Tập trung phát triển ngành mũi nhọn
Lương Phú là xã trung du nằm ở phía Nam của huyện Phú Bình, cách trung tâm huyện khoảng 3km. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 462,29ha; dân số gần 4.500 khẩu, gần 1.100 hộ; trồng trọt và chăn nuôi là mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2017, mặc dù giá cả thị trường không ổn định nhưng với sự chỉ đạo điều hành tích cực, kịp thời, hiệu quả của UBND xã nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn xã đạt 2.073,2 tấn, bằng 102,5% kế hoạch (trong đó thóc 1.998,2 tấn, ngô 75 tấn); sản lượng lợn hơi xuất chuồng 1.183 tấn, đạt 91% kế hoạch năm. Tổng đàn trâu, bò hiện có khoảng 565 con, gia cầm 120.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 11,7ha. Năm 2017, ước thu từ chăn nuôi đạt khoảng 21 tỷ đồng, trồng trọt trên 22 tỷ đồng.
Phát huy thành quả đạt được, 6 tháng đầu năm 2018, Lương Phú tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích: trồng trọt không ngừng phát triển, diện tích lúa chiêm xuân gieo cấy được 165,84ha, năng suất bình quân đạt 56,81 tạ/ha; chăn nuôi mang lại thu nhập cao cho người dân nhờ giá cả ổn định, tốc độ tăng và phát triển đàn gia súc, gia cầm đảm bảo kế hoạch.
Trong việc tái cơ cấu cây trồng, diện tích rau màu cũng được nhân dân không ngừng mở rộng, tích cực thâm canh gối vụ. Bên cạnh đó, toàn xã đã trồng được 7,71ha cây địa liền, sản lượng 208,2 tấn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số cây trồng khác.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Lương Phú cán đích xã chuẩn NTM vào cuối năm 2014. Từ đó đến nay, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào chung sức XDNTM nhằm đưa công cuộc XDNTM đi vào chiều sâu. Đồng thời, vận dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép và tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư từ tỉnh theo danh mục đầu tư trung hạn và các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 để xây dựng quê hương giàu mạnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo XDNTM xã, cho các đoàn thể của địa phương để triển khai, đôn đốc sao cho hiệu quả,...
“Tuy nhiên, do xã về đích giai đoạn trước, áp dụng quy định chuẩn vẫn còn thấp nên hạ tầng nông thôn vẫn cần phải được nâng cấp. Mặt khác, Lương Phú là xã thuần nông, việc tạo nguồn có hạn, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cấp trên để chúng tôi có điều kiện phát triển”, ông Hùng tâm sự.
Thực tiễn cho thấy, các xã về đích trước năm 2015, mức độ chất lượng các tiêu chí phần nào còn thấp hơn so với thời điểm hiện nay nên hạ tầng nông thôn nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, để việc XDNTM không bị phát triển lệch, không bị giảm phong trào ở các địa phương, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần có cơ chế rõ ràng cho việc nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã về đích trước đây vài năm. Với Lương Phú, cơ sở vật chất các trường học cần có sự quan tâm hơn nữa để các nhà trường nơi đây được xây dựng khang trang hơn, đưa bộ mặt NTM thực sự đi vào chiều sâu và thiết thực với thời điểm hiện nay.
Theo Đình Hợi/báokinhtenongthon.vn