Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Những ngày này, các chị em tham gia mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở xóm Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục đang bận rộn thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên. Ðây là một trong những mô hình điểm trồng dưa lưới trong nhà kính đầu tiên của huyện Bình Lục thực hiện liên kết tổ chức sản xuất với Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương. Mô hình được đầu tư xây dựng từ tháng 5-2018 với khu nhà kính, nhà sơ chế, hệ thống bể lọc... đến thời điểm này đã có hơn 1.000 gốc dưa lưới được trồng trong nhà kính cho lứa quả đầu tiên, đạt trọng lượng hơn 1kg/quả. Theo ký kết thỏa thuận, số dưa lưới sau khi thu hoạch sẽ được Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương bao tiêu đầu ra. Kết quả của mô hình điểm này sẽ là tiền đề để xã Bình Nghĩa và huyện Bình Lục tiếp tục nhân rộng.
Là địa phương được huyện Duy Tiên chọn xây dựng mô hình tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đến nay xã Trác Văn xây dựng được khu sản xuất rộng hơn 6 ha với hàng chục hộ tham gia sản xuất. Ban đầu vùng rau hữu cơ tại Trác Văn được triển khai thí điểm trên quy mô sản xuất hơn 1 ha đất, với 21 xã viên tham gia, nhờ hoạt động hiệu quả, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xây dựng được thương hiệu. Hiện toàn bộ sản lượng rau sạch, rau hữu cơ của nông dân trong vùng sản xuất của xã Trác Văn đã được các doanh nghiệp tại Hà Nội ký hợp đồng bao tiêu theo giá thị trường. Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Trác Văn cho biết: Lúc đầu người dân còn băn khoăn, lo lắng vì chưa biết hiệu quả thế nào, sản phẩm được bán đi đâu. Nhưng hiện sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ đúng với giá cam kết đã ký với doanh nghiệp, các thành viên tham gia có thu nhập ổn định. Bên những luống rau cải đang mùa cho thu hoạch, bà Lã Thị Yển, thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn chia sẻ: Gia đình góp đất và trồng rau hữu cơ đã bốn năm rồi. Ðầu ra của sản phẩm tương đối ổn định nhờ ký kết với doanh nghiệp, đây là hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập và yên tâm sản xuất. Theo ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, từ hiệu quả của HTX sản xuất rau hữu cơ xã Trác Văn, năm 2017, huyện Duy Tiên chỉ đạo nhân rộng trong toàn huyện với chủ trương mỗi xã tích tụ ít nhất 10 ha đất để trồng rau, củ, quả sạch, rau hữu cơ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, huyện cũng huy động sự chung tay, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ việc đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm rau an toàn, hiệu quả của mô hình góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng sản lượng nông sản hàng hóa, chất lượng cao, quy mô lớn là mục tiêu mà huyện Lý Nhân hướng tới. Tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân đã tích tụ được 118,37 ha và giao lại cho Công ty cổ phần và phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam. Sau khi được giao đất, công ty đã tập trung cải tạo chất đất, hạ tầng điện, đường giao thông và hệ thống tiêu thoát nước, đầu tư xây dựng khu nhà kính rộng 8 ha để trồng dưa vân lưới cao cấp. Năm 2017, công ty đã trồng được 2 vụ dưa cho năng suất trung bình từ 8 đến 10 tấn/sào/vụ. Còn lại diện tích ngoài trời được công ty tận dụng sản xuất hạt giống ngô nếp lai HN88, rau củ quả các loại, cung cấp cho các siêu thị trong vùng. Tại khu công nghệ cao các xã Xuân Khê và Nhân Bình, huyện Lý Nhân, Công ty VinEco đầu tư xây dựng khu nhà kính sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao rộng 5 ha; 112,8 ha khu nhà màn sản xuất các loại rau ăn lá và 100 ha khu ngoài trời trồng rau, củ, quả theo mùa vụ.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt là ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực, mở rộng sản xuất lúa hàng hóa. Tỉnh Hà Nam chú trọng nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nam hiện có 46 xã xây dựng được 55 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 578 ha của 1.885 hộ tham gia sản xuất lúa, rau, củ, quả tham gia chuỗi nông sản hàng hóa an toàn. Tỉnh hiện có 20 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản an toàn được mở tại các trung tâm huyện, thành phố. Chương trình liên kết với doanh nghiệp được đẩy mạnh, như Công ty VinEco đã tổ chức khảo sát 40 hợp tác xã, nhóm hộ, hộ nông dân và đã ký hợp đồng liên kết được với 24 trong số 40 hộ dân. Hiện đã có 5 trong số 24 hộ, cơ sở sản xuất nông sản sạch đưa 76,6 tấn sản phẩm nông nghiệp sạch lên kệ tại hệ thống siêu thị Vinmart, giá bán tăng từ 15 đến 25% so với giá bán tại địa phương. Công ty Vinassed hằng tháng cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart từ 120 đến 150 tấn gạo chất lượng cao. Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu sản suất ngoài trời đạt 1.200 triệu đồng/ha/năm, khu trong nhà kính đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm.
Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hà Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn về đầu tư, từng bước nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Ðến nay, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha. Các hộ dân có đất nông nghiệp trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ký hợp đồng cho thuê 375,68 ha, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường. Mục tiêu của tỉnh Hà Nam là hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp sẽ xây dựng những vùng sản xuất theo chuỗi để liên kết cùng nông dân.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đồng hành với người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh khi thực hiện việc tích tụ và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Trước hết, cần có các giải pháp cụ thể, đó là tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, chấp hành nghiêm. Tỉnh đang đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đi vào sản xuất để trở thành hạt nhân, vùng lõi dẫn dắt các hộ dân chung quanh phát triển. Mục tiêu năm 2018, bình quân mỗi xã sẽ tích tụ ít nhất 10 ha trở lên, sản xuất nông sản sạch tham gia chuỗi giá trị, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp có thương hiệu.
Theo Đào Phương/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;