Chuyển nghề vì… vợ
Trước khi đến với nghề trồng nấm, Huy đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải, sau đó có một thời gian dài làm việc cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khá ổn định, thậm chí còn được giao nhiệm vụ quản lý sản xuất cho một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay cả lúc được tín nhiệm nhất, Huy luôn có ý nghĩ khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm trong quản lý sẽ đi tìm cho mình một công việc độc lập.
Nguyễn Quốc Huy kiểm tra sự phát triển của nấm. Ảnh: A.T
Tôi hỏi Huy: “Có bao giờ thấy tiếc khi từ bỏ nghề đã học trong trường?” - Huy bảo: “Mình không cảm thấy tiếc vì những kiến thức đã học trong trường đã cho mình nhiều kinh nghiệm quý khi quản lý hợp tác xã. Điều mình vui hơn là nghề làm nấm không chỉ mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương”. |
Tình cờ, một lần Huy mua 1kg nấm về cho gia đình ăn, được vợ khen nức nở: “Nấm ngon thế này em ăn cả tháng cũng được, không màng đến thịt cá”. Từ câu nói ấy, Huy mới tìm hiểu và được biết nấm là loại thực phẩm sạch, người tiêu dùng rất ưa chuộng và được dự báo là thực phẩm của tương lai, thị trường đang rất rộng mở do có ít người đầu tư vào lĩnh vực này. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng trai trẻ: Tại sao không bắt đầu lập nghiệp với nghề trồng nấm?
Nhưng muốn thành công phải có kinh nghiệm và kiến thức thực tế, Huy nghĩ vậy nên quyết định “khăn gói quả mướp” đi tìm hiểu thực tế ở một số trang trại trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Đó là thời điểm năm 2008, và thật may mắn khi Huy được một chủ trang trại nấm ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhiệt tình chỉ bảo những “ngón nghề”. Sau một tháng lăn lộn ở trại nấm của bậc tiền bối, Huy đã cảm thấy tự tin hơn với những kiến thức mình thu lượm được nên quyết tâm mở trại nấm tại nhà. “Chỉ có 5 triệu đồng tiền vốn nên mình chủ trương chỉ làm thử nghiệm với quy mô nhỏ. Mình chọn nấm rơm để trồng vì loại nấm này phát triển nhanh, chỉ sau một tháng là có thể thu hoạch, thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất” -Huy cười nhỏ nhẹ và nhớ về “thuở ban đầu” trong nghề với biết bao bỡ ngỡ, hồi hộp. Rất may là mẻ nấm đầu tiên đã thành công, sau 20 ngày đã thu hoạch được 6 tạ, Huy bỏ túi 10 triệu đồng. Thắng lợi này tạo động lực để Huy tiếp tục mở rộng sản xuất và gắn bó với nghề cho đến nay.
Liên kết để làm ăn lớn
Mới đó mà đã hơn 8 năm gắn bó với nghề trồng nấm, trải qua không ít khó khăn, thăng trầm nhưng Huy bảo: “Đó là một sự lựa chọn đúng đắn, mang lại cho mình nhiều thứ, không chỉ tạo dựng cho gia đình một cuộc sống đủ đầy mà còn cảm thấy mình có ích cho quê hương, xã hội”.
Anh Huy sử dụng bông phế liệu để làm nguyên liệu trồng nấm. Ảnh: A.T
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Huy cho biết, sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu nấm Tam Đảo, đưa sản phẩm vào siêu thị, phục vụ các khu du lịch như một đặc sản mới của quê hương. Ngoài ra, hợp tác xã sẽ tiếp tục nhân rộng các trại nấm vệ tinh để tận dụng điều kiện khí hậu của Tam Đảo rất phù hợp cho nấm phát triển. |
Tôi hỏi: “Trong quá trình làm nấm, có khi nào bạn cảm thấy khó khăn?”, Huy bảo: “Mình còn trẻ nên không ngại vất vả nhưng quả thực khi đối mặt với loại bệnh lạ trên nấm là mình bó tay, không xử lý được”. Một lần nữa Huy xuống Viện Di truyền nông nghiệp đăng ký một lớp học kỹ thuật trồng nấm. “Đúng là có học vẫn hơn, qua khóa tập huấn này mình hiểu hơn về đặc tính của nấm, cũng nắm rõ quy trình chăm sóc, phòng trị một số loại bệnh thường gặp trên nấm. Khi áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, mình thấy tự tin hơn nhiều” - Huy chia sẻ.
Là một người trẻ, Huy cũng rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nấm, bởi Huy nghĩ: “Muốn mở rộng quy mô sản xuất thì phải có thị trường tiêu thụ ổn định”. Vậy là Huy đem sản phẩm của mình đi giới thiệu ở các đám cưới, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh và được người tiêu dùng chấp nhận, đơn đặt hàng gửi về ngày càng nhiều, quy mô sản xuất được mở rộng. Khi đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định, Huy nghĩ đến một bước tiến mới, nhiều thử thách nhưng cũng hứa hẹn tạo bước đột phá, không chỉ cho bản thân mà còn cho nghề trồng nấm mới manh nha ở mảnh đất Hợp Châu này: Đó là xây dựng một thương hiệu nấm của riêng mình.
Năm 2009, Hợp tác xã nấm Thành Phát được thành lập, gồm 15 xã viên là anh em, họ hàng và bạn bè của Huy. “Sau khi hợp tác xã thành lập mình vẫn còn một chút băn khoăn, khí hậu ở Tam Đảo rất phù hợp cho nấm phát triển, mình cũng đang muốn xây dựng một thương hiệu nông sản mới cho quê hương, không lẽ sản phẩm nấm của hợp tác xã lại mang một tên gọi khác” - Huy tâm sự. Vậy là năm 2010, Hợp tác xã Nấm Thành Phát được đổi tên thành Hợp tác xã Nấm Tam Đảo. “Chẳng biết có phải vì đổi tên không mà hợp tác xã ngày càng ăn nên làm ra, được người tiêu dùng ở nhiều nơi biết đến. Chúng tôi đã có đơn hàng cung cấp cho một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền của Hàn Quốc” - Huy chia sẻ.
Đến giờ, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã phát triển lớn mạnh, trở thành một hình mẫu lý tưởng của mô hình kinh tế tập thể ở địa phương, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp. Khi diện tích trại nấm ở Hợp Châu không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường, Huy và các cộng sự nghĩ đến việc mở các trang trại vệ tinh. Vậy là một trại nấm nữa của hợp tác xã được mọc lên ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình). Khỏi phải nói Huy vui thế nào khi trại nấm trên đất mới phát triển tốt, cho sản lượng ổn định. Càng vui hơn khi nó góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, mở ra nghề mới cho người dân nơi đây. Không những thế, Huy còn xây dựng được xưởng phối trộn phôi trồng nấm để đáp ứng nhu cầu của hợp tác xã và cung cấp cho người dân có nhu cầu.
Còn trên mảnh đất Hợp Châu, nghề trồng nấm cũng không còn xa lạ, từ chỗ chỉ có một trại nấm của Huy, đến nay trên địa bàn xã đã có 4 trại nấm, tất cả đều được phát triển nhờ sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của Huy.
Hiện với 5.000m2 sản xuất nấm, trung bình mỗi năm, trại nấm của Hợp tác xã ở Hợp Châu cung cấp cho thị trường 160 - 180 tấn nấm/năm, trại nấm ở Hòa Bình đạt sản lượng 120 - 150 tấn/năm, với giá bán 25.000 đồng/kg, doanh thu của hợp tác xã đạt 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng, lương của xã viên đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
theo http://danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;