Ông Lầu Sây Phu (thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), một nông dân “đại gia” nổi danh với nhiều sáng kiến trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế đã trở thành nông dân đầu tiên tại Đắk Nông có yến sào để bán. Câu chuyện của ông khiến nhiều người kinh ngạc. Vì đối với người dân Tây Nguyên, chim yến là một loài chim biển, chỉ sống tại những nơi vách đá cheo leo dọc các tỉnh duyên hải miền Trung. Hơn nữa, thu nhập từ tổ yến của ông cũng rất “khủng”, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đánh cược với chim trời
Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi chim yến, ông Phu cho biết cách đây 6 năm, ông được một người bạn có thâm niên trong nghề này truyền nghề. “Tôi đến thăm nhà người bạn ở Đồng Nai thấy khá giả quá. Hỏi bạn làm nghề gì mà được vầy thì bạn trả lời là nhờ… chim trời. Thấy hiệu quả kinh tế cao tôi cũng muốn nuôi thử nhưng nghĩ rằng trên Tây Nguyên chắc không nuôi được. Đem chuyện đó chia sẻ với bạn thì được trấn an rằng Tây Nguyên nuôi được vì chim yến bay xa lắm và những nơi ít người nuôi thì dễ dụ yến về”, ông Phu nhớ lại cơ duyên đến với nghề nuôi yến cách đây hơn 6 năm trước.
Sau khi bàn tính kỹ, hai người mới khăn gói lên Đắk Nông với hành trang không thể thiếu là dàn âm thanh và các thiết bị để khảo sát, dụ chim yến về. Rất may, dàn âm thanh vừa lắp đặt và phát tiếng chim yến được vài ngày thì đã có nhiều cặp chim yến bay về.
“Sau khi lắp đặt giàn âm thanh trong rẫy, tôi ở luôn trong đó để chờ, một phần cũng sợ… mất hoặc máy móc hư hỏng, nhưng chủ yếu là nằm đó để coi tình hình thế nào. Thấy mấy con chim giống như chim nhạn bay ngang thì bạn tui hét lên sung sướng là ở đây có chim yến. Nghe vậy tui mừng lắm vì tin tưởng bạn chứ thật ra mình đâu biết chim yến hình thù ra sao”- ông Phu kể.
Cũng theo lời ông Phu, mấy ngày sau ông với người bạn lên kế hoạch về việc xây dựng nhà nuôi yến. Nhờ người bạn giàu kinh nghiệm lại thành công với nghề này nên mọi thứ được lên kế hoạch rất nhanh và kỹ lưỡng. Ông Phu cũng dễ dàng thuyết phục vợ bỏ ra gần 400 triệu đồng để đầu tư. Một số tiền lớn so với thời điểm cách đây 6 năm, nhất là lại đầu tư vào một khu vực rẫy còn nhiều hoang sơ, đường sá khó khăn của gia đình ông.
Ngôi nhà dụ chim yến của ông Phu có diện tích gần 100 m2 với chiều cao gần 15 m. Bên trong được thiết kế mô phỏng vách đá tự nhiên để chim yến dễ trú ngụ, làm tổ. Ông cũng trang bị một hệ thống phun sương để tạo độ ẩm. Và đặc biệt là hệ thống âm thanh phát tiếng chim yến khắp thung lũng để mời gọi đàn yến về đây trú ngụ.
Xây xong ngôi nhà thì mới thấy ngổn ngang trăm mối. Lúc đặt âm thanh khảo sát thử thì thấy chim yến liền, nhưng nhà xây lên nhiều tuần liền mà không thấy bóng chim đâu cả. Chỉ vài tuần mà mình thấy dài như vài tháng, từ sáng tới chiều tối cứ ngóng trên trời mong sao chim về. Tới lúc mất dần kiên nhẫn thì chim yến xuất hiện.
Thành quả nhờ “dám nghĩ dám làm”
Ông Phu kể khoảng 3, 4 tháng sau khi nhà yến được xây lên là loại chim này bắt đầu bay vào trú ngụ. Lúc đầu chỉ vài cặp rồi sau tăng dần lên vài chục, rồi cả trăm. Ban đầu chim chỉ bay vào trú ngụ chứ chưa làm tổ. Khoảng 5, 6 tháng chim mới bắt đầu làm tổ. “Mình sốt ruột dữ lắm nhưng chỉ biết đợi, đợi và… đợi. Gọi điện hỏi thăm bạn bè suốt tới mức tụi nó cũng sốt ruột, cũng bực mình. Mấy người bạn bảo phải kiên nhẫn chứ đâu phải ngày một ngày hai. Có người xây nhà yến cả chục năm còn chưa có chim vào, ông mới vài tháng mà sốt ruột gì”, ông Phu nhớ lại.
Khoảng hơn một năm kể từ khi nhà yến được xây xong thì chim bắt đầu làm tổ trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình ông Phu. “Mình bỏ tiền trăm triệu ra đầu tư, bạn bè nhiệt tình giúp đỡ cộng với nghiên cứu sách vở cuối cũng thành công”, ông Phu vui vẻ nói.
Hiện nay, nhà yến của ông Phu đã trở thành điểm hẹn của đàn chim yến giữa đại ngàn Tây Nguyên. Hàng ngày, nhất là khoảng 5,6 giờ tối, hàng trăm, hàng nghìn cặp yến bay khắp thung lũng để về tổ. Ông Phu cho công việc nuôi chim yến hết sức đơn giản. Theo đó, người nuôi yến không phải mất thời gian, công sức bỏ ra để chăm nom, cho ăn, cho uống như các loại gia súc gia cầm khác.
Ngoài chi phí bỏ ra ban đầu để xây dựng chuồng trại thì hàng tháng người nuôi yến chỉ mất thêm tiền thắp bóng điện, máy phun sương, loa đài… Miễn sao nơi đây vẫn là chỗ cư ngụ của chim yến thì thu nhập từ nghề này là vĩnh viễn. Hiện mỗi năm gia đình ông thu về hơn 10 kg yến sào, với mức giá từ 20 – 40 triệu đồng/kg tùy thời điểm, mỗi năm thu nhập từ tổ yến trên dưới 300 triệu đồng, trong khi chỉ mất vài triệu tiền điện, công gỡ tổ, nhặt lông yến…
Sau 6 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, ông Phu nhận định, chim yến có thể sống và sinh sản rất tốt ở vùng đất Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ngoài môi trường trong lành thì đây cũng là nơi có nhiều thức ăn mà loài chim này không phải lo cạnh tranh như ở vùng biển. Vì vậy, chỉ cần xây dựng mô hình nuôi chim yến có quy mô nhỏ và thu hút đước yến về ở thì người nuôi dễ dàng có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ suy nghĩ và hạnh động táo bạo, dám nghĩ dám làm, giờ đây ông Phu và gia đình đang được hưởng thành quả là thu nhập cao và ổn định hằng năm. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi yến trên cao nguyên với những nông dân khác muốn làm giàu bằng “chim biển”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;