Học tập đạo đức HCM

Sát ngay biên giới, từ làm thuê, lão nông người Mông thành “Vua chuối”

Thứ bảy - 30/09/2017 10:18
Từ bàn tay trắng, phải thuê đất của bà con để trồng chuối, lão nông người Mông Thảo Dìn, ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã trở thành “đại gia” phố núi, với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Người trong thôn Cốc Phương gọi ông Dìn là “vua chuối”.

Lão nông Thào Dìn được Hội đồng bình chọn chung khảo T.Ư bỏ phiếu chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017".

Không sợ mang tiếng ma nhập, chỉ sợ đói

Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Dìn kể về những ngày long đong, lận đận lo cho 7 miệng ăn trong nhà, dù bạt hết quả đồi này đến mảnh nương khác để trồng ngô, lúa nhưng đói vẫn hoàn đói. “Người Mông sống chủ yếu dựa vào nương rẫy với cây ngô, lúa nương làm bạn từ bao đời nay. Nhà tôi có 3ha trồng ngô, lúa, ngày nào vợ, chồng, con cái cũng lên nương từ sáng sớm, làm quần quật đến lúc gà vào chuồng rồi mới nghỉ nhưng cũng chỉ đủ ăn” - ông Dìn ngậm ngùi nhớ về thời gian khó chưa bao xa...

 sat ngay bien gioi, tu lam thue, lao nong nguoi mong thanh “vua chuoi” hinh anh 1

Ông Thào Dìn kiểm tra chất lượng chuối trước khi bán cho thương lái.ảnh: Vinh Duy

Năm 2005, khi ông Dìn đã bước qua tuổi 40, gia sản vẫn chẳng có gì ngoài ngôi nhà xập xệ, không che nổi mưa, nắng. Nhìn 5 đứa con nheo nhóc, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mỗi cơn gió rét căm căm của vùng biên ải thổi qua, môi các con tím lại vì gió lạnh, lòng ông Dìn lại đau nhói. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông có quyết định táo bạo: Không trồng ngô, lúa nữa mà trồng chuối để xuất khẩu. Với suy nghĩ đó, nhiều người đã bảo ông Dìn “dở người" và cho rằng lúc đói không lo trồng ngô, sắn mà lại đi trồng chuối, ăn thay cơm sao được?”

“Nằm giáp biên giới,  người dân bên kia có cuộc sống ấm no, đất đồi của họ cũng như của mình nhưng họ không trồng ngô, lúa mà chuyển sang trồng chuối. Họ làm được tại sao mình không làm được? Cây chuối cho thu nhập cao hơn cây ngô, lúa thì mình sẽ có tiền để mua thóc, gạo, có tiền gửi tiết kiệm, không nhất thiết cứ phải trồng ngô mà cuộc sống vẫn nghèo” - ông Dìn lý giải nguyên nhân quyết định chuyển đổi cây trồng của mình khi ấy.

Nghĩ là làm, ông cất công sang bên kia biên giới làm thuê cho những chủ trang trại trồng chuối người Trung Quốc. Mang tiếng là đi làm thuê, nhưng thực chất là sang để học hỏi kinh nghiệm trồng chuối. Sau đó, ông Dìn trở về quê, vay tiền Ngân hàng Chính sách Xã hội, mua chuối giống trồng trên diện tích đất nương hơn 1ha của gia đình.

“Lúc đầu tôi bỏ ngô trồng chuối, cả bản đều nói tôi bị con ma nhập. Nhưng cây chuối tỏ ra rất hợp với khí hậu, chất đất ở đây, lớn nhanh, cho quả đẹp. Chỉ sau hơn 5 tháng trồng, chăm sóc, chuối tiêu đã cho thu hoạch. Hơn 1ha chuối thu hoạch đầu tiên đã cho gia đình tôi lãi gần 70 triệu đồng. Số tiền mà khi ấy tôi và nhiều bà con người Mông ở đây có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến nếu cứ trồng ngô, lúa như trước...” - ông Dìn nói thế.

Sau vụ chuối đầu tiên, ông Dìn quyết định mở rộng diện tích trồng chuối lên 2ha. Còn 1ha ông trồng dứa để phòng chuối mất mùa, mất giá. 2 cây trồng chính đó đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. “Cây dứa giá bán cao hơn, nhưng công chăm sóc cũng vất vả hơn, nhất là khi làm cỏ và thu hoạch. Vì mình chưa có vốn để mở rộng diện tích chuối, đành lấy ngắn nuôi dài, trồng thêm cả dứa để tích cóp vốn trồng chuối các năm tiếp theo” - ông Dìn lý giải.

