Nông dân huyện Trần Văn Thời thu hoạch cá sặc rằn (cá bổi).
Theo thống kê, Cà Mau có diện tích nuôi cá đồng trên 28.700 ha, với sản lượng đạt gần 23.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cá đồng tập trung chủ yếu ở 3 huyện gồm: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình, nhưng diện tích nuôi cá đồng lớn nhất phải kể đến huyện Trần Văn Thời.
Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, ngoài nguồn lợi cá đồng thiên nhiên (cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi…) đang được bảo tồn phát triển ở các nông trường, huyện đang khuyến khích phát triển mô hình nuôi cá bổi hay còn gọi là cá sặc rằn.
Toàn huyện hiện có diện tích nuôi cá bổi hơn 320 ha. Nuôi 1 ha cá bổi sẽ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận hơn cao hơn so với nuôi tôm. Nhiều hộ dân cải tạo ao nuôi với diện tích 2.000 - 3.000 m2 thì có nguồn thu nhập đến hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử là gia đình ông Lê Minh Đức, khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời có thu nhập trên 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi kết hợp chế biến đặc sản khô cá bổi mang đi tiêu thụ ở một số miền Tây cho nguồn thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, cơ sở chế biến cá đồng của ông Đức thường xuyên giải quyết công ăn, việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Ông Minh cho rằng, kể từ năm 2016 đến nay, mặt hàng cá bổi của huyện tiêu thụ gặp khó khăn, giá sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do có tình trạng địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bán với mức giá thấp, khiến giá cá bổi của huyện bị sụt giảm mạnh.
Trước đây có thời điểm giá cá bổi loại 1 bán ra thị trường từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng lên gần 100.000 đồng nhưng nay giảm chỉ còn một nửa.
Ông Minh cho rằng, sản phẩm cá bổi hiện gặp khó về đầu ra. Do vậy, các sở, ngành có liên quan cần sớm hỗ trợ địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi thương hiệu đặc sản cá bổi U Minh đến các tỉnh trong cả nước. Đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm cá bổi U Minh, đưa sản phẩm này vào các siêu thị lớn để tiêu thụ cũng như quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng.
Sản phẩm cá bổi của huyện Trần Văn Thời được công nhận là nhãn hiệu tập thể ‘‘cá bổi U Minh’’. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục quan tâm bảo vệ thương hiệu; đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá đồng; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, kết hợp nuôi, chế biến, ép cá giống cung cấp cho thị trường để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tuy mô hình sản xuất cá bổi của tỉnh đạt hiệu quả về sản lượng và năng suất, nhưng đầu ra lại thiếu ổn định. Mặt khác, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cách tổ chức, sản xuất đồng bộ, đạt hiệu quả cao khiến ngành hàng cá bổi của tỉnh Cà Mau bị ‘’lấn át’’, mất đi ưu thế cạnh tranh.
Không chỉ cá bổi, mà tất cả các loại cá đồng Cà Mau cần được nâng cấp trở thành ngành hàng nhằm tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.
Trước khó khăn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chủ trương trong thực hiện tái cơ cấu không chỉ đơn phương đối với ngành hàng cá bổi mà cần ‘‘nâng cấp’’ trở thành ngành hàng chung cho tất cả các loại cá đồng, nhằm đảm bảo tính đa dạng của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm cá đồng của Cà Mau trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, Cà Mau quy hoạch bảo tồn và phát triển nuôi công nghiệp đặc sản cá bổi đạt khoảng 1.200 ha; trong đó, nuôi thâm canh khoảng 500 ha./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã