Với lợi thế về tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch chuyển đổi các hình thức canh tác trên mặt nước, đất hoang hóa, đất ngập mặn, đất trũng, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Giàu lên nhờ nuôi thủy sản
Người đi đầu trong phong trào này là ông Nguyễn Văn Khang, chủ một cơ sở nuôi thủy sản xã Hà An, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Khang, chủ cơ sở nuôi thủy sản ở xã Hà An
Uống ngụm nước chè, ông nhớ lại: “Dù lúc đó không có tiền, nhưng tôi vẫn mua 5 vạn tôm giống, trị giá 6 triệu đồng. Tôi đặt ra kế hoạch làm trong vòng 3 năm, nếu thua lỗ, tôi sẽ bỏ nơi này đi vào miền Nam sinh sống”.
Ông Khang cho biết: “Do không biết kỹ thuật nuôi tôm nên tôi đã tìm hiểu sách báo, và nhờ sự hướng dẫn tận tình của Phòng Thủy sản huyện Quảng Yên, vụ đầu tiên tôi bán được 78 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền 78 triệu đồng là vô cùng lớn và có giá trị. Sau này, có rất nhiều người các tỉnh lân cận, kể cả Bắc Ninh đã về học kinh nghiệm nuôi tôm sú của tôi”. Ông Khang khẳng định: “Nuôi tôm rất có lãi và hiệu quả cao, bây giờ tôi làm đã chuyên nghiệp hơn từ việc nuôi tôm cho đến giải quyết khâu tiêu thụ”.
5 năm sau đó, học theo mô hình chuyển đổi của ông Khang, vùng này cũng chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nuôi tôm, do có hiệu quả cao nên nhiều người cũng đã làm theo. Ông bảo, từ khi có nhiều hộ chuyển đổi sang nuôi tôm, ông cũng lãi được 1-2 năm đầu, sau đó cũng bị thất bại vì một số hộ nuôi vô ý thức, khi tôm bị bệnh đã đổ ra kênh chung nên tôm của ông và nhiều hộ khác cũng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bây giờ các hộ nuôi tôm đã có kinh nghiệm xử lý hơn, nếu khu vực nào có tôm bệnh thì sẽ được khoanh vùng lại và báo ngay cho UBND phường Hà An để xử lý ngay lập tức.
Ông nói tiếp: “Sau nhiều năm nuôi tôm, tôi lại nuôi thêm cả cá vược, cá chép vàng, cua. Nếu nuôi tôm thất bại thì cua, cá sẽ kéo lại. Chỉ tính riêng năm 2013, tôi lãi được 300 triệu tiền cua”.
Hiệu quả từ nuôi thủy sản đã giúp gia đình ông Khang phát triển kinh tế mạnh hơn. Ông cũng vừa xây được một ngôi nhà mới khang trang, trị giá 1,3 tỷ đồng.
Nhiều gia đình ở xã Hà An xây dựng nhà cửa khang trang
Thu nhập của người dân được nâng cao
Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả, dẫn đến thu nhập thấp. Cấy lúa có vụ được vụ mất và có những năm đất bỏ trống.
Từ tình hình đó, bắt đầu từ năm 2000, Quảng Ninh đã có chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Từ đó đến nay, trên toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.300 ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Đông Triều (chuyển đổi được hơn 600ha), sau đó đến Quảng Yên, Uông Bí, Đàm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Việc chuyển đổi này đã được đông đảo người dân hưởng ứng. Từ khi chuyển đổi đến nay, thu nhập của người dân đã cao gấp rất nhiều lần so với cấy lúa. Chẳng hạn như ở Đông Triều, người dân phát triển mô hình nuôi cá rô phi công nghiệp. Một năm nuôi 2 vụ, mỗi một vụ trên 1ha có thể lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, một số huyện, thị như Hà An, Quảng Yên chuyển sang nuôi nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng rất hiệu quả. Việc đầu tư cho nuôi thủy sản tuy lớn hơn so với nông nghiệp nhưng lợi nhuận rất cao, thu nhập và công việc của người dân khá ổn định.
Đường bê tông do người dân đóng góp xây dựng
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, kết quả của các mô hình nuôi vùng chuyển đổi đã khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản là đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp nguyện vọng của đông đảo nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Không lo đầu ra, chỉ lo đồng vốn
Hiện nay, điều trăn trở đối với ông Khang và các bà con ở đây là đồng vốn để mở rộng chăn nuôi, sản xuất và đảm bảo đầu ra bền vững.
Riêng về đồng vốn, đại diện Sở NN&PTNN cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ cho người dân theo dạng con giống. Ngoài ra, chúng tôi còn có cơ chế rất đơn giản là: người dân cứ đi vay ngân hàng. Chúng tôi đưa ra một số tiêu chí về diện tích, quy mô. Quy định vay tối thiểu là 50 triệu, tỉnh hỗ trợ 6% lãi suất/1năm. Dân có lợi nhuận ban đầu thấp, đầu tư rủi ro cao, mình hỗ trợ như thế này hoàn toàn giải quyết được đồng vốn cho họ”.
Đầm nuôi tôm tại xã Hà An, Quảng Ninh