Phản biện không phải là phủ nhận sạch trơn
Theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị thì giám sát, phản biện của Hội ND cùng với giám sát của Đảng, giám sát, phản biện của cơ quan nhà nước hợp thành thể thống nhất, tạo nên sức mạnh chung điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn đúng đắn hơn, gắn với đời sống con người hơn. Trong ý nghĩa tích cực đó, giám sát, phản biện xã hội của Hội ND không có mục đích phủ nhận sạch trơn hay tìm cách đánh đổ việc kiến tạo chính sách của các cơ quan công quyền. Ngược lại, nó giúp cho cơ quan kiến tạo chính sách nhận ra những vấn đề, nội dung còn thiếu hoặc những “vết nứt” hay “lỗ hổng” trong dự thảo chính sách, kể cả những đề xuất phát triển hoặc giải pháp thực hiện.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội ND đã thực hiện từ trước. Điển hình là năm 2002, Bộ Tài chính có văn bản dự thảo trình Quốc hội về “Thu thuế thu nhập đối với người sản xuất nông nghiệp có lãi từ 30 triệu đồng/năm trở lên”. Khi Văn phòng Quốc hội chuyển văn bản dự thảo đó đến T.Ư Hội ND để lấy ý kiến, Thường trực đã tổ chức ngay việc tham gia góp ý của Hội ND các địa phương, một số nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại cơ sở. Sau đó, Thường vụ T.Ư Hội đã ra văn bản báo cáo về việc Hội ND không đồng thuận với chủ trương của Bộ Tài chính, vì: Hộ ND sản xuất có lãi 30 triệu đồng/năm trở lên chỉ chiếm 7% trong tổng số 13,7 triệu hộ ND cả nước. Nếu thu thuế thu nhập, sẽ làm triệt tiêu động lực phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu”; kìm hãm sự phát triển loại hình sản xuất trang trại, gia trại đang có hiệu quả. Kết quả, Bộ Tài chính rút lại tờ trình. ND cả nước hoan nghênh và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Hội.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của báo chí thuộc T.Ư Hội đã có loạt chuyên đề “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp”, “Ba ba dưới búa quan tòa”, “Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng – góc nhìn về đất đai, người ND và pháp luật”, “Xây dựng nông thôn mới – Huy động sức dân thế nào là đủ?”... đã được Chính phủ xem xét, xác minh, điều tra là đúng sự thật. Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ gần 30 khoản thu tự đặt ra của chính quyền địa phương; quy định người dân chỉ đóng 14 khoản bắt buộc và 6 khoản phải vận động, có sự đồng tình, tự nguyện của người dân. Cùng với báo chí, các ban của T.Ư Hội, Thường vụ T.Ư Hội và 7 đại biểu Quốc hội khóa XIII là Chủ tịch Hội ND đã góp nhiều ý kiến vào các văn bản dự thảo luật, chính sách quan trọng như: Bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai (2013), Quyết định 80 về hợp đồng tiêu thụ nông sản, Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135 và 30a... Các ý kiến đóng góp đều thẳng thắn, rõ ràng, trung thực... vì lợi ích quốc gia, lợi ích giai cấp NDVN.
3 kinh nghiệm phản biện tốt
Bằng sự trải nghiệm, cùng kết quả đạt được, có thể rút ra 3 kinh nghiệm ban đầu về hoạt động giám sát, phản biện của Hội ND là:
- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nguyện vọng chính đáng của nông dân; những vướng mắc, rào cản đang có trong thực tiễn; dự tính được xu hướng, khả năng phát triển để lựa chọn đúng, trúng vấn đề và nội dung cho mỗi cuộc giám sát, phản biện.
- Có đội ngũ cán bộ hội giỏi trên từng lĩnh vực, am hiểu thực tiễn, có năng lực nắm bắt, tổng hợp tình hình, viết, nói thành thục, luôn đề cao và đặt lợi ích quốc gia, lợi ích giai cấp ND lên trên lợi ích tập thể, cá nhân; giữ vững bản lĩnh cách mạng, không bị mắc bẫy, bị chi phối của “lợi ích nhóm”.
- Thực hiện đúng quy trình giám sát, phản biện ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, bố trí nhân sự, các yếu tố đảm bảo cho hoàn thành nhiệm vụ... Sau mỗi cuộc giám sát, phản biện, báo cáo phải rõ ràng, khách quan, đúng với bản chất sự việc; đề xuất được chủ trương, giải pháp, hoặc kiến nghị tháo gỡ, phát triển... Báo cáo được gửi đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; đồng thời thường xuyên theo dõi để cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015), tiến tới Đại hội XII của Đảng; thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị: Trọng tâm, trọng điểm giám sát, phản biện xã hội của Hội ND cấp T.Ư là chính sách về: ND, nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người ND; chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực tái cơ cấu nông nghiệp; giá đền bù đất đai, tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách cho ND vay vốn; hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh gia súc, gia cầm; chính sách đầu tư xây dựng nông thôn mới; Chương trình 134, 135 đối với đồng bào miền núi... và nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tạp chí Nông Thôn Mới.
Đối với Hội ND các địa phương, trọng tâm hoạt động là giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các khâu dịch vụ sản xuất trong tổ hợp tác, hợp tác xã...; về huy động đóng góp của ND trong xây dựng nông thôn mới; góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng các cấp.
Lựa chọn trúng vấn đề để phản biện
Để hoàn thành trọng trách Đảng giao phó, xứng đáng lòng tin cậy của nhân dân, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội NDVN cần tập trung những nội dung sau:
Một là, quán triệt và triển khai đồng bộ Nghị quyết số 19 – Ban chấp hành T.Ư Hội ND về “Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền vận động nông dân trong thời kỳ mới”, Hướng dẫn 637 về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Hội NDVN” nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin để người nông dân nâng cao nhận thức, hăng hái tham gia ngày một nhiều hơn vào công việc quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, phát hiện những điển hình tiên tiến, những vướng mắc khó khăn tại cơ sở; lựa chọn đúng, trúng vấn đề trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Ba là, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc có sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương... Mọi cuộc giám sát, phản biện xã hội của Hội phải đúng quy trình, thủ tục, công khai và minh bạch, tôn trọng sự thật, vì lợi ích của đất nước, của giai cấp ND, tuyệt đối không được lợi dụng giám sát, phản biện để thực hiện ý đồ cá nhân. Kết thúc mỗi cuộc giám sát, phản biện, Ban Thường vụ Hội ND cần theo dõi phản hồi từ đối tượng được giám sát, văn bản được phản biện. Đặc biệt là những vấn đề có liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế, quyền dân chủ của ND.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của báo chí thuộc T.Ư Hội ND. Báo chí phải tôn vinh, cổ vũ tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới và xây dựng Hội vững mạnh; khuyến khích những chuyên đề, tác phẩm chất lượng cao, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc và kết quả giải quyết những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, theo dõi... Báo chí là kênh tuyên truyền tiên phong, là lực lượng giám sát, phản biện xã hội quan trọng của Hội.
Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội ND đạt kết quả cao hơn, toàn diện hơn đang rất cần văn bản luật hóa của Nhà nước, cần sự kiên định thực hiện lời Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” - giá trị giám sát, phản biện xã hội của Hội ND nằm chính ở điều cốt lõi ấy.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;