Cá lóc và trê vàng
Hai đối tượng này được ghép trong mô hình nuôi “Cá lóc trong mùng lưới trên sông kết hợp cá trê vàng” tại tỉnh Bạc Liêu. Mô hình này đã triển khai mấy năm trở lại đây và được đánh giá là một trong những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả. Bởi, năng suất cao (cá lóc 600 - 800 kg/10 m2, trê vàng 100 - 150 kg/10 m2), vừa dễ làm, vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá nuôi, tận dụng được thức ăn dư thừa, không những giúp cá tránh thất thoát mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trên cá nuôi và tăng thêm lợi nhuận để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo chia sẻ của người nuôi, hiện nay mô hình này được thực hiện 2 vụ/năm, vụ 1 vào tháng 4 - 5 âm lịch và thu hoạch khoảng tháng 7 - 8 âm lịch. Đây là vụ thuận lợi nhất vì nhiệt độ hợp lý, nguồn thức ăn dồi dào, dễ tìm, cá lớn nhanh. Vụ 2 thả nuôi tháng 8 - 9 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 12 - 1 âm lịch. Thời điểm này giá bán cá đạt cao. Tuy nhiên, nếu chủ động được nguồn thức ăn, người dân có thể tiến hành được 3 vụ/năm. Ưu điểm của mô hình là vốn đầu tư không cao, lại có thể chủ động thức ăn cho vật nuôi (cho ăn ốc bươu vàng, vừa giảm chi phí thức ăn, vừa giảm địch hại trên ruộng lúa). Cách làm này giúp giảm 2 - 3 triệu đồng tiền thức ăn/mùng lưới. Mỗi vụ nuôi mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Nuôi cá kèo trong đầm tôm
Mô hình này mới được thực hiện tại tỉnh Cà Mau, đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa giúp bà con tận dụng tốt tiềm năng đất đai, vừa cho thu nhập ổn định ở mức khá. Tiên phong là hộ gia đình anh Nguyễn Minh Liệt, ở ấp Trống Vàm, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
Sau những vụ tôm thất bát, gia đình anh chuyển sang nuôi cá kèo, vừa để đỡ trống ao, vừa gỡ gạc kinh tế. Với 2 đầm hơn 4.000 m2, anh Liệt thả hơn 500.000 con cá giống. Sau 4 tháng nuôi, anh thu được 10 tấn cá thương phẩm. Trung bình giá bán 80.000 đồng/kg, anh thu về 800 triệu đồng; trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.
Anh Liệt chia sẻ, cá kèo dễ nuôi và ít rủi ro hơn tôm, tỷ lệ đạt cao hơn. Trong quá trình nuôi, chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, cho cá ăn 3 lần/ngày. Qua 4 vụ nuôi, gia đình anh đều thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, theo anh Liệt, khó khăn nhất hiện nay trong nuôi cá kèo là con giống. Bởi cá kèo chưa sinh sản được nhân tạo, chủ yếu thu gom giống từ tự nhiên, nên nguồn giống phụ thuộc, giá cao, chi phí thức ăn cũng lớn vì cá ăn nhiều.
Nuôi rô phi dòng Đường Nghiệp
Mô hình thử nghiệm được thực hiện tại hộ ông Ngô Văn Quang (thôn Đông Nghề, xã Dĩnh Trì) trên diện tích 0,3 ha với 6.000 con giống, mật độ 4 - 6 con/m2. Sau 5 tháng nuôi, cá bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân 0,8 kg/con, năng suất đạt gần 20 tấn/ha/vụ. Với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Quang thu về lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông TP Bắc Giang cho biết, qua đánh giá, nghiệm thu mô hình nuôi cho thấy nuôi cá rô phi dòng Đường Nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, hệ số thức ăn giảm 0,2 - 0,3 so với các dòng rô phi khác nên lợi nhuận kinh tế cao hơn 10 - 15%. Đây là cơ sở để nhân rộng nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Tôm sú - cá rô phi
Mô hình nuôi cá rô phi dòng Đường Nghiệp được nhiều địa phương nhân rộng Ảnh: Quang Quyết
Mô hình được triển khai thành công tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu hướng đến là tìm giải pháp hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm và góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mô hình “Nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi” vừa được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh kết hợp với Dự án AMD tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả. Mô hình với quy mô 1,5 ha/5 hộ, triển khai tại xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang và xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn.
Ông Trần Tùng Lâm (ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu), một hộ tham gia mô hình cho biết, với diện tích 0,6 ha, sau 5 tháng nuôi, lợi nhuận ước đạt 495 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng so với mô hình sản xuất đại trà.
Mô hình được nhận định là nhiều ưu điểm, như tạo môi trường nuôi ổn định, màu nước ít thay đổi, pH ổn định. Các khí độc không vượt quá ngưỡng cho phép, giảm sự phát triển của Vibrio trong nước, hạn chế được dịch bệnh trong ao nuôi tôm, giảm chi phí sản xuất vì hạn chế sử dụng thuốc... Từ đó, tăng thu nhập cho người sản xuất. Mô hình đang được xem xét để nhân rộng trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;