Học tập đạo đức HCM

Làm giàu từ mô hình VACR

Thứ năm - 18/06/2015 05:21
Với tổng thu nhập 500 triệu đồng/năm, gia đình ông Lò Văn Miên, một nông dân dân tộc Thái ở Đội 9, bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã khá thành công với mô hình vườn, ao, chuồng, rừng để phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo
Năm 2000, khi những cánh rừng xanh của khu vực xã Hua Thanh ngày một trơ trọi, đau đớn vì phải chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá một cách nghiêm trọng, ông Lò Văn Miên và gia đình đã nhận khoanh nuôi, bảo vệ 60 ha đồi rừng thuộc khu vực Huổi Xưa, bản Na Ten. Những gốc trám, muồng, mỡ… được ông ươm trồng, vun xới nay phủ xanh 50ha rừng đã mất. Không chỉ tạo môi sinh, rừng cũng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.


“Tôi nghĩ bây giờ cây cối ở trên rừng thì chen nhau vào phá hết, không trồng, mình chỉ nghĩ là không có gỗ, có tre làm nhà cho con, cho cháu. Thứ hai nữa là tạo môi sinh, môi trường. Có rừng thì tạo điều kiện không khí trong lành hơn. Có chính sách phát động trồng rừng của xã nhà nào có đất thì trồng. Tôi làm theo. Trồng rừng này tôi thu hoạch mỗi năm tỉa bán dần, có người dân đi mua thì bán cho người dân. Mỗi năm khoảng chục triệu về rừng. 3 năm là có thu hoạch”. – Ông nói.


Ngoài 50ha rừng tự nhiên, để trang trải kinh tế gia đình, ông dành 10ha còn lại để đào ao thả cá và chăn nuôi lợn gà. Ban đầu không có tiền thuê máy ủi đất, hai vợ chồng ông cùng 5 đứa con hì hụi san cả khoảnh đồi, cuốc từng hốc đất ngăn khe, tạo được 1 ao với diện tích mặt nước gần 1.000m2, nuôi thả chủ yếu cá trắm, cá mè.


Vụ cá đầu tiên ông thu được 7 triệu đồng. Từ tiền nuôi cá, ông để dành thuê máy ủi và máy xúc, tạo được thêm 1 ao cá mới. Nhưng mùa thu hoạch cá lần thứ hai lại là lần thất bại đầu tiên của gia đình ông khi dịch bệnh hoành hành, cá chết trắng ao. Lỗ 200 triệu, vợ chồng ông chỉ biết ôm cá mà khóc.


Trắng tay, nhưng ông không từ bỏ, tiếp tục đào thêm một ao nữa. Năm 2009, ông quyết định chuyển sang nuôi cá công nghiệp. Nhưng do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên vụ cá đó ông cũng đành ngậm ngùi nhìn 2 tấn cá chết thối quanh ao.




cee4850a73a448c52f55cd24d9d6e197.jpg

Ông Lò Văn Miên bên vườn cam của gia đình.  Ảnh:baomoi.com


Rút kinh nghiệm nuôi theo kiểu tự phát như trước, ông mày mò lên tận các công ty bán thức ăn cho cá và trạm khuyến nông của huyện để xin tư vấn kinh nghiệm nuôi, để rồi giờ đây đàn cá đã đem về cho gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Nhìn hệ thống ao lớn, ao nhỏ được quy hoạch một cách khoa học với diện tích mặt nước hơn 5.000m2, ông không giấu nổi niềm vui:


“Nuôi cá công nghiệp bước đầu tôi cũng gặp khó khăn. Ban đầu mình không biết cho ăn, mình tham quá, muốn cho nó chóng lớn mà. Một cái ao to to, thả một vạn cá cứ ngày 6 – 7 bao cứ cho nó ăn. Mưa xuống nó đục, kiểu ao mình không xử lý được xong chết, nổi. Nó nhảy lên chỗ thác nước chảy xuống đấy. Ối giời ôi, đúng hai tấn cá chết. Xót lắm. Năm thứ hai, bắt đầu ủi tiếp 1 ao. Đến năm thứ tư ủi tiếp một ao mới thành 3 ao. Đến năm 2005 làm một ao nữa. Mỗi năm làm một ao. Bởi vì vốn ít mà. Mình có thất bại thì mình mới có thắng. Chỉ rút kinh nghiệm thôi. Mình không bỏ nghề được”.


