Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Nguyễn Thị Luyên |
Theo ông Nguyễn Văn Yên, PCT UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đặt ra mục tiêu là đến hết 2017, sẽ có 22.000 ha cà phê trên địa bàn được tái canh. Nhưng diện tích tái canh đến nay đã vượt xa mục tiêu nói trên, khi đạt tới 47.000 ha. Như vậy, chỉ sau mấy năm thực hiện, Lâm Đồng đã cơ bản tái canh xong những diện tích cà phê già cỗi (trước khi tái canh, Lâm Đồng có trên 50.000 ha cà phê già cỗi năng suất dưới 2 tấn/ha), đưa năng suất cà phê bình quân toàn tỉnh lên 3,06 tấn/ha (năng suất bình quân năm 2012 là 2,48 tấn/ha). Với năng suất bình quân như trên, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong năm 2017, Lâm Đồng đã vươn lên thành tỉnh có sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam với khoảng 454.000 tấn.
Vì sao Lâm Đồng làm tốt chương trình tái canh cà phê? Nguyên nhân chính là ở chủ trương tái canh nhưng không làm cho người trồng cà phê bị “đứt” thu nhập. Theo đó, định hướng chủ đạo của Lâm Đồng là tái canh theo hình thức ghép cải tạo. Việc ghép chồi ở mỗi vườn cà phê không thực hiện đồng loạt mà làm theo kiểu cuốn chiếu. Chẳng hạn, năm đầu làm trên khoảng 1/3 diện tích vườn, năm thứ hai làm 1/3 diện tích tiếp theo, năm cuối làm 1/3 diện tích còn lại.
Với kiểu làm cuốn chiếu đó, trong năm đầu tiên, nông dân vẫn tiếp tục có cà phê thu hoạch trên diện tích chưa ghép. Sang năm thứ hai, nông dân vẫn thu hoạch trên diện tích chưa ghép còn lại. Đến năm thứ ba, khi toàn bộ vườn đã được tái canh, thì diện tích thực hiện ghép chồi trong năm đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch. Bên cạnh đó, trên diện tích đã ghép chồi, nhiều cành cà phê từ gốc cũ vẫn được giữ lại và cho thu hoạch, dù không nhiều. Đến khi những cành từ chồi ghép đã trưởng thành và ra hoa, người ta mới chặt bỏ hết những cành cà phê già cũ đi. Nhờ đó, trong 3 năm tiến hành ghép chồi trên vườn cà phê già cỗi, nông dân vẫn luôn có khoản thu nhập nhất định từ cây cà phê.
Chính vì vẫn cho nông dân có thu nhập trong quá trình cải tạo vườn cà phê già cỗi, nên phương pháp tái canh bằng ghép chồi ở Lâm Đồng đã thuyết phục được sự tham gia của đông đảo người trồng cà phê. Mặt khác, tái canh bằng ghép chồi có thể được thực hiện với chi phí không quá lớn, cũng giúp cho nhiều hộ nông dân có cơ hội thực hiện giải pháp này. Chỉ những vườn cà phê đã quá già cỗi, gốc cà phê không thể làm gốc ghép chồi mới, thì mới thực hiện theo phương pháp thay thế hẳn bằng cây giống mới. Với giải pháp này, chi phí thực hiện cao hơn nhiều, tới 160-200 triệu đ/ha.
Hiệu quả thực tế từ chương trình tái canh cà phê, cũng tạo ra sức thuyết phục rất lớn đối với người trồng cà phê ở Lâm Đồng, khi mà các vườn tái canh đều thể hiện năng suất vượt trội. Trong thời gian qua, gia đình bà Nguyễn Thị Luyên, nông dân ở thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh), đã vay 280 triệu đồng từ Agribank để thực hiện tái canh 2 ha cà phê. Vườn cà phê tái canh của gia đình bà hiện đã phát triển rất tốt và có triển vọng cho năng suất tới 5 tấn/ha sau 3 năm tái canh (năng suất khi chưa tái canh chỉ đạt 2-2,2 tấn/ha). Đây là con số hoàn toàn có cơ sở, bởi trong thôn Lộc Châu 3, những hộ đã thực hiện tái canh trước gia đình bà Luyên, đều đã đạt năng suất 5 tấn/ha sau 3 năm tái canh, đến năm thứ 4, thứ 5 đạt 6-7 tấn/ha.
Bà Luyên cho biết thêm, trước đây, với vườn cà phê già cỗi, mỗi vụ cà phê, gia đình bàn tốn không ít chi phí, công sức để phun thuốc trị sâu bệnh xuất hiện trên cây cà phê. Từ khi tái canh, nhở cây giống mới có chất lượng, khả năng kháng bệnh cao hơn hẳn, từ đầu vụ đến nay, gia đình bà chưa phải phun thuốc trừ sâu. Giá thành cà phê nhờ đó được giảm xuống khá nhiều, ước tính chỉ khoảng 20.000-22.000 đ/kg.
Thành công của tái canh cà phê ở Lâm Đồng còn có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh này, với những chính sách ưu đãi, thủ tục nhanh gọn nhằm giúp nông dân tiếp cận được nhanh chóng, dễ dàng và có được nguồn vốn cần thiết để tái canh vườn cà phê.
Đến hết tháng 7/2017, các chi nhánh của Agribank trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã giải ngân được 950 tỷ đồng cho 5.515 khách hàng để đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê với tổng diện tích là 9.005 ha. Trong đó, dư nợ đến 31/7/2017 là 508 tỷ đồng, chiếm tới 75% tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê ở Tây Nguyên.
Theo Thanh Sơn/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;