Bà Mã Thị Bông (63 tuổi), ở ấp An Phú, xã An Long đã tận dụng diện tích đất trống quanh nhà xây 6 cái bể diện tích 120m2. Phía đáy hồ, bà Bông cho phủ một lớp bùn, rồi bơm nước vào bể và thả lươn giống vào nuôi. Ở 4 góc bể, bà treo 4 bó cây xanh làm thức ăn cho lươn. Bên trên mặt nước bể được phủ kín bởi một mảng lục bình và các loại cây bắp (ngô) tạo bóng mát để lươn có nơi trú ẩn. Mỗi góc bể chừa một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn.
Bà Mã Thị Bông, xã An Long “khoe” những con lươn béo chuẩn bị xuất bán. Ảnh: T.T.T
“Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm và cá tạp, cua, ốc bươu vàng đã nấu chín. Lúc đầu, thả lươn giống vào một bồn ương. Một tháng sau, ta tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh rồi thả vào 6 bể để nuôi thương phẩm. Thức ăn điều chỉnh tăng lên theo quá trình sinh trưởng của lươn…” – bà Bông chia sẻ kinh nghiệm.
Cuối tháng 7.2015, bà Bông cho tát bể, thu hoạch được hơn 1.200kg lươn thương phẩm, bán giá bình quân 123.000 đồng/kg, thu nhập gần 150 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, bà Bông còn lãi hơn 30 triệu đồng. Thành công lứa đầu đã khích lệ bà Bông nuôi tiếp 8.200 con lươn giống trong 9 bể xi măng.
“Năm nay thức ăn rẻ, nuôi thuận lợi, con lươn mau lớn, ít bệnh, chắc lứa tới vẫn lời…” – bà Bông tin tưởng.
Toàn huyện Tam Nông hiện có trên 100 hộ đang nuôi lươn trong hơn 300 bể, bồn lót bạt. Ông Lê Phước Thiện – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Nông cho biết: “Với sự thành công của nhiều hộ hội viên, sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo Hội ND cơ sở tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi lươn trong mùa nước nổi. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngân hàng giúp bà con vay vốn đầu tư xây dựng mô hình nuôi lươn”.