Ngoài hệ thống ao nuôi cá còn được ông Miên kết hợp nuôi thả vịt, ngan để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, ông còn đầu tư chuồng trại để nuôi thêm lợn rừng và bồ câu để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, thu lời thêm 20 - 30 triệu đồng/năm. Ấp ủ dự định trồng cây ăn quả từ rất lâu nhưng vì không có tiền nên ông đành tạm gác đam mê này của mình. Năm 2005, khi được đi tham quan mô hình trồng cây ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ về, ông nung nấu quyết tâm trồng vườn. Khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 5 triệu đồng, với số tiền 30 triệu đồng dành dụm từ chăn nuôi, ông đem tất cả số vốn liếng ít ỏi mua 500 cây cam, 100 cây bưởi và 300 cây chanh giống phát triển kinh tế vườn.


“Nếu mà nhà nước không cho tôi đi tham quan thì tôi cũng không mày mò này đâu. Khó lắm. Không biết đi đâu mà học. Cũng may nhà nước cho đi tham quan. Đất chỗ Vĩnh Phúc, Phú Thọ đào trồng cây phải máy ủi mới đào được. Người ta địa thế khó khăn thế người ta vẫn còn làm được, trồng cây còn máy xúc, máy cào mới đào được. Mình đất thì tốt. Nước của họ phải bơm hàng trăm mét mới đến trang trại. Mình thì nước gần mấy chục mét thôi, nước từ trên xuống dưới được. Tại sao mình không làm. Thế nên tôi quyết định làm”.




Giup-nguoi-dan-thoat-ngheo...jpg.jpg

Vườn cam mỗi năm giúp ông Miên thu về hàng trăm triệu đồng.   Ảnh:baomoi.com


Sau những thất bại ban đầu, giờ đây ông đã trở thành chủ nhân của 4.000 cây các loại cam, chanh, bưởi, mang lợi nhuận về cho gia đình hàng trăm triệu đồng.


"Mỗi năm phải 300 triệu. Trồng được 3 – 5 năm là cây được bói, nhưng tôi để 4 năm mới cho thu. Năm thứ 4 thì cũng được nửa vốn rồi. Năm thứ 5 thì có lãi, là ổn định rồi. Bắt đầu từ năm thứ 6, thứ 7 có lãi là mình đầu tư. Bước đầu trồng thì tôi không biết về kỹ thuật một tý nào về trồng bưởi, trồng cam. Cũng may gặp cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cộng thêm anh em, bạn bè mới biết được khoa học kỹ thuật này. Nghe cái khoa học, chương trình “Bạn của Nhà nông” ấy mới biết được. Riêng tôi cứ ham mê trồng cây ăn quả, tôi không bao giờ bỏ đâu. Tôi muốn mở rộng thêm bây giờ đang ươm thêm cây giống, tới đây tôi sẽ mở rộng thêm gần 2.000 cây nữa".


Chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư giờ đây gia đình ông đã có được hai cơ ngơi khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Con cái được tạo điều kiện ăn học. Nhiều năm liền ông Lò Văn Miên được tặng danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Và mới đây, ông Lò Văn Miên cũng là đại biểu được đi dự đại hội thi đua yêu nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.


Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mô hình trang trại của ông Miên còn tạo việc làm cho gần 400 lao động tại địa phương. Nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được ông chia sẻ và tập huấn cho bà con cùng làm. Nhiều gia đình ở xã Hua Thanh nhờ vậy cũng học tập theo và trở nên khấm khá.
 
Theo VOV4
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập283
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại800,430
  • Tổng lượt truy cập93,178,094
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây