Trang trại tổng hợp theo mô hình VAC của anh Đoàn Thái Học, xóm Đoài, xã Nam Cường. |
Từ năm 2002, được sự khuyến khích, tạo điều kiện của xã, anh Đoàn Thái Học ở xóm Đoài, xã Nam Cường đã nhận 0,7ha ruộng trũng để phát triển gia trại tổng hợp VAC. Trên diện tích 4.000m2, anh đã cải tạo thành 4 ao nuôi các loại cá truyền thống. Trên bờ anh trồng các loại cây lưu niên, cây cảnh và xây chuồng nuôi lợn, gà để tận dụng nguồn chất thải làm thức ăn cho cá. Dãy chuồng rộng gần 100m2 anh thường xuyên nuôi 50 con lợn, mỗi năm nuôi 4 lứa. Dãy chuồng gà được xây dựng bảo đảm “đông ấm, hè mát”, thường xuyên nuôi 200-300 con/lứa, một năm anh nuôi 3 lứa. Đến nay, gia trại VAC của anh cho thu nhập mỗi năm đạt từ 70-100 triệu đồng. Từ kinh nghiệm của hộ anh Học, nhiều hộ trong xã cũng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Toàn xã đã có trên 20 gia trại đang sản xuất kinh doanh ổn định, thu nhập mỗi năm đạt xấp xỉ 100 triệu đồng. Không chỉ ở xã Nam Cường, đến nay phong trào chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tổng hợp đã phát triển ra hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện; trong đó xã Nghĩa An có 27 gia trại, xã Nam Mỹ có 9 gia trại, xã Nam Dương có 8 gia trại. Nhiều trang trại, gia trại đầu tư quy mô lớn theo quy trình sản xuất công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật đã đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập thực tế từ 500 triệu đồng/năm trở lên như trang trại, gia trại của các ông: Hoàng Văn Nhương, thôn Thọ Tung (xã Nam Hùng); Nguyễn Văn Huy, thôn Chính Trang (xã Nam Thái); bà Phạm Thị Hà, xóm 6 (xã Nam Mỹ)… Đầu năm 2012, được sự giúp đỡ kỹ thuật của Phòng NN và PTNT huyện và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ông Phạm Văn Hải ở xóm Thi Châu B (xã Nam Dương) đã áp dụng mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh thái thay thế phương pháp nuôi truyền thống nền bê tông cứng. Đệm lót sinh thái làm bằng mùn cưa, trấu, kết hợp với chế phẩm sinh học có tác dụng xử lý chất thải, thức ăn thừa của lợn hằng ngày nên vừa tiết kiệm được nước do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng, vừa giảm chất thải xả ra môi trường, giảm mùi hôi, hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa ở lợn… Năm 2012, gia trại chăn nuôi của ông xuất bán được gần 8 tấn thịt lợn hơi, trên 100 con lợn giống, doanh thu gần 600 triệu đồng. Đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi của người dân, định kỳ hằng tháng, hằng quý và những thời điểm giao mùa, Phòng NN và PTNT và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tập huấn kỹ thuật, thông tin tình hình thị trường cho các chủ trang trại. Năm 2012, tổng đàn lợn của huyện có gần 70 nghìn con, đàn trâu, bò có trên 5,6 nghìn con, đàn gia cầm có 661 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 15,2 nghìn tấn, trên 13,7 triệu quả trứng gia cầm. Nhờ thực hiện tốt chế độ tiêm phòng nên đàn gia súc, gia cầm của các trang trại chăn nuôi không xảy ra bệnh dịch, đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các trang trại, gia trại chăn nuôi của huyện vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường; khó khăn về quỹ đất để mở rộng chuồng trại, phát triển sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, năm 2013, UBND huyện đã xây dựng đề án “Phát triển kinh tế trang trại, gia trại ngoài khu dân cư”. Mục tiêu của đề án là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần phân bố lại lao động trong sản xuất nông nghiệp và thay đổi nhận thức, tập quán của người dân về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với khối lượng và giá trị lớn. Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có ít nhất 20 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, mỗi xã có từ 3-5 trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi bảo đảm đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt của các xã, thị trấn. Rà soát toàn bộ các trang trại, gia trại hiện có để cấp chứng nhận kinh tế trang trại cho các trang trại nào đủ các điều kiện theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT./.
Bài và ảnh: Thành Trung (baonamdinh.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã