Làm ăn lớn ở “rốn phèn”
Giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi chạy xe về huyện đầu nguồn Tân Hưng. Giờ ở đây hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi đi vào giữa những cánh đồng, như: Kênh 27.7, kênh T35, kênh 504, kênh Rọc Chanh, kênh 79..., đáp ứng việc tưới, tiêu cho hàng chục ngàn ha lúa đang triển khai cánh đồng lớn.
Ông Trương Hữu Trí - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh) thấy chúng tôi đến thăm thì tay bắt mặt mừng. Trong ký ức của anh nông dân tri điền này - một người hiểu Đồng Tháp Mười đến chân tơ kẽ tóc, đây là một vùng đất vô cùng khắc nghiệt.
“Ngày trước, ở đây hoang sơ lắm, chỉ có dăm ba nhà sống rải rác. Suốt 6 tháng nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông. Còn mùa khô nắng nóng như nung, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không có mà uống” - ông Trí kể.
Thu mua lúa cho thành viên tham gia cánh đồng lớn tại HTX Tân Đồng Tiến (Tân Thạnh, Long An).
ảnh: Trần Đáng
Hàng năm khi mùa mưa đến, người ta dùng sức trâu, sức người cày ải phơi đất cho bớt phèn rồi sạ lúa mùa. Xuống giống xong ai nấy đều quay về nhà chứ không ở lại. Đến khoảng tháng 11 lũ rút cạn cũng là lúc lúa chín, bà con bắt đầu ra đồng thu hoạch lúa. Tuy nhiên, do đất nhiễm phèn nặng nên năng suất lúa rất thấp, chỉ khoảng 500 - 700kg/ha.
Để vùng đất này thành ruộng lúa “cò bay thẳng cánh”, ông Trí đã lập nên Liên hiệp HTX quy tụ 300 thành viên làm cánh đồng lớn. Ông cho biết, thời gian qua HTX luôn chủ động trong việc tìm đầu ra ổn định cho xã viên. Sản phẩm của HTX Gò Gòn được sản xuất theo quy trình VietGAP nên giá trị thương hiệu nâng lên, lợi nhuận của xã viên tăng cao.
Được biết, hiện HTX Gò Gòn bao tiêu đầu ra và thu mua lúa cho các thành viên cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn các hộ bên ngoài từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ.
Cũng như các huyện khác, lúa là cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Hưng. Huyện đã thực hiện quy hoạch xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở 8 xã, với tổng diện tích hơn 10.000ha. Vụ đông xuân 2010 - 2011, mô hình cánh đồng lớn đã được triển khai thí điểm tại xã Khánh Hưng với quy mô 150ha do Sở NNPTNT tỉnh Long An phối hợp Công ty Bảo vệ thực vật An Giang triển khai. Qua những vụ sản xuất thí điểm, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất giảm hơn 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn 8 - 10 triệu đồng/ha/năm.
Từ thành công mà mô hình mang lại, ngành nông nghiệp huyện đã mạnh dạn nhân rộng, phát triển ra 8 xã. Ông Nguyễn Khanh (xã Khánh Hưng) chia sẻ: "Ngoài việc tăng lợi nhuận, khi tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn với những giống lúa đạt chất lượng cao, có xác nhận thì chuyện bị thương lái ép giá đã không còn nữa. Đặc biệt, nông dân không còn phải lo lắng với đầu ra của sản phẩm vì đã có công ty bao tiêu".
Tiếp tục nhân rộng
Ngoài xây dựng cánh đồng lớn, tỉnh Long An cũng đã xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 20.000ha (giai đoạn 2017 – 2020) nằm trong vùng lúa chất lượng cao 40.000ha phục vụ xuất khẩu của tỉnh, bao gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. |
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Long An, mô hình cánh đồng lớn ở Đồng Tháp Mười bước đầu khẳng định hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất lúa, xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh Long An, vụ đông xuân 2016-2017 đã triển khai xây dựng mô hình điểm tại HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), HTX Tiên Tiến (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa); Tổ hợp tác Tân Tây (huyện Thạnh Hóa)... mỗi mô hình 50ha.
Các nội dung triển khai là: Ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ với máy cấy, sạ lúa, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy tự hành, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và máy cuộn rơm; tập huấn và ứng dụng quy trình sản xuất 1 phải 6 giảm và gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Trần Đáng/Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;