Học tập đạo đức HCM

Người làm vườn giàu có nơi đồng trũng

Thứ hai - 08/05/2017 04:24
Với lòng say mê nghề vườn và cách làm sáng tạo, nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) Gia Bình (Bắc Ninh) đã có thu nhập cao từ đồng chiêm trũng, hoặc diện tích nhỏ hẹp. Làm vườn không vất vả, và nếu chăm chỉ, sáng tạo, có óc thẩm mỹ cao thì hiếm có nghề nào sánh kịp, đó là khẳng định của bà con nơi đây.

Ông Vững, Phó chủ tịch HLV Bắc Ninh cùng đoàn công tác thăm mô hình trang trại của gia đình ông Lại Công Hùng.                                        

Kiên trì và sáng tạo      

Đến trang trại của ông Lại Công Hùng, thôn Gia Phú, xã Bình Dương vào một ngày mưa, chúng tôi mới thấy hết khó khăn, vất vả của người làm vườn và lòng kiên trì của họ đã chiến thắng thiên nhiên như thế nào. Ông Hùng cho biết, đây là vùng đồng chiêm trũng, mỗi năm làm 1 vụ lúa không chắc ăn, vì vậy, sau năm 1975, người dân bỏ làng đi Đồng Nai làm ăn rất nhiều. Năm 1986,  khi đất nước mở cửa và HLV ra đời, bà con mới quay về làm vườn như ngày nay. Tham gia HLV từ năm 2000 và cũng là người đầu tiên ra khu đồng trũng này, ông Hùng kể: buổi đầu rất vất vả, nước ngập mênh mông, phải thuê người đào đắp (đồng chiêm trũng sình lầy, máy xúc không làm việc được), không may gặp mưa ván kè bờ trôi, phải làm lại từ đầu. Cứ như thế đến khi 21.000m3 đất được đắp lên bờ mới tạm ổn. Chưa hết, năm 2001, ông phải thuê đào đắp 25.000m3 nữa mới trở thành trang trại như bây giờ.       

Theo đó, trang trại của vợ chồng ông Hùng rộng 4,2mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), được sự hỗ trợ của HLV tỉnh, Câu lạc bộ Bình Dương hướng dẫn hội viên thả cá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, ông đã có cơ ngơi như ngày nay: 1 ao cá giống, 2 ao cá thịt, trên bờ trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, vịt... lãi ròng 300 - 350 triệu đồng/năm.   

Ở nơi không có đồng chiêm trũng như Bình Dương, ông Nguyễn Bá Phấn, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo lại có khu vườn đa canh hết sức thông minh. Số là, ở nơi đất chật, người đông này, gia đình ông chỉ có 1.400m2, trừ diện tích nhà ở còn 1.000m2. Theo đó, khu vườn thông minh này được bố trí rất độc đáo, phía trước sân nhà là diện tích nuôi thỏ 70m2 (200 con), áp sát vào tường bao nên rất gọn gàng, đẹp mắt. Phía tay trái là sân nuôi chim công (150m2), khu nuôi rắn 50m2; vườn cây ăn quả 300m2 và ao nuôi ba ba 100m2 ở sau nhà. Phía tay trái là chuồng nuôi chó cảnh sát (giá 15-20 triệu đồng/con, chó con 3- 5triệu đồng/con);  chim cu gáy (3 triệu đồng/đôi). Ngoài ra, ông còn có giàn phong lan rừng và đang dự định xây chuồng nuôi lợn rừng.

Ông Phấn cho biết thêm, nghề làm vườn không nhất thiết phải có diện tích lớn mới cho thu nhập cao. Cái chính là phải biết đầu tư vào cây - con đặc sản có giá trị kinh tế cao, ví như việc nuôi chim cu gáy. Theo đó, một đôi bồ câu bình thường chỉ có giá 120.000 - 130.000 đồng, nhưng chim cu gáy đã thuần hóa có giá tới 3 triệu đồng/đôi.

Thế mạnh của Hội

Gia Bình là khu đồng chiêm trũng của tỉnh Bắc Ninh nên sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại luôn chiếm vị thế lớn trong nền kinh tế của huyện. Đây cũng là địa phương giáp với tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, có Quốc lộ 17 và cầu Bình Than chạy qua, là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế VAC và tiêu thụ hàng nông sản. 

Hiện, HLV Gia Bình có 74 chi hội, 2.872 hội viên thuộc 14 xã, thị trấn, trong đó có 17 câu lạc bộ (CLB) trang trại với 295 hội viên tham gia. Mỗi xã, thị trấn có 1 CLB, những xã lớn như: Giang Sơn, Bình Dương và Quỳnh Phú có 2 CLB. Đa phần các hội viên CLB đều là chủ trang trại, gia trại, có diện tích sản xuất lớn, quy mô chăn nuôi bài bản theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, trong CLB trang trại có 55 hội viên đạt tiêu chí trang trại theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tổng diện tích trên 17ha) trong đó có 17 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại tổng hợp, 4 trang trại thủy sản. Diện tích bình quân 1 trang trại là 7.200m2, bình quân đầu tư 1,2 tỷ đồng/trang trại, số lao động 4,5 người/trang trại; thu nhập bình quân 400 triệu đồng/trang trại. Điển hình là các trang trại trồng măng tây xanh của hộ ông Nguyễn Văn Tụ (Vạn Ninh), Nguyễn Thị Trang (Thái Bảo); trang trại nuôi thỏ của bà Phạm Thị Loan (Cao Đức); trang trại trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Văn Doanh (Cao Đức)...

Được biết, những câu lạc bộ hoạt động tốt như Bình Dương, Nhân Thắng, Quỳnh Phú, Giang Sơn... cũng là những đơn vị đóng quỹ hội tốt, từ 300.000 - 500.000 đồng/hội viên trở lên. Các CLB cũng đã tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao ở Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang...

Đặc biệt, để làm tốt công tác Hội, HLV Gia Bình đã tập huấn cho cán bộ, hội viên các xã, thị trấn, mà nòng cốt là hội viên các CLB trang trại kỹ năng hoạt động Hội, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước vào cuộc sống, từ đó làm đổi thay mạnh mẽ nhận thức của cán bộ hội viên từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; thay thế những cây - con truyền thống, năng suất thấp bằng cây - con giống mới có hiệu quả kinh tế cao.

 Đáng ghi nhận là, bước đầu các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mang thương hiệu Gia Bình. Theo đó, sản phẩm đầu tiên trên toàn huyện đạt tiêu chuẩn VietGAP là măng tây xanh của Vạn Ninh, Thái Bảo; nếp phu thê của hộ ông Ngô Cương (Nhân Thắng).

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, Hội cũng nhận thấy các mô hình sản xuất còn nhỏ, lẻ, manh mún, ít có sản phẩm tiêu biểu mang thương hiệu Gia Bình. Nhất là số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, vì vậy hàng hóa sản xuất ra luôn bị tư thương ép giá, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi còn rất thấp… Từ thực tế đó, Gia Bình có một số kiến nghị như: Tỉnh cần có chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính để các chủ trang trại, gia trại được hưởng các chính sách ưu đãi từ Quyết định 31 và Quyết định 318 của UBND tỉnh. Mặt khác, HLV tỉnh nên có chương trình phối hợp với NHCSXH để tạo điều kiện cho các chủ trang trại được vay vốn...

Cuối cùng, Gia Bình cũng mạnh dạn đề xuất một số kinh nghiệm như: Phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, sức  khỏe, đặc biệt là năng nổ, nhiệt tình với công việc được giao. Phải biết tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; biết vận dụng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, biết tiếp thu cái mới và cách tập hợp hội viên...

Hy vọng, từ những kinh nghiệm, bước đi vững chắc như vậy, Gia Bình sớm lọt vào tốp những Hội mạnh ở Bắc Ninh giai đoạn 2016 -2021.

Đến nay, HLV Gia Bình có tổng số 2.872 hội viên. Cùng với phát triển xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội trong toàn huyện còn phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn tổ chức được 954 buổi tập huấn chuyển giao KHKT về VAC cho 65.346 lượt hội viên. Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Cùng với phát triển VAC, trong nhiệm kỳ qua, HLV huyện Gia Bình còn tích cực vận động hội viên và nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng cây cảnh, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, đã vận động hội viên trồng được 266.100 cây lấy gỗ và 65.000 cây ăn quả các loại, phong trào xây dựng vườn cây tình nghĩa được Hội nhân ra diện rộng. Trong 5 năm qua Hội đã xây dựng được 130 vườn cây tình nghĩa.

Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập487
  • Hôm nay97,674
  • Tháng hiện tại833,784
  • Tổng lượt truy cập93,211,448
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây