Chúng tôi đến thăm trang trại khi gia chủ vừa xuất một lứa lợn rừng gần 30 con. Thế nhưng vẫn còn trên 170 con lợn rừng các loại, 250 cặp ba ba sinh sản; trên 30 con bò…
Làm trang trại có liên kết đầu ra ổn định là bí quyết thắng lợi của ông Tuấn Anh |
Bí quyết thành công của ông Tuấn Anh khi làm trang trại tổng hợp chính là việc đa dạng hóa các vật nuôi và chú trọng vào các loài đặc sản “dễ tính”. Quan trọng nhất là đầu ra cho các sản phẩm tại trang trại luôn rộng mở nhờ liên kết được với những khách hàng “sộp” như Tập đoàn FLC, hệ thống Khách sạn Mường Thanh…
Từng bôn ba làm ăn nhiều nơi, năm 2012 ông Tuấn Anh quyết định quay về quê lập nghiệp. Vay mượn người thân và một phần vốn tự có ông bắt tay vào xây dựng trang trại tổng hợp. Thời điểm đó ông đưa con nhím vào nuôi nhưng giá loài đặc sản này “lao dốc” chỉ sau đó một vài năm khiến ông lao đao. Không nản lòng, ông "Bắc tiến", mua 27 con lợn giống rừng lai Thái Lan, Indonesia thuần chủng về cho phối giống bằng lợn đực rừng Việt Nam. Sản phẩm cho ra là những “con lai” có năng suất thịt cao, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon. Nhờ có các mối liên kết, lợn rừng của ông nuôi trong trang trại được thu mua đều đặn.
Theo ông Tuấn Anh, lợn rừng là loài dễ nuôi, có sức đề kháng tốt. Điều quan trọng nhất khi nuôi lợn rừng là chăm lợn lúc mới sinh và sau khi tách sữa. Lợn con sinh ra được cho theo mẹ 25 - 30 ngày; tiếp tục cho ăn cám viên trong thời gian 1 tháng. Sau thời gian này, khẩu phần ăn của lợn thương phẩm giảm dần tỷ lệ cám tăng trọng và tăng dần lượng chất xơ như chuối, cỏ xay, cám ngô, có độn thêm cám gạo.
Đến khoảng 3 tháng sau sinh, lợn rừng sẽ được cắt luôn khẩu phần cám tăng trọng, chỉ ăn các thức ăn như cây chuối, cỏ, cám gạo, cám ngô. Sau 5 tháng kể từ lúc sinh, người nuôi có thể xuất giống; sau gần 1 năm xuất thịt với trọng lượng khoảng 30 kg/con.
Lợn rừng tuy có sức đề kháng tốt nhưng ở trang trại của ông Tuấn Anh, đều đặn theo định kỳ ông đều tiêm phòng các loại vacxin thông thường như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh.
Không chỉ chăm đàn lợn rừng giỏi, ông Tuấn Anh còn có thể cho ba ba sinh sản và ấp nở thành công. Ao nuôi ba ba được ông thiết kế xây dựng rộng 10m2; một phần diện tích được xây cao hơn, không ngập nước được đổ cát để làm tổ cho ba ba đẻ trứng; phần còn lại nước sâu chừng 1,5m, trên mặt nước thả bèo tây để làm sạch môi trường và tạo bóng mát cho ba ba. Nước nuôi ba ba lấy từ ngoài vào ở thời điểm sạch nhất, thông thường phải đổi nước 5 - 6 lần/tháng. Nếu nước quá đục có thể xử lý bằng muối hạt (5kg) + vôi (1kg) cho 100m3 nước. Thông thường mỗi năm ông Tuấn Anh xử lý ao nuôi 4 lần.
Ba ba sinh sản được thả với tỷ lệ 5 cái/1 đực. Đến thời kỳ sinh sản, ba ba cái sẽ lên bãi cát đẻ. Trứng được chủ trang trại đem lên vùi dưới cát trong thùng xốp 60 - 65 ngày sẽ nở. Ba ba con tiếp tục được ươm trong bể xi măng với độ sâu nước từ 25 - 30cm. Thời gian này cho ba ba ăn cá xay nhỏ, 3 ngày thay nước 1 lần. Sau 3 tháng ươm thả ba ba xuống ao nuôi. Thông thường ba ba nuôi được 3 năm sẽ xuất thương phẩm có con đạt trọng lượng 4 - 5 kg, bán với giá dao động 500 - 600 nghìn đồng/kg.
Theo ông Tuấn Anh, ba ba dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao |
Đặc điểm của ba ba là ngừng ăn vào mùa đông nên chủ trang trại chủ yếu chỉ chăm sóc những mùa còn lại. Mùa đông ông tập trung chăm sóc đàn lợn rừng và đàn bò. Riêng bò, hiện ông sở hữu 20 con bò lai Sind sinh sản, 11 con bò thịt. Ông dự định sắp tới sẽ cho phối giống tinh bò lai BBB để nâng cao năng suất thịt cho đàn bò.
Để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, ông Tuấn Anh nuôi gần 1 ha ao cá, trên bờ ao trồng cỏ, chuối... Đa phần ông thả nuôi các loại cá tạp, chóng lớn và thu mua 3 - 4 tấn cá/năm làm thức ăn dự trữ cho ba ba.
Tính ra, mỗi năm trang trại tổng hợp của ông Tuấn Anh xuất ra thị trường 200 con lợn rừng giống, 200 con lợn thịt; 5 - 6 tạ ba ba thịt, 200 con giống; xuất chuồng 15 con bò, bê. Doanh thu trên 2,3 tỷ đồng, lãi ròng 400 - 500 triệu đồng.
Ông Tuấn Anh cho biết, kinh tế trang trại trong thời điểm giá cả thất thường, người nuôi cần đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tượng nuôi trồng có khả năng chống chịu tốt, dễ chăm sóc và quan trọng là có liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định thì các chủ trang trại sẽ tránh được nhiều rủi ro do thị trường mang lại. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;