Năm 2009, khi Tập đoàn TH quyết định xây trang trại nuôi bò sữa tập trung, quy mô lớn tại Nghệ An, nhiều chuyên gia, nhà quản lý hoài nghi. Đến nay, khi thương hiệu TH true MILK phát triển mạnh mẽ trên thương trường với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, nhiều hãng sữa khác đã đi theo mô hình đó. Thậm chí, doanh nghiệp lớn ngoài ngành cũng tuyên bố lập trại nuôi bò. Lúc này, người ta mới giật mình nhận ra, đồi núi có thể “đẻ” ra tiền, rất nhiều tiền và đem lại những giá trị bền vững không đo đếm được…
Hiện tượng lạ trên cao nguyên nắng nóng
Nơi đó có những đồng cỏ giống Mỹ hàng trăm ha; ngô, cao lương đỏ bạt ngàn; hoa hướng dương vàng rộm. Thi thoảng, ta bắt gặp những dàn tưới khổng lồ, dài 500-700m tự động di chuyển, tưới tắm khắp cánh đồng. Vào ngày làm đất hay thu hoạch, máy cày, máy cắt cỏ cỡ lớn sơn màu xanh đỏ và ô tô tải chạy như thoi. Trong các trại nuôi lợp bằng tôn lạnh 3 lớp, đàn bò sữa 35 nghìn con đang được chăm sóc bằng quy trình công nghệ của Israel. Bò được đeo chíp, nghe nhạc, tắm mát; đến giờ, đủng đỉnh theo nhau về khu vắt sữa.
Không tự nhiên mà trang trại của Tập đoàn TH đã được đón hầu hết các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà Nước và Chính phủ về thăm và làm việc. Ngày 9/7/2013, nhà máy chế biến sữa tươi hiện đại nhất Đông Nam Á của TH có công suất 500.000 lít/ngày đi vào hoạt động với sự tham dự và cắt băng khánh thành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh thành, các chuyên gia nông nghiệp cũng về xem “chuyện gì đang xảy ra ở dự án của TH”.
Doanh thu thuần của TH true MILK năm 2013 là 3.700 tỷ đồng, dự kiến tới 2015 là 15.000 tỷ, 2017 là 23.000 tỷ. Từ năm 2008, khi TH true MILK chưa xuất hiện, thị trường sữa nước có đến 92% là sữa hoàn nguyên (sữa bột nhập khẩu về pha lại). Đến nay, với sự đóng góp chủ lực của TH, tỷ lệ này giảm xuống còn hơn 70%, đưa TH thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam.
Cũng từ dự án của TH, ngành nuôi bò sữa nói riêng và nền nông nghiệp nước ta đánh dấu sự xuất hiện của một dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức đại quy mô (dự án TH quy hoạch 37.000 ha; hiện đã triển khai trên 8.000 ha). Công nghệ sản xuất hiện đại của TH biến 1ha đất nơi đây từ chỗ thu nhập 70 triệu đồng/năm lên 500 triệu – 1,5 tỷ đồng/năm.
Sau TH, các hãng sữa khẩn trương xây trại, nhập bò về nuôi. Cách đây không lâu, trang trại TH đón một vị khách đặc biệt – chủ tịch một tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, chưa từng tham gia vào ngành sữa. Sau chuyến thăm, vị này tuyên bố sẽ nuôi bò, làm sữa đại quy mô. Câu chuyện, từ giọt sữa sạch của TH true MILK đến chiến lược quốc gia đang trở thành hiện thực.
Đừng để đất nông, lâm trường “ngủ gật”
Tại hội thảo Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (do Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước và báo Nhân dân tổ chức) mới đây, Tập đoàn TH được xem là điển hình cho xu hướng nông nghiệp này.
Những phát biểu của bà Thái Hương – Chủ tịch TH được đánh giá là đầy “lửa”. Bà Thái Hương nói: “Người Việt thông minh, lịch sử công bằng sẽ nhận ra, sữa tươi sản xuất trên cánh đồng Việt bằng công nghệ cao cho ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, giảm nhập siêu. Trong 5-10 năm nữa, một mình TH không thể sản xuất đủ sữa tươi cho tiêu dùng trong nước. Do đó, chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất sữa cho dân tộc mình ngay trên đồng đất Việt Nam”.
Tương tự sữa (sản phẩm cần thiết cho sức khoẻ con người), TH đang gấp rút triển khai một dự án cũng thiết yếu không kém là trồng và chiết xuất dược liệu từ các loại thảo dược ngay trong nước. TH tham vọng, cứ 3 tỉnh sẽ xây dựng một cụm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn.
“Cần coi nông nghiệp là ưu tiên số một trong tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, công nghệ cao là con đường duy nhất đúng, là chìa khoá vàng cho nông nghiệp. Không có gì là khó nếu thế giới đã thành công. Nhưng để làm được điều đó, cần có những chính sách đột phá” – bà Thái Hương nói.
Dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giai đoạn đầu cần phải có một quỹ đất sạch đủ lớn. Từ kinh nghiệm ở dự án bò sữa, bà Thái Hương cho rằng, giai đoạn đầu chưa nên lấy đất của các hộ nông dân. Hiện, quỹ đất của các nông lâm trường dồi dào nhưng hoạt động kém hiệm quả, chủ yếu là phát canh thu tô. Lực lượng này từng có vai trò lịch sử vô cùng quan trọng trong quá khứ thông qua việc cung cấp cơ sở vật chất cho chiến trường. Bây giờ, vai trò lịch sử ấy đã qua, cần phải tổ chức lại sản xuất cho họ. Bên cạnh đó, nguồn đất của các công ty, tổng công ty, tổng đội thanh niên xung phong trước đây xin trồng rừng, chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả hoặc chưa triển khai cũng là diện tích thích hợp để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Nông dân là mắt xích vô cùng quan trọng của chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, theo bà Thái Hương, nông dân chỉ suy nghĩ trên mảnh đất của mình; trồng dưa thấy dưa tươi tốt thì vui mừng; có khi, không quan tâm khi thu hoạch rồi dưa sẽ bán ở đâu, giá bao nhiêu; ăn thì thừa, bán thì thiếu; được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa…
“Thế nên, để ứng dụng công nghệ cao thật sự, Nhà nước phải bằng chính sách lôi cuốn lớp doanh nhân có đủ tâm, trí, lực vào tham gia; người nông dân đứng ngoài nhìn vào để thay đổi nhãn quan canh tác… Khi có hiệu ứng thật sự từ doanh nghiệp thì người nông dân sẽ chủ động vào cuộc một cách tự nhiên, cùng doanh nghiệp thành lập các công ty nguyên liệu để nông dân chủ động tham gia” – bà Thái Hương đề nghị.
Hiện nay, TH đang cùng chính quyền huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) xây dựng, triển khai đề án chi tiết cùng nông dân làm giàu thông qua dự án của Tập đoàn. Đây là giai đoạn 2 – giai đoạn thể hiện đầy đủ tính hiệu quả và sức tác động rộng lớn đến cộng đồng xã hội của dự án này.
“Để huy động được nguồn lực về đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp sử dụng đất đều phải nộp thuế sử dụng đất. Doanh nghiệp nào không có khả năng đóng thuế thì phải có lộ trình trả lại đất lại cho Nhà nước, để Nhà nước giao cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất, kinh doanh có hiệu quả” – bà Thái Hương đề nghị.
Sỹ Lực
Theo Tiền Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;