Đại biểu là lãnh đạo UBND 13/19 tỉnh, thành phía Nam cùng với 19 đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, 31 HTX nông nghiệp tiêu biểu và các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cùng tham dự.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhận định: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề quan trọng trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong những năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chuyển từ tự cấp, tự túc, thiếu ăn sang nền nông nghiệp hàng hóa đủ sức SX lương thực thực phẩm cung cấp cho 92 triệu dân và còn tạo ra khối lượng nông sản lớn xuất khẩu. Riêng năm 2016, đạt giá trị xuất khẩu trên 32 tỷ USD và Việt Nam có 10 nhóm mặt hàng có sức SX lớn trên thế giới.
Tuy nhiên về thực chất nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa trên một nền SX qui mô hộ, nhỏ lẻ. Hiện nay cả nước 19,6 triệu hộ SX nông lâm thủy sản, với 70 triệu thửa ruộng. Với đặc thù SX như vậy thì năng suất lao động, hiệu quả kinh tế đối với người nông dân rất thấp. Việc quản trị SX rất khó, đặc biệt trong xu hướng hội nhập. Đây chính là câu chuyện tại sao cứ “được mùa lại mất giá” và vẫn còn những vùng nông thôn sau 30 năm đổi mới vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng cho rằng: Nước ta còn chịu tác động, tổn thương rất lớn của biến đổi khí hậu (Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất). Năm 2016 tổng thiệt hại do thiên tai lên đến 1,7 tỷ USD. Bên cạnh đó hội nhập kinh tế mở ra triển vọng về thị trường, nhưng nước ta SX nông nghiệp có xuất phát điểm không cao lại phải cạnh tranh với những nước vốn có nền SX lớn, tiềm lực khoa học - công nghệ, quản trị, thương mại trình độ cao. Do đó chúng ta không có con đường nào khác là phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị, hội nhập thích ứng.
Theo xu hướng đó, khâu tổ chức SX là yếu tố quyết định, hình thức tổ chức liên là kết SX thành HTX, DN; liên kết 4 nhà để hình thành các vùng SX, chuỗi SX lớn gắn với chế biến cho đến phân khúc thị trường, có như vậy mới tạo sức bật trong phát triển nông nghiệp.
“Năm 2012 Luật HTX mới được ban hành. Đến nay sau hơn 4 năm thực hiện, trong số 11.000 HTX kiểu cũ, đã giải thể 2.000 HTX. Trong 4 năm qua mỗi năm bình quân ra đời 600 - 800 HTX kiểu mới. Đa số các HTX kiểu mới đều hoạt động có hiệu quả trong tất cả các ngành hàng nông nghiệp từ vùng núi phía Bắc đến ĐBSCL. Thế nhưng theo đánh giá chung số HTX mới hình thành còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu cần tổ chức lại SX. Chênh lệch giữa các vùng miền khá lớn; việc thực hiện chuyển đổi 11.000 HTX kiểu cũ, trong đó 8.000 HTX chuyển đổi chưa có nhiều HTX đạt hiệu quả như mong đợi. Do đó để chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo, Chính phủ chủ trương sơ kết việc thực hiện Luật HTX 2012 nhằm đánh giá đúng thực chất, tìm ra những tồn tại, nguyên nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, về dạng hình kinh tế liên kết tiến bộ, HTX là nòng cốt trên cơ sở tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, phát triển kinh tế cùng với chính sách an sinh, hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường dần tiến lên chuyên nghiệp hóa. Đây là hướng phát triển kinh tế hợp tác mà nhiều nước phát triển vẫn duy trì. Mô hình kinh tế hợp tác, HTX phải phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương và quy luật phát triển kinh tế, an sinh, môi trường.
Vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL là khu vực SX nông nghiệp trọng điểm, gồm 19 tỉnh, thành phố chiếm hơn 19% diện tích và 36,7% dân số cả nước; có nhiều lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng hạ tầng và trình độ SX của người dân với các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% so với cả nước.
Sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, tình hình phát triển HTX nông nghiệp trong khu vực có sự chuyển biến dần. Các HTX chuyển đổi đã thích ứng với tình hình SX nông nghiệp mới, trong đó mô hình SX gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều. Tuy vậy số lượng HTX tăng chậm, chưa tạo sức bật. Việc tổ chức SX chủ yếu ở quy mô các tổ hợp tác và hộ nông dân dẫn đến hoạt động SX thấp, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Đánh giá về tình hình phát triển HTX nông nghiệp khu vực này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng sau 4 năm thực hiện Luật HTX 2012 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đông Nam bộ và ĐBSCL là khu vực SX hàng hóa phát triển năng động nên phương thức hoạt động các HTX tương đối đa dạng. Nhiều HTX có quy mô lớn, tổ chức liên kết với DN theo chuỗi giá trị để tiêu thụ nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước; nhiều HTX đã SX theo tiêu chuẩn an toàn, áp dụng công nghệ cao.
Đặc biệt qua khảo sát ở ĐBSCL có một số tổ hợp tác liên kết rất tốt với DN, SX kinh doanh có hiệu quả. Hiện đã có 22.000 tổ hợp tác ở ĐBSCL. Đây là nguồn lực tốt tạo cơ sở nâng lên thành HTX. Tuy vậy, một số mặt còn hạn chế của Luật như HTX như về văn bản hướng dẫn còn thiếu, gây khó khăn trong tổ chức triển khai; còn nhiều tồn tại nằm trong bản thân các HTX nhất là về trình độ quản lý và chuyên môn. Một số cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị xã hội chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến đóng góp của các tỉnh, Bộ, ngành, các HTX, DN điển hình. Qua 5 năm thực hiện Luật 2012 đã có nhiều khởi sắc, đạt được một số kết quả, tiến bộ. Chính phủ chủ trương sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX, qua đó có định hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế HTX, nhằm đóng góp vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM; đồng thời sẽ rà soát, hoàn thiện các thể chế về cơ chế chính sách.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: "Ở khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL tuy số lượng HTX còn khiêm tốn nhưng bù lại chất lượng khá nhất so các vùng trong cả nước; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả cao hơn mức bình quân cả nước (30%), đạt trên 41%. Liên kết HTX và DN, tính SX hàng hóa và thương mại tốt hơn, tổ hợp tác chiếm tỷ lệ 35% trong cả nước. Về các giải pháp tới đây, các tỉnh chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tính tất yếu của kinh tế tập thể HTX trong kinh tế thị trường. Các tỉnh cần bám sát mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở từ các ý kiến của các địa phương, HTX, DN, đề nghị các Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT cùng các cơ quan liên quan rà soát lại thể chế, từ đó hoàn thiện chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX; Các tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo kinh tế HTX đến cấp huyện". |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã