Chúng tôi theo chân anh Lễ đi trên những động cát nhưng lại đi dưới tán của những cánh rừng xanh ngắt đang rì rào đón gió. Câu chuyện với anh đưa chúng tôi quay lại với cái thời chưa xa của mênh mông đồi cát trắng đến nhức mắt mà quanh năm đói nghèo đeo đẳng người dân quê anh.
Năm 1983, anh Lễ xuất ngũ trở về quê nghèo Hải Ninh, nơi dân đi biển quanh năm đau đáu niềm mơ ước đủ ăn. Gia đình anh ngày đó thuộc diện nghèo nhất làng, cả nhà 9 miệng ăn, nhiều lúc đói quay quắt, ăn khoai ăn sắn cũng không đủ. Nhìn thanh niên trai tráng trong làng bỏ quê vào Nam, anh Lễ băn khoăn: Nếu mình ra phố thị với hai bàn tay trắng, không bằng cấp, không ngành nghề, không “đồng cắc”, thì làm công nhân may lắm cũng chỉ đủ ăn, cóp nhặt được đồng nào thì tàu xe về quê là hết? Nghĩ vậy, anh quyết định trụ lại với quê hương.
Thế nhưng khi anh Lễ xin nhận đất cