Từ nông dân đến anh thợ cơ khí
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, kinh tế không mấy khá giả nên chuyện học hành của anh Bùi Thanh Tú phải tạm gác lại ở cấp bậc Tiểu học. Rồi đến tuổi lập gia đình, anh kết hôn với cô gái cùng quê nhưng do kinh tế gia đình không mấy khá giả, anh Tú bàn với vợ sang vùng kinh tế mới ở huyện Tân Hồng để lập nghiệp. Những năm đó, đất Tân Hồng còn hoang hóa, chua phèn không cây gì sống nổi, lúa gieo xuống mấy đợt liền đều chết sạch. Kinh tế gia đình khó khăn, lại thêm cảnh nợ chồng chất, đã có lúc anh Tú chỉ muốn buông xuôi tất cả, vì cuộc sống quá bế tắc. Rồi nhìn cảnh con thơ nheo nhóc, thấy vợ lam lũ, anh Tú suy nghĩ lại và quyết tâm trở lại quê hương khởi nghiệp với nghề làm bún của gia đình vợ ở xóm Bún Hàng Gòn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.
Gắn bó với nghề bún một thời gian, anh Tú nhận thấy nhu cầu sử dụng máy móc trong làm bún khá lớn. Anh bắt đầu mày mò vẽ những bản thảo đầu tiên về chiếc máy xay bột. Vừa làm vừa học hỏi, những chiếc máy xay bột đầu tiên ra đời không những góp phần giúp gia đình anh sản xuất bún hiệu quả hơn mà kinh tế gia đình bắt đầu “dễ thở” khi phát triển thêm nghề xay bột thuê.
Sau tín hiệu vui từ chiếc máy làm bột, anh Tú mày mò nghiên cứu tiếp máy làm bún. Sau nhiều lần “trật duột” tiêu tốn nhiều tiền cho chuyện “thử” máy, anh Tú đã sản xuất thành công chiếc máy làm bún và tiếp tục thành công với máy sản xuất bánh hỏi. Những chiếc máy làm bún, làm bánh hỏi của anh Tú bắt đầu có mặt khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ “lấn sân” sang lĩnh vực cơ khí mà anh Tú trả được nợ nần, kinh tế gia đình trở nên khá giả.
Không gì là không thể
Sau thời gian “ăn nên làm ra”, anh Tú nhận thấy máy làm bún và máy làm bánh hỏi cũng tới giai đoạn bảo hòa thị trường. Anh Tú suy nghĩ phải làm cái gì đó khác hơn, mới hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, những ý tưởng chỉ dừng lại là ý tưởng nếu như anh Tú không nhận được hai lời thách đố gay go của vợ anh và một khách hàng ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Anh Bùi Thanh Tú nhớ lại: “Lúc đó, tôi bàn với vợ phải làm cái máy nào đó khác hơn chứ mấy cái máy cũ này sẽ tới lúc không bán được nữa. Vợ nghe tôi nói vậy liền phán một câu xanh rờn. “Ông sáng chế làm sao mà chiếc máy đó phải tiện lợi, một đầu đổ gạo vào còn đầu kia bánh thành phẩm nó chạy ra để tôi bán liền, nếu làm được vậy tôi mới chi tiền cho ông nghiên cứu tiếp, còn không được như vậy thì khỏi nghiên cứu nữa làm gì cho mất công”. Mới ban sáng bị vợ cho “đề khó” thì tới chiều một nữ khách hàng từ Long Xuyên qua đặt hàng tôi làm cái máy bánh hỏi với yêu cầu y chang như yêu cầu của vợ tôi đưa ra”.
Lúc đó, việc đưa ra quyết định nhận lời hay từ chối là vô cùng khó khăn với anh Tú. Bởi đã dựng bảng xưởng cơ khí “chuyên sản xuất máy làm bánh từ gạo” mà lại không nhận đơn đặt hàng này thì xưởng sẽ mất uy tín, nhưng nếu nhận lời thì không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế là anh Tú chọn giải pháp treo giá thật cao khoảng 330 triệu đồng để khách hàng chê đắt mà từ bỏ ý định. Nhưng không ngờ vị khách hàng từ An Giang không chê đắt mà còn mạnh tay chi sộp hơn 100 triệu đồng để dằn cọc.
Rơi vào tình thế “cá nằm trên thớt”, anh Tú đành nhận lời và nhanh chóng bắt tay vào việc. Tuy nhiên, mọi việc khởi đầu không mấy suôn sẻ, bởi so với máy bánh hỏi bán tự động trước đây thì nguyên lý hoạt động của chiếc máy này không hề đơn giản. Tất cả các khâu từ vo gạo, xay bột, ép bánh và hấp chín đều thực hiện hoàn toàn tự động. Mấy tháng liền mất ăn mất ngủ, cuối cùng hình hài của dây chuyền làm bánh hỏi tự động cũng xuất hiện. Nhưng không hiểu sao máy vận hành độ chừng hơn 10 phút lại bốc khói nghi ngút, bánh hỏi thành phẩm thì không đạt chất lượng.
Sau mấy tháng ròng “vật lộn” với chiếc máy, anh Tú đã chế tạo thành công dây chuyền máy bánh hỏi “đổ gạo vào một đầu, sản phẩm ra một đầu” và giao máy đúng hẹn cho vị khách hàng ở Long Xuyên. Ngay sau đó, anh bắt đầu làm một chiếc máy làm bánh hỏi mới cho vợ. Chiếc máy mới là món quà anh dành tặng vợ và cũng là sản phẩm để anh Tú đối chứng với chiếc máy đầu tiên. Để tri ân vị khách đã tin tưởng, anh Tú nhiều lần bảo hành, gắn thêm các thiết bị cải tiến máy mà không lấy tiền.
Máy làm bún “Made in Dong Thap” trụ vững trên đất Mỹ
Duyên may tình cờ khoảng năm 2010, một phụ nữ tên Hà Ngọc Dung - Việt kiều Mỹ đang làm cho một công ty chuyên sản xuất thực phẩm, gọi điện thoại nói công ty chị có nhu cầu cầu mua máy sản xuất bún tươi.
Sản phẩm bánh hỏi sấy khô được sản xuất từ dây chuyền sáng chế của anh Tú
Ban đầu anh Tú tưởng ai đó ghẹo chọc mình, bởi sau cuộc điện thoại chẳng thấy họ liên hệ hay giao dịch gì thêm. Tuy nhiên mãi đến năm 2013, chị Dung một lần nữa gọi điện thoại cho anh Tú đặt máy cho chính gia đình mình, vì gia đình có kế hoạch mở cơ sở bán bún tươi tại ngay nước Mỹ, một lần nữa bà nhớ đến “ông” Tú ở Đồng Tháp.
Hơn 1 tháng ròng vượt Thái Bình Dương, máy làm bún tự động của anh Tú đã cập cảng ở “xứ sở cờ hoa”. Tuy nhiên, vừa cập cảng, chiếc máy của anh bị kiểm tra gắt gao về mặt kỹ thuật, phía Mỹ đề nghị anh Tú phải sửa lại thiết kế theo yêu cầu của đất nước họ.
Vượt qua rào cản ở Hải quan, song về đến xưởng, máy làm bún của anh Tú lại tiếp tục “trở chứng” do gạo ở Mỹ không giống như gạo ở quê nhà nên chiếc máy không chịu hoạt động, sản phẩm làm tới đâu lại hư đến đó. Anh Tú tâm sự: “Lúc đó tôi cũng rối lắm, bởi gia đình cô Dung đầu tư toàn bộ gia sản vào đây. Máy mà không hoạt động được thì tôi sẽ ray rứt dữ lắm. Sau nhiều ngày nỗ lực điều chỉnh, cuối cùng chiếc máy làm bún “Made in Dong Thap” đã chạy được với sản phẩm gạo và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình cô Dung”.
Để ghi nhớ tấm lòng của anh Tú, vợ chồng cô Dung quyết định lấy tên quê hương của anh Tú làm biển hiệu, đó cũng là cửa hàng Đồng Tháp Noodles đầu tiên ở TP.Portland, bang Oregon. Liền sau đó, cửa hàng Đồng Tháp Noodles mở ở TP.Seattle, bang Washington cũng ra đời.
Hiện tại, anh Tú đang hợp tác với một số đối tác ở Mỹ trong việc sản xuất và phân phối máy làm bánh từ gạo, dự kiến trong năm 2017 này, anh Tú sẽ tiếp tục mở rộng thị trường ở Mỹ. Ngoài thị trường Mỹ thì trong năm 2016 vừa qua, dây chuyền sản xuất bún, bánh hỏi sấy khô tự động của anh Tú cũng có mặt ở thị trường CamPuchia và phát triển mạnh ở thị trường nội địa.
Với những nỗ lực không ngừng của mình, nhiều năm liền, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của anh Bùi Thanh Tú đã được UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014 - 2016, khu vực phía Nam năm 2014 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia 2015. Đây là nguồn động lực thôi thúc anh Tú tiếp tục có những cống hiến và những sáng tạo mới, góp phần vào phát triển kinh tế cho quê hương Đồng Tháp.
Để ghi nhớ tấm lòng của anh Tú, vợ chồng cô Dung quyết định lấy tên quê hương của anh Tú làm biển hiệu, đó cũng là cửa hàng Đồng Tháp Noodles đầu tiên ở TP.Portland, bang Oregon. |
Nguồn: baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã