Ảnh minh họa |
Để khắc phục tình trạng thiếu nước về mùa khô, chống sói mòn đất về mùa mưa, nhiều người dân đã có những hướng sản xuất mới cho gia đình và ngày càng có nhiều mô hình xen canh đạt hiệu quả cao. Một trong những mô hình thành công là mô hình của anh Trần Vĩnh Khánh, thôn 8, xã Đăk Ru, huyện Đăk R’Lâp.
Đến vườn cà phê trồng xen sầu riêng của hộ anh Trần Vĩnh Khánh, chúng tôi ai nấy đều trầm trồ, thán phục cách làm ăn của anh. Một mảnh vườn xanh tốt, tầng trên là sầu riêng, tầng dưới là cà phê, bên cạnh còn có những trụ tiêu xanh tốt.
Anh Khánh phấn khởi cho chúng tôi biết, khi gia đình mới lên Đăk Nông cuộc sống gặp rất khó khăn và vất vả, rừng núi còn hoang vu. Nhưng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó vợ chồng anh đã khai hoang được 1,8 ha đất. Ban đầu không có vốn, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình anh trồng bắp và lạc. Một vài năm tích góp được chút vốn, anh xuống hố trồng cà phê. Sau nhiều năm độc canh cây cà phê anh nhận thấy độc canh cây cà phê phải tưới nhiều nước, nhiều phân nên làm suy kiệt tài nguyên tự nhiên và làm chai cứng đất, cùng với đó là hạn hán kéo dài đã làm cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém, dẫn đến năng suất cà phê giảm dần.
Không nản chí, anh lên Đăk Lăk để học hỏi kinh nghiệm một số hộ trồng cà phê xen với cây ăn quả hoặc cây công nghiệp, gặp gỡ cán bộ khuyến nông của huyện, rồi xuống tận Đồng Nai để học kinh nghiệm trồng sầu riêng. Hiểu rõ về kỹ thuật, đến năm 2004 anh quyết định đầu tư vào mô hình trồng sầu riêng xen cà phê, cứ 3 hàng cà phê trồng một hàng sầu riêng. Cũng trên mảnh đất đó anh thiết kế trồng xen thêm 200 trụ tiêu sống bằng cây anh đào. Trên tổng diện tích 1,8 ha, anh trồng được 100 cây sầu riêng, 1500 cây cà phê và 200 trụ tiêu.
Anh cho biết những ưu điểm khi trồng xen cây sầu riêng với cây cà phê như sau: trồng xen cây sầu riêng để vừa chắn gió và che bóng cho cà phê, dưới gốc cây trồng lạc dại che phủ mặt đất, chống xói mòn và hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn vào mùa khô. Thực tế cho thấy, với những diện tích trồng thuần cà phê mỗi vụ phải tưới 4 - 5 đợt nước, còn trồng xen chỉ tưới 2 - 3 đợt. Cây cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sánh trung bình, vì vậy khi trồng xen cây sầu riêng không chỉ tăng năng suất cho cà phê mà còn tạo thêm thu nhập từ cây sầu riêng. Còn cây sầu siêng được tưới nước và bón phân nên cả hai cây đều cho hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, cây tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây cà phê, nên cây tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Bên cạnh đó, vào mùa mưa anh Khánh đều rong tỉa bớt các cành thấp nhằm tạo sự thông thoáng cho vườn cây, cung cấp đủ lượng ánh sánh cho cây cà phê, tránh phát sinh sâu bệnh.
Vào mùa khô, nhờ có sự xen canh nên giúp điều hòa khí hậu trong vườn cây, giảm được bệnh khô cành cũng như cải thiện độ phì nhiêu của đất. Vì vậy trong mùa khô cây có thể phát triển tốt và đảm bảo năng suất.
Thật không ngờ, mô hình này đã thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Năm vừa qua, anh thu được 12 tấn sầu riêng với giá bán tại vườn là 18.000 đồng/kg cho thu nhập 216 triệu đồng; 7 tấn cà phê với giá 36.000 đồng/kg thu 252 triệu đồng; 900kg tiêu với giá 145.000 đồng/kg thu được trên 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi trên 400 triệu đồng.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, anh Khánh đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi những hướng đi mới cho riêng mình. Anh tâm sự: “Quả thật, khi trồng xen cây ăn quả hoặc cây công nghiệp trong vườn cà phê, vừa giúp cà phê tăng khả năng chịu hạn, vừa cho năng suất ổn định và hạn chế được sự xói mòn của đất, tôi mong rằng ngày càng có nhiều mô hình xen canh để hướng đến sản xuất một nền nông Nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường”. Anh còn chia sẻ thêm, năm nay do giá cà phê thấp nhưng bù lại giá tiêu và sầu riêng ổn định cho thấy việc trồng xen canh hay là canh tác nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích sẽ cho hiệu quả kinh tế hơn là canh tác độc canh một loại cây trồng.
Đây là mô hình thâm canh bền vững đang được nhiều người quan tâm, nó không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, năng suất ổn định mà còn đảm bảo thân thiện với môi trường. Ngành nông nghiệp cần phát triển và nhân rộng mô hình này để ngành cà phê phát triển bền vững.