Thuê thêm đất, mở đường thông thương

Đứng trên đồi cao nhìn xuống, những nương chuối của ông Dìn đang vào mùa thu hoạch với những cây lớn, xanh tốt, buồng chuối to, dài. Nhưng ít ai biết được đất trồng chuối này trước đây là những đồi cỏ cây lúp xúp, bạc màu sau nhiều năm người dân trồng ngô, lúa. “Đây không phải đất của tôi đâu, đất của các hộ trong bản đấy. Họ trồng ngô, lúa đất bạc màu không trồng nữa tôi thuê lại để trồng chuối” - ông Dìn nói.

 sat ngay bien gioi, tu lam thue, lao nong nguoi mong thanh “vua chuoi” hinh anh 2

 Hiện tại ông Dìn thuê 24 lao động thường xuyên, công việc chính là chăm sóc vườn chuối, thu hoạch, đóng gói trước khi xuất khẩu. ảnh: Vinh Duy

Ông Dìn chỉ tay vào con đường bị gặm nhấm bởi vết xe ôtô: “Trước đây khu đồi này làm gì có đường đi như thế này. Năm 2013, sau khi tôi thuê lại hơn 10ha đất đồi của bà con, tôi đã đầu tư làm đường để ôtô có thể đến tận nương chuối vận chuyển. Nếu chở bằng xe máy xuống đường chính, chuối hay bị giập, như thế bán chẳng được giá. Có đường ôtô đi, mình sơ chế, đóng gói chuối vào hộp ngay tại nương, dùng ôtô vận chuyển để xuất khẩu sang Trung Quốc, bán sẽ được giá hơn” - ông Dìn phân tích.

Để làm giàu, ông Dìn đã quyết định thuê  hơn 10ha đất của bà con để mở rộng diện tích cây chuối, trung bình 1ha đất mỗi năm ông phải trả trên 20 triệu đồng cho chủ đất. Có đất rồi, lại tập trung vào cải tạo đất với đủ các loại phân bón để cây chuối cho năng suất cao, quả đẹp. Theo ông Dìn thì 1ha đất thuê ban đầu, ông phải bỏ vài chục triệu đồng để đầu tư cải tạo, phân bón, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây chuối phát triển.

“Diện tích lớn thế này người trong nhà làm sao được nên tôi phải thuê thêm 24 lao động địa phương làm công ăn lương để chăm sóc vườn chuối, với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng” - ông Dìn cho hay. Để đầu tư 1ha chuối từ giống, phân bón, công chăm sóc đến lúc thu hoạch ông Dìn nhẩm tính khoảng gần 100 triệu đồng/ha. Theo cách nghĩ mộc mạc của ông Dìn thì trồng cây chuối, cũng như chăm sóc con lợn, gà nếu không chăm sóc tốt thì sẽ không cho năng suất cao. “Làm cái gì cũng phải đầu tư, chứ cứ trồng cây chuối xuống rồi để mặc cho nó sống thế nào thì sống thì làm sao cho năng suất cao, quả đẹp. Nhìn cây chuối phát triển mình phải biết nó thiếu loại phân nào để bón. Thấy chuối bị bệnh phải tìm hiểu cách chữa bệnh cho nó thì mới hiệu quả...” - ông Dìn thổ lộ.

Đã làm là phải say mê

“Cưỡi” chiếc xe Foturner trị giá gần 1 tỷ đồng đi thăm vườn chuối, ông Dìn vui vẻ kể: “Cách đây 10 năm, tôi có nằm mơ cũng không nghĩ đến có ngày mình lại mua được xe ô tô. Nhưng cây chuối đã cho gia đình tôi cơ hội đổi đời và cũng giúp hàng trăm hộ ở đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu”.

Từ ngày “bén duyên” với cây chuối, gia đình ông Dìn thoát khỏi cái "mác" hộ nghèo. Nói như ông Phàn Tả, người cùng thôn Cốc Phương thì ông Dìn quý vườn  chuối lắm: “Ông Dìn quý vườn chuối như con đấy anh ạ. Sáng sớm đã lên nương chuối, đến tối mịt mới về. Có ông Dìn, dân bản không lo cây chuối bị bệnh nữa vì hễ chuối bị bệnh là ông ấy lại tìm tòi các loại thuốc để chạy chữa, phòng trừ sâu bệnh. Không chỉ chữa bệnh cho chuối ở nương của nhà mình, ông ấy còn mách nước cho bà con cả bản cùng làm để cây chuối khỏe cho quả to” - ông Phà Tả tỏ lời.

Ông Dìn thì bảo: “Tôi phải mất mấy năm tìm hiểu các loại bệnh thường gặp trên cây chuối, nhiều đêm tôi xách đèn ra vườn thăm từng gốc chuối đấy. Bây giờ, tôi chỉ cần nhìn biểu hiện trên lá đoán được bệnh để chăm sóc, chữa trị”. Trung bình 1ha chuối, mỗi năm ông Dìn phải đầu tư trên 40 triệu đồng tiền phân bón, tiền công chăm sóc. Để chuối có mẫu mã đẹp, khi chuối ra buồng được gần 1 tháng, thì ông Dìn đầu tư túi nylon để bọc quả, tránh sâu bệnh hại, tránh sương muối, nắng táp làm xấu mã...

 Hiện tại ông Dìn đang có 17ha chuối, cho lãi hơn 1 tỷ đồng. Do biết cách chăm sóc, sản phẩm chuối của ông tạo được uy tín đối với bạn hàng. Bây giờ, tư thương lên tận nương chuối của ông để thu mua, đóng gói xuất khẩu. “Chuối nhà tôi không đủ để bán, có đến đâu là tư thương đến mua hết đến đấy, đóng gói, hút chân không ngay tại nương...” - ông Dìn chia sẻ. /.

Theo Vinh Duy/Báo Dân Việt.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại859,158
  • Tổng lượt truy cập93,236,822
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây