Chính sách được ban hành với quan điểm tiếp tục thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, vì vậy chính sách đã tích hợp trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại nông thôn, khoa học công nghệ, nông thôn mới... Chính sách tập trung hỗ trợ một số lĩnh vực, một số khâu ưu tiên trong sản xuất, đến chế biến và hướng tới hỗ trợ đầu ra; phát triển sản xuất ưu tiên bảo đảm môi trường, phòng chống dịch bệnh; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo động lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực và phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, từng bước giải quyết thách thức lớn nhất của nông nghiệp tỉnh ta hiện nay là: Khả năng cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vấn đề thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh...
Chính sách theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020 hệ thống hóa trên nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều Sở, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông thôn mới... Tuy nhiên, phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến kết quả thực hiện các chính sách do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, điểm mới nổi bật so với Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND là việc ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản.
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, chính sách lĩnh vực nông nghiệp đã hấp thu được hơn 82 tỷ đồng (năm 2019 và 2020), trong đó: Khối các huyện, thị xã, thành phố là 63,8 tỷ đồng, các đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý là 16,2 tỷ đồng, khối doanh nghiệp là 02 tỷ đồng.
Thu hoạch chè tại Xí nghiệp chè Tây Sơn, Hương Sơn
Mặc dù, năm 2019, 2020 và các tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng gián tiếp của Đại dịch Covid-19; dịch tả lợn Châu phi tiềm ẩn nguy cơ tái phát nên gây khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã gây cháy rừng, hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng; những tháng cuối năm 2020 liên tiếp xảy ra các đợt mưa, lũ, bão, đặc biệt là đợt mưa lũ từ ngày 15 -21/10 gây ngập lụt diện rộng và thiệt hại lớn đối với sản xuất, tài sản, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân... Tuy vậy, chính sách đã có tác động và đóng góp tích cực đến hoạt động sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, các mô hình sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến mới, trong đó yếu tố sản xuất đóng vai trò quan trọng, nông nghiệp phát triển khá: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh) năm 2020 đạt trên 13.000 tỷ đồng (bằng 98,4% KH, tăng 2,5% so với 2019), trong đó: Nông nghiệp 10.819 tỷ đồng (tăng 2,9%), lâm nghiệp 732 tỷ đồng (tăng 3%), thủy sản 1.450 tỷ đồng (bằng 98% so với 2019); tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% trong cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp...
Chính sách trong lĩnh vực trồng trọt đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi), diện tích, giá trị chè xuất khẩu được tăng lên, an ninh lương thực luôn được đảm bảo... Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng nhanh, năm 2017 đạt 70 triệu đồng/ha, năm 2020 đạt 90 triệu đồng/ha.
Về cây ăn quả có múi, chính sách đã thúc đẩy diện tích cam, bưởi tăng nhanh (đến năm 2020 diện tích cam đạt hơn 7.400 ha, bưởi đạt hơn 3.600ha); góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, chăm sóc cây đầu dòng cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch để bảo tồn quỹ gen đặc sản; áp dụng quy trình VietGAP (đến nay diện tích sản xuất theo VietGap đạt hơn 1.000 ha), tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm... Trong sản xuất chè công nghiệp, đã đổi mới cơ cấu giống, người dân đã từng bước tổ chức sản xuất quy trình kỹ thuật theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để tiếp tục phát huy lợi thế chuỗi giá trị sản xuất chè theo hướng bền vững, góp phần mở rộng diện tích chè đến nay đạt hơn 1.200 ha, với kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 2,5 triệu USD/năm. Chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất bước đầu đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, từ đó nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.
Cam bước vào thời vụ thu hoạch tại Hương Khê
Các chính sách chăn nuôi theo Nghị quyết số 123/NQ-HĐND tiếp tục góp phần thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu lại ngành: Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 50% năm 2017 lên 53% năm 2020; chính sách đã tác động đến chăn nuôi phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nhờ vậy các trang trại chăn nuôi lợn tập trung đã kiểm soát tốt, an toàn trước tình hình dịch bệnh; nhất là chính sách hỗ trợ chăn nuôi đạt quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP và cơ sở an toàn dịch bệnh đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất cho người chăn nuôi bằng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, kiểm soát an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Việc bổ sung kịp thời các chính hỗ trợ phát triển thủy sản đã góp phần giúp lĩnh vực này ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá, tổng sản lượng thủy sản 2020 đạt trên 51.400 tấn, bằng 102,9% kế hoạch năm, sản lượng khai thác thủy sản trên 35.800 tấn, đạt 102,5%. Chính sách đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá có ý nghĩa thiết thực giúp ngư dân nắm vững các kiến thức về đảm bảo an toàn sản xuất, đáp ứng các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt; góp phần bảo vệ môi trường…
Sản xuất nước mắm tại HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Trung Tiến, Kỳ Anh
Chính sách lâm nghiệp đã góp phần chuyển biến trong nhận thức của người dân, định hướng sản xuất trong thời gian tới đó là chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất, kinh doanh gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu chế biến tinh sâu; chuyển biến trong nhận thức của người dân, có tác động tích cực, cải thiện được đời sống của một bộ phận người dân làm nghề rừng.
Chính sách theo Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND được HĐND tỉnh ban hành đã triển khai thực hiện được hơn 02 năm, bên cạnh những mặt đạt được không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế nhất định đối với chính sách nói chung và chính sách lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đó là:
Thứ nhất, Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chính sách nói chung, chính sách lĩnh vực nông nghiệp nói riêng ở một số các địa phương chưa thực sự sâu sát, thiếu đồng bộ, một bộ phận cấp ủy chính quyền thiếu quan tâm, nghiên cứu kỹ để chỉ đạo và tư vấn thực hiện hỗ trợ dẫn đến một bộ phận người dân chưa nắm được chính sách để triển khai thực hiện.
Thứ hai, Chính sách theo Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND, Quyết định 868/QĐ-UBND tỉnh là tổng hợp của nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại, khoa học công nghệ, nông thôn mới, giao thông nông thôn... thuận tiện trong việc tra cứu chính sách, tuy nhiên trong triển khai thực hiện mỗi chính sách lại có một quy trình hướng dẫn thực hiện riêng, tương ứng với mỗi cơ quan thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành chủ trì xâu nối riêng nên việc triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp một số khó khăn.
Thứ ba, Về tổ chức thực hiện: Công tác xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch, công tác kiểm tra nghiệm thu, phê duyệt kết quả hỗ trợ chính sách tại các địa phương triển khai chậm so với quy định, việc giải ngân kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng chính sách có nơi còn chưa kịp thời.
Thứ tư, trong lĩnh vực nông nghiệp, một số chính sách chưa được hấp thu hoặc hấp thu còn khiêm tốn như các chính sách: Hỗ trợ tích tụ tập trung ruộng đất, hệ thống xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc tập trung…
Năm 2021 là năm bản lề, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, vì vậy thực hiện tốt Nghị quyết số 255/2020/NQ-HĐND là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Thời gian tới để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, định hướng tại Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới… cần phải tổng kết, đánh giá cơ chế, chính sách giai đoạn vừa qua để xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới thiết thực, hiệu quả.
Theo sonongnghiep.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã