Kiếm tiền trên đất cằn
Băng qua nhiều cung đường đèo nguy hiểm, chúng tôi cũng kịp có mặt nơi “cổng trời” Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum khi trời vừa xế tà. Đúng 17h30, trước mặt chúng tôi từng đoàn người vác chiếc cuốc trên vai đi xuống núi.
“Đi làm cỏ cho rẫy sâm đấy anh, mọi người ở đây cũng chỉ biết trồng sâm thôi. Trước đây, cực khổ lắm gạo cũng không đủ ăn, thử nghiệm đủ các loại cây mà đất đai xấu lại thêm thời tiết lạnh quá nên không phát triển được. Từ khi có sâm dây, nhà nào nhà nấy phất hẳn lên, trước đây chẳng ai có tivi cả, giờ thì xe máy lẫn tivi là chuyện nhỏ rồi...”, anh A Rốc vừa cười, vừa nói.
Những bụi sâm dây tươi tốt đang lan trên những lớp đắt cằn
Được biết, Tu Mơ Rông là huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum. Nơi đây có đến 11 xã đặc biệt khó khăn, trong đó xã Măng Ri được người dân còn ví von như “cổng trời” Tây Nguyên. Khi cuộc sống sinh hoạt của người dân chỉ gắn với những tập tục săn bắt, hái lượm, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên Tu Mơ Rông lại được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm đương quy, ngũ vị tử..
Loại sâm chỉ cần thả giống xuống đất và làm cỏ rồi thu hoạch chứ không cần phun thuốc hay bón phân...
Tận dụng những ưu điểm của thiên nhiên mang lại, huyện Tu Mơ Rông có chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, sâm ngọc linh, sâm dây, sâm đương quy...Đây là những loại cây chủ lực, cũng là hướng thoát nghèo cho nông dân. Theo đó, cho đến nay nhiều hộ gia đình đã ổn định kinh tế nhờ “thả” sâm trên đất cằn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Bấm (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) chia sẻ: “Nhà mình trồng khoảng 2 sào sâm dây, với gần 5.000 gốc và trồng thêm 400 gốc sâm đương quy. Trước đây, không biết trồng cây gì nên cứ gieo đại ngô và mì nhưng cũng không ăn thua. Từ khi huyện ra chủ trương phát triển mạnh cây dược liệu nên mình chuyển tất cả diện tích qua trồng sâm luôn. Cũng nhờ trồng sâm mà mỗi năm thu nhập cũng ngót nghét cả trăm triệu rồi, làm mì với bắp biết bao giờ mới đủ ăn. Tết nhất cũng có đồng ra đồng vào để tiêu pha nữa...”.
Từng mắt của cây sâm lan rộng và cắm xuống đất tạo củ
Trăn trở về đầu ra
Theo ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, diện tích cây sâm dây hiện tại của xã là hơn 10ha. Điểm đặc biệt của loại sâm dây này là mùi thơm hơn các loại sâm khác và có vị ngọt. Từ khi triển khai, áp dụng mô hình trồng sâm tỉ lệ hộ nghèo đã giảm hẳn từ 75% xuống còn 41%. Hiện tại thì xã đã khoanh vùng trồng sâm dây cho bà con và sắp tới sẽ nhân rộng giống sâm này. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho sâm dây để bà con nông dân có thể yên tâm hơn.
Những củ sâm dây có tuổi đời 1 năm tuổi
Cũng theo ông Thành, bên cạnh sâm dây từ năm 2013 xã đã thực hiện liên kết, công ty đầu tư giống, cấp giống bà con bỏ công chăm sóc. Theo đó, công ty sẽ thuê người nông dân theo công và trả lương theo tháng từ 3-3,5 triệu/tháng. Ngoài ra, mỗi công nhân 1 năm sẽ được tặng thêm 100 gốc sâm ngọc linh.
Sau khi đào về, sâm phải được phơi thật khô
Theo tìm hiểu của PV, giá sâm dây hiện tại là 400-500.000 đồng/kg, sâm đương quy là 40.000/kg và sâm ngọc linh có giá từ 40 -100 triệu/kg. Điều đặc biệt, sâm dây phát triển khá mạnh chỉ cần thả giống xuống đất, dù là đất cằn, sỏi đá vẫn phát triển và lây lan khá nhanh. Thậm chí không cần bón phân hay tưới nước sâm dây vẫn phát triển mạnh cho củ khá to, phù hợp với hình thức canh tác của bà con đồng bào.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Vương Văn Mười – Phó chủ tịch huyện Tu Mơ Rông cho hay, diện tích sâm dây của huyện hiện tại là 30 ha. Dự án trồng sâm bước đầu đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ mở rộng, quy hoạch thêm 25 ha sâm dây.
Sâm đương quy dù không được giá nhưng vẫn hơn so với trồng ngô, mì...
“Đối với cây sâm ngọc linh, tỉnh và huyện đã có quy hoạch và phát triển. Tuy nhiên hiện tại còn gặp một số khó khăn. Nông dân vẫn chưa có kinh nghiệm trồng sâm, tỷ lệ sống chỉ 70-80%, sinh trưởng kém. Còn sâm đương quy dù giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhưng vẫn lời gấp 10 lần bà con trồng mì. Bên cạnh đó trồng mì chi phí cao hơn, làm xấu đất và phát triển diện tích mì sẽ gây ra tình trạng phá rừng. Nên hiện tại, chúng tôi đang tìm thêm đầu ra, nâng giá sâm đương quy lên trên 40.000 đồng/kg. Đồng thời tìm nhà máy sơ chế cây dược liệu để đầu ra của các loại sâm được ổn định hơn”, ông Mười cho biết thêm.
Một số hộ dân trồng thêm cả sâm ngọc linh
Theo Trần Hiền/Báo Dân Việt.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;