Người đàn ông có đam mê và hành động "ngược đời" đó là ông Lê Văn Biết (thôn Tầm Xá, xã Ðông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Ông cho biết, do giá cây cà phê xuống thấp nên ông đã đưa ra quyết định có phần mạo hiểm đó là chặt bỏ hết cây cà phê để trồng cây đương quy cùng một số loại cây dược liệu khác.
Ông đến với cây dược liệu có lẽ bởi một chữ "duyên". Ông cho biết thời còn đi bộ đội, ông thường xin đi theo các vị thầy lang vào rừng tìm các vị thuốc quý về để chữa trị cho cán bộ. Kể từ đó, niềm đam mê của ông cứ thế lớn dần theo thời gian.
Đến năm 2013, vào thời điểm cà phê đang ra trái, ông Biết bất ngờ chặt bỏ toàn bộ diện tích vườn cà phê nhà mình, khiến cho người dân thôn Tầm Xá không khỏi băn khoăn. Sau đó, ông đi đâu đó biền biệt trong vài tháng và trở về với bao hạt giống, một mình ông lại lên rẫy, một mình lặng lẽ cải tạo đất. Rất nhiều người đã buông ra lời chê bai với hành động “kì quặc” của ông Biết, lọt đến tai bà Nguyễn Thị Trọng (vợ ông Biết) khiến bà không khỏi lo lắng.
“Hồi đó, tôi bàn với vợ bỏ cà phê trồng dược liệu nhưng bà phần vì lo ngại, phần vị sợ người đời chê bai nên không đồng ý. Dù vậy nhưng tôi đã quyết làm làm”, ông Biết kể.
Với kiến thức cơ bản về cây dược liệu, ông Biết mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây trồng dược liệu Trung ương đặt hạt giống cây đương quy về trồng trên diện tích 4.000m2.
Nhờ sự cần cù, kiên trì và tinh thần quyết tâm cao, bao sự cố gắng của ông Biết cũng được đền đáp xứng đáng. Vườn đương quy của ông cho hiệu quả cao hơn những gì mà ông hằng mong đợi. “Mọi yếu tố như năng suất, sản lượng, chất lượng củ đương quy được đánh giá cao và được các công ty dược liệu ở Hà Nội đặt hàng mua hết.”, ông Biết nói.
Đồng hành cùng ông Biết trong suốt quá trình trông cây dược liệu đầy gian khổ là bà bà Nguyễn Thị Trọng (vợ ông). Bà chia sẻ, thời gian đầu bà phản đối quyết định của chồng mình, thậm chí gia đình bà suýt đổ vỡ chỉ vì ông Biết quá quyết tâm.
“Tôi can mãi nhưng chồng vẫn quyết trồng dược liệu. Lúc đó, vợ chồng tôi định ly hôn vì ổng cố chấp, đến khi tôi nghĩ lại vợ chồng sống từ thuở cơ hàn, giờ chồng quyết làm giàu mình phải ủng hộ chứ làm sao mà bỏ đi được”, bà Trọng cho hay.
Đến tháng 8/ 2017 vừa qua, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ông Biết đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Dược liệu Biết Lộc Thành với 23 xã viên trồng trên 20ha dược liệu, nhằm khuyến khích nông dân trong và ngoài tỉnh liên kết phát triển cây dược liệu.
Theo ông, tiêu chí hàng đầu của Hợp tác xã Biết Lộc Thành là “nói không với thuốc bảo vệ thực vật”. Để biết được điều này, sau thu hoạch sẽ tiến hành xét nghiệm nhiều mẫu sản phẩm bất kì. Ông Biết đánh giá cao tinh thần tự giác của các xã viên trong Hợp tác xã.
Hiện, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành thu mua củ đương quy của các xã viên với đồng mức giá 25.000 đồng/kg.
Nếu trồng đương quy theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật của HTX, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha với thu nhập trừ các chi phí, mỗi nông dân thu trên 700 triệu đồng/ha. Đối với các công ty dược liệu lớn trên cả nước, HTX Biết Lộc Thành ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu với giá ổn định, không thay đổi trong vòng 3 năm để tăng sự uy tín và tạo công ăn việc làm ổn định cho xã viên.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất dược liệu của Hợp tác xã Biết Lộc Thành, UBND huyện Lâm Hà đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng kho lạnh để bảo quản nguyên liệu khô, công suất bảo quản đat 40 tấn.
Ông Biết chia sẻ, ở Việt Nam có điều kiện trồng cây dược liệu nhưng thực tế các dược liệu bày bán trên thị trường vẫn còn không ít loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng. Cho nên, ông quyết tâm xây dựng một hợp tác xã trồng cây dược liệu hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Qua quá trình khảo sát, tôi chọn trồng đương quy, thâm canh thêm cây ba hoàn, hà thủ ô đỏ, đan sâm… bởi những dược liệu này thích hợp với thổ nhưỡng bản địa, ít dịch bệnh và mang lại hiểu quả kinh tế cao”, ông Biết cho biết.
Qua phân tích và kiểm nghiệm, đến nay sản phẩm dược liệu của HTX Biết Lộc Thành đã được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) xác nhận đạt các tiêu chuẩn hàm lượng dược chất theo quy định.
Bùi Huyền (t/h)/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã