Theo lời giới thiệu của đồng chí Kim Thiên Tứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN Nghĩa Thắng, chúng tôi về thăm mô hình nuôi cá lóc bông của Hội những người nuôi cá lóc bông xã Nghĩa Thắng. Được biết, với sự hỗ trợ của HĐQT HTX, trong quá trình chăn nuôi, các hộ nuôi cá lóc bông ở địa phương đã tự nguyện thành lập Hội những người nuôi cá lóc bông để liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm, cung cấp thức ăn, con giống. Nhờ vậy, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có quy củ hơn. Các hộ chăn nuôi tham gia trong Hội được trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch và được vay vốn từ nguồn Quỹ tín dụng nội bộ của HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN Nghĩa Thắng. Đến thăm mô hình của gia đình ông Đặng Văn Thi, xóm 2, chúng tôi được biết, gia đình ông nuôi cá lóc bông từ năm 2006 và là một trong những hộ nuôi đầu tiên của xã Nghĩa Thắng. Ông Thi chia sẻ: cá lóc bông khi đó là loại con nuôi mới được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Để đầu tư nuôi cá lóc bông hiệu quả, ông đã dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá mới này. Cá lóc bông là loại cá ăn tạp, sống bầy đàn, chất lượng thịt cá thơm ngon, dai, ít xương dăm và thị trường rất ưa chuộng. Do đã có kinh nghiệm trong việc nuôi các giống cá truyền thống nên sau nhiều lần tính toán, ông quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi cá lóc bông với diện tích hơn 500m2. Nhờ cần cù, chịu khó trau dồi kiến thức nên đàn cá của gia đình ông luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, lứa cá đầu tiên cho thu lãi gần 40 triệu đồng. Sau lứa đầu thu hoạch, nhận thấy đây là mô hình có hiệu quả nên ông tiếp tục cải tạo ao và đầu tư giống cho những lứa tiếp theo. Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình ông Thi đang cho thu nhập ổn định, sản lượng năm 2017 đạt 5-7 tấn; trừ chi phí có lãi từ 130-150 triệu đồng/năm.
Cũng như gia đình ông Thi, một điển hình trong nuôi cá lóc bông của xã đó là gia đình anh Trần Văn Toản, ở xóm 8. Đây là mô hình có quy mô lớn nhất xã Nghĩa Thắng với diện tích 2,5ha; mỗi năm doanh thu đạt trên 500 triệu đồng. Năm 2017, gia đình anh đã sản xuất và tiêu thụ 17 tấn cá lóc bông; trong đó, lượng cá bán trong dịp Tết Nguyên đán khá lớn nên thu được nguồn kinh phí cao. Chia sẻ với chúng tôi, anh Toản cho biết, tháng 4 hằng năm, sau khi cải tạo ao nuôi, anh Toản và các hộ nuôi cá trong xã vào tỉnh Vĩnh Long để mua cá giống. Để đảm bảo thức ăn cho cá, ngoài nguồn cá biển, anh đã trực tiếp đứng ra làm đại lý thức ăn cấp 1 của Cty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Hưng Yên nhằm cung ứng thức ăn với giá thành hợp lý cho các hộ nuôi. Hiện nay, nhiều nhà hàng ở các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng... mua cá theo đơn đặt hàng, với giá bán trên thị trường từ 55-60 nghìn đồng/kg. Anh Đặng Văn Tỉnh ở xóm 8, xã Nghĩa Thắng, người đã có kinh nghiệm 5 năm nuôi cá lóc bông cho biết: cá lóc bông là loại cá rất dễ nuôi, với yêu cầu ao nuôi công nghiệp có diện tích tối thiểu từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 1-1,5m, bờ ao phải cao và chắc chắn. Trước khi thả cá, ao cần được tát cạn, vét bùn đáy khử trùng, tu sửa các điểm sạt lở. Sau khi tát cạn nước nên rải vôi đáy ao, phơi đáy 5-7 ngày rồi mới cấp nước vào ao. Nguồn nước cấp cho ao nuôi cá phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn. Thức ăn của cá lóc bông chủ yếu là cá tạp biển, cá vụn. Khi cá còn nhỏ trong 2 tháng đầu, thức ăn cần được xay nhuyễn hoặc băm nhỏ. Khi cá lớn, chỉ cần băm nhỏ hoặc cắt khúc những loại thức ăn có kích cỡ lớn hoặc quá dài. Thức ăn của cá được rải trên sàng làm bằng tre hoặc gỗ và đặt ngập trong nước khoảng 5cm. Hằng ngày người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh kịp thời và hợp lý lượng thức ăn. Nước trong ao cần được thay đổi thường xuyên (1-2 lần/tuần, tùy theo mật độ cá trong ao), mỗi lần thay 40-50% lượng nước trong ao. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng diện tích ao nuôi, tuy nhiên khó khăn hiện nay của gia đình vẫn là nguồn vốn bởi chi phí cho cá giống và thức ăn chăn nuôi khá cao. Anh hy vọng các cấp, các ngành có cơ chế hỗ trợ để người dân có thể đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Theo các hộ nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Thắng, người nuôi cần chú ý thường xuyên theo dõi hoạt động của cá trong ao để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ như cá bỏ ăn, bơi không bình thường, nhiễm bệnh… để từ đó có những biện pháp chữa trị kịp thời. Khi thả cá giống cần chú ý chọn những con khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị xây sát và không bị mất nhớt, cá bơi theo đàn, nhanh nhẹn, kích cỡ đồng đều. Khi thả cá cần thả từ từ để cá quen dần với điều kiện mới. Đặc tính của cá lóc bông là chịu lạnh kém, vì vậy người nuôi phải biết cách phòng rét và sương muối cho cá, khâu đánh bắt và vận chuyển cũng hết sức cẩn thận.
Mô hình liên kết nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Thắng đến nay đã thu hút 60 thành viên với tổng diện tích hơn 12ha. Thành công từ nuôi cá lóc bông đã góp phần đa dạng hóa con nuôi, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản Nghĩa Thắng phát triển theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nông dân./.
Thanh Tuấn/boanamdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã