2020 là một năm đầy biến cố với vùng “chảo lửa túi mưa” Hà Tĩnh. Giai đoạn giữa năm, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh nắng hạn khốc liệt, hồ đập cạn trơ đáy, nguồn nước thiếu thốn trầm trọng.
Đến cuối năm, mưa trút xối xả khiến các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Can Lộc… ngập lụt diện rộng.
Trong thời khắc khó khăn đó, việc đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân sinh hoạt là nhiệm vụ được chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu.
Là đơn vị nhà nước trực thuộc Sở NN-PTNT, thời gian vừa qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp vận hành công trình; tiết kiệm chi, dành nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống máy móc để cung cấp nước sạch thường xuyên, liên tục cho gần 22.000 hộ gia đình.
Đặc biệt, sau đợt lũ lịch xử xảy ra từ ngày 18 – 21/10, 100% quân số của Trung tâm được triệu tập, phân công trực đảm bảo an toàn và vận hành hiệu quả 7 công trình cấp nước tập trung ở 5 huyện, gồm: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà và Hương Khê, không để gián đoạn việc đưa nước sạch đến cho nhân dân vùng lũ.
Chị Nguyễn Thị Hà, một trong hàng nghìn khách hàng sử dụng nước sạch của nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên nói: “Lũ rút thứ chúng tôi cần nhất là nước sạch. Rất may nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên đã nhanh chóng cấp nước cho bà con sinh hoạt, vệ sinh nhà cửa”.
Theo chị Hà, trước đây khu vực dân cư nơi chị sinh sống nguồn nước bị nhiễm phèn, rất tanh, sử dụng không an toàn nhưng vài năm trở lại đây, nhờ sử dụng nguồn nước đảm bảo nên người dân đỡ lo lắng về sức khỏe hơn, đồ dùng gia dụng trong gia đình cũng ít bị hư hỏng.
Được biết, nhà máy cấp nước tập trung Bắc Cẩm Xuyên có nhiệm vụ cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn 5 xã Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Mỹ và Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Đây đều là những xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, vừa qua bị ngập sâu trong lũ lụt nhiều ngày.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMTNT Hà Tĩnh chia sẻ, điều mà ông trăn trở nhất khi điều hành các nhà máy cấp nước tập trung là đảm bảo sự thông suốt, liên tục trong quá trình cấp nước đến cho người dân, đặc biệt là ở những thời điểm căng thẳng như hạn hán, lũ lụt.
“Chính những lúc ấy người dân mới thực sự cần nước sạch và cảm nhận được tầm quan trọng của nguồn nước. Rất mừng, chúng tôi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tâm huyết với công việc, có năng lực chuyên môn nên dù thiếu nước hay thừa nước cũng điều tiết vận hành đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả”, ông Quang nói.
Đồng thời, ông cũng cho biết, tổng sản lượng nước tiêu thụ toàn tỉnh tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 2 triệu m3; doanh thu hơn 10,5 tỷ đồng.
Song song với thực hiện nhiệm vụ cấp nước, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đầu tư khắc phục, sửa chữa 642 điểm hư hỏng trên toàn hệ thống mạng lưới đường ống và một số hư hỏng nhỏ tại các hộ gia đình để hạn chế tình trạng thất thoát nước. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát thực tế tình hình sử dụng nước sinh hoạt tại 27 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã kiểu mẫu và xã sau sáp nhập.
Hoàn thành công tác tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về lĩnh vực nước sạch và VSMTNT; tập huấn hướng dẫn xây dựng, bảo quản và sử dụng công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình với 28 lớp/28 xã; hơn 2.800 lượt người tham gia.
https://nongnghiep.vn/em-gui-2-trang-qc-so-75-nam-ktgd-d277806.html
Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã