel làm nông nghiệp rất bài bản, khoa học. Tại các vườn cây, cái gì cũng tự động và sự can thiệp của con người rất ít. Ngoài ra, do phát triển theo hướng hữu cơ nên họ rất hạn chế sử dụng các loại phân hóa học.
Sau 1 năm thực tập tại Israel, Phúc quay lại trường nhận bằng tốt nghiệp rồi trở về quê hương. Những năm học tập tại Đà Nẵng, do có chút kinh nghiệm trồng và chăm sóc nấm cho một số trang trại nên Phúc quyết định về trồng nấm tại quê hương.
Trước khi lập nghiệp, Phúc đã đi tham khảo một số trại nấm thành công trên địa bàn Quảng Trị. Đầu năm 2017, Phúc bắt đầu khởi nghiệp, cậu chọn nấm sò để chăm sóc bởi loại nấm này có giá bình dân, dễ tiêu thụ hơn.
Được sự hỗ trợ từ gia đình, cùng với số vốn tích lũy trong quá trình lao động ở Israel, Phúc và anh trai mình đã dựng trại trồng nấm, với chi phí ban đầu khoảng 250 triệu đồng.
Phúc cho biết, ban đầu do chưa có kinh nghiệm xử lý sinh vật, chưa quen với khí hậu khắc nghiệt, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên bị thiệt hại đáng kể.
“Quá trình trồng nấm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên yêu cầu cơ bản là việc xử lý côn trùng, nắm bắt các loại nấm bệnh, điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp”, Phúc nói.
Tuy nhiên, sau 3 vụ đầu tiên thất bại, chàng trai trẻ đã có được những bài học cho riêng mình. Những vụ sau, Phúc rút kinh nghiệm và chú ý chăm sóc ngay từ đầu nên cho thu hoạch khá. Sản phẩm từ trại nấm của Phúc được đưa đi phân phối khắp các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo Trần Văn Phúc, nấm sò rất dễ tiêu thụ trên thị trường, mỗi kg nấm sò trắng có giá khoảng 25 ngàn đồng, nấm sò tím từ 30-35 ngàn đồng.
Phúc cho rằng, nếu đầu tư thời gian, chăm sóc tỉ mỉ thì nấm sẽ phát triển tốt. Mỗi lần thu hoạch, với số bầu nấm hiện có cho trọng lượng khoảng 1-2 tạ. Do còn thiếu nguồn cung nên sản phẩm làm ra bao nhiêu được thiêu thụ hết đến đấy, nhờ đó đã tạo thêm niềm tin cho em tiếp tục mở rộng trang trại.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Phúc cho biết, trước mắt em sẽ cố gắng tận dụng diện tích trại để trồng nấm. Ngoài nấm sò, em sẽ trồng thêm nhiều loại nấm khác để tăng giá trị.
“Thời gian qua, do mới khởi đầu nên em còn làm thủ công. Sắp tới, em sẽ đầu tư mua máy phá bịch để tiết kiệm thời gian hơn, máy phun sương để đảm bảo nhiệt độ cho nấm sinh trưởng”, Phúc tâm sự.
Đăng Đức/dantri.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;