3 lần bị vịt “vật ngã”
Ông Dương Trung Hậu ở thôn 9, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, Hà Nam thừa nhận rằng mình hiểu tính nết vịt hơn tính nết vợ. Số phận của ông 3 lần bị “con kêu cạc cạc” này dìm xuống đáy bùn. Nhưng cuối cùng, sự can đảm cộng với “máu liều” đã giúp ông “rũ bùn đứng dậy sáng ngời”.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tên của ông đã khá nổi trong giới buôn trứng xuyên Việt. Thời đó, miền Bắc chưa tự túc được nguồn trứng. Ông lặn lội khắp miền Trung, Nam tìm nguồn hàng để phân phối. Thành thử, bạn làm ăn ở đâu cũng có.
Năm 2000, lão nông này “đỡ đầu” cho hơn 100 hộ nuôi vịt đẻ trong vùng và 28 lò ấp với tổng công suất 25.000 quả trứng lộn/ngày. Dịch cúm gia cầm đầu tiên ở Việt Nam kéo dài 3 tháng, hoành hành vào năm 2003, giá trứng tụt dốc không phanh, chỉ còn 200 - 300 đồng/quả (lỗ 1.200 đồng đồng/quả so với giá thành sản xuất).
Vợ chồng ông rong ruổi khắp làng bán tống bán tháo nhưng chẳng ai mua. Những khay trứng chồng đống lên nhau, cao chất ngất. Trứng lộn chẳng giữ được lâu, vỡ thối um cả nhà. Sau trận ấy, “giàn trùm” sản xuất trứng lộn của ông bị suy yếu, mỗi chủ lò nợ cả trăm triệu đồng, riêng ông Hậu mất gần nửa tỷ đồng.
Lúc đầu, ông tính buôn trứng theo kiểu văn nghệ, làm ít. Nhưng rồi, máu của “thằng chăn vịt từ bé” lại trỗi dậy. Bao nhiêu vốn liếng còn lại, ông tiếp tục dành để cấp cám, cấp giống cho nông dân, nhập máy ấp trứng đặt tại nhà.
Ngóc đầu dậy được 2 năm, cơn bĩ cực khác lại giáng xuống. Dịch cúm gia cầm lại bùng phát năm 2005. Các tỉnh không được giao lưu về trứng, lực lượng chức năng giám sát ngặt nghèo. Từ tầng 1 lên tầng 2 nhà ông Hậu, trứng lại xếp tầng lên nhau cao như núi, không bán hết, phải đổ đi rất nhiều, thiệt hại 800 triệu đồng.
Đến năm 2007 thì lại bị bão cám. Giá đang 163.000 đồng/bao sau lên 312.000 đồng, bảng báo giá cám thay đổi tăng 24 lần từ tháng 7 đến tháng 12 vì khủng hoảng kinh tế. Giá trứng đua với giá cám như rùa đua với thỏ, lỗ nặng. Nhưng “vì tính tôi hăng, tôi tìm cách khôi phục bằng mọi giá”, ông Hậu nói.
Mỗi ngày nhặt... cả tải tiền
Năm 2012, xã Nhật Tựu dồn điền đổi thửa. Ông Hậu thuê lại 24 mẫu ruộng trũng của bà con xóm 9 thời hạn 50 năm và chuyển đổi mục đích sử dụng. Ở xứ đồng chiêm khê mùa thối, mỗi năm trúng một vụ lúa là may này, người ta đã chứng kiến một sự đổi thay kỳ lạ.
Con đường nội đồng dài hơn 1km được bồi trúc rộng thêm gần 3m để xe tải lăn bánh; mấy chục cột điện được dựng lên để dẫn nguồn từ khu dân cư về trang trại. Chẳng thể đếm được đã có bao nhiêu khối đất đã được múc lên để hình thành những ao hồ. Chẳng thể tính hết bao nhiêu gạch đá, xi măng đã đổ xuống để những dãy nhà dài như đoàn tàu mọc lên.
Năm đầu tiên, ông chỉ nuôi 5.000 con vịt đẻ siêu cao cổ, thắng lớn. Sẵn có thị trường tiêu thụ, sự nghiệp của lão nông Dương Trung Hậu giống như tên lửa đã đặt trên bệ phóng.
Ông cho biết: “Giống vịt siêu cao cổ xuất xứ từ tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc do tôi tự nhân dòng và ấp nở có tỷ lệ đẻ trứng lên tới 83%. Trung bình mỗi ngày tôi thu được 40.000 quả trứng. Ở miền Bắc này, tôi là người nuôi nhiều vịt đẻ nhất”.
Mặc dù nuôi vịt với mật độ khá dầy (3 con/m2), tuy nhiên suốt 5 năm qua, trang trại của ông không để xảy ra dịch bệnh do được tiêm vacxin đầy đủ. Để thu nhặt hết số trứng vịt của trang trại và chuyển về kho, ông thuê khoảng 15 lao động thường xuyên. Do đã có thương hiệu, “trứng vịt ông Hậu” được thương lái khắp nơi tìm đến thu mua, sản xuất đến đâu hết đến đó.
Trông từ trên cao, đàn vịt khổng lồ của ông Hậu tạo thành một tấm thảm trắng xoá. Nhìn thấy chủ nhân đến thăm, chúng kêu cạc cạc, rướn mình vẫy đôi cánh bày tỏ sự vui sướng rồi chạy lạch bạch tiến lại gần. “Người cha” của 5 vạn đứa con bảo rằng: “Ngót 10 tỷ đồng đã đổ vào vùng đất trũng này mới có được ngày hôm nay, lỡ có sơ sẩy điều gì chắc tôi cũng không sống nổi. Nhưng trước hết cứ vui đi đã, vì mỗi sớm dậy lại thấy những hàng trứng vịt phủ kín chuồng, bán được cả tải tiền”.
"Tôi xin thề luôn làm trứng sạch"
Bao năm lăn lộn trong ngành trứng gia cầm, “vua vịt đẻ” Dương Trung Hậu hiểu hơn ai hết: Uy tín có thể nuôi sống một doanh nghiệp trong tình thế cam go nhất. Còn nếu mất nó, anh có thể bị hạ gục ngay cả khi đang ngạo nghễ trên đỉnh danh vọng. Thế nên, trước khi được xuất ra thị trường, từng quả trứng vịt được soi chụp, “khám nghiệm” rất khắt khe, đặc biệt, nó phải là… trứng “tươi”. Nghĩa là, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, thà đổ bỏ chứ nhất quyết không bán trứng “hết date” cho người tiêu dùng.
Ông Hậu ước tính, giá thành sản xuất 1 quả trứng khoảng 1.500 đồng, giá trứng bán ra trung bình khoảng 1.700 đồng/quả (lãi 200 đồng/quả). Mỗi năm, đàn vịt của ông đẻ được gần 15 triệu quả trứng, (tương đương lãi khoảng 3 tỷ đồng). Ngoài ra, ông còn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các khoản đầu tư khác tại trang trại như nuôi cá, trồng cây ăn quả xung quanh (vừa tạo không gian cho vịt tắm, vừa làm bóng mát và cảnh quan).
Người đàn ông này đang lập kế hoạch xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản trứng, phát triển thương hiệu để nhiều người biết đến. Hi vọng, trứng của ông sẽ được bày bán trên kệ hàng của các hệ thống siêu thị tại Hà Nội và các thành phố lớn.
“Tôi may mắn vì đã khép kín chuỗi sản xuất, tiêu thụ trứng vịt theo “quy trình ngược. Nghĩa là thiết lập hệ thống phân phối trước, sau đó đầu tư vào chăn nuôi quy mô trang trại. Nhờ đó, tôi có thể điều tiết hoạt động sản xuất sao cho phù hợp với quy luật của thị trường, hạn chế tối đa rủi ro theo kiểu “được mùa mất giá”, ông Dương Trung Hậu nói.
Muốn thành công, cần khai phá con đường của riêng mình. Con đường ấy tuy chông gai và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Anh có thể vấp ngã nhưng đừng nằm xuống, hãy đứng lên và tiến về phía trước. Đó là triết lý của ông - "chúa vịt đất Bắc".
Theo giadinh.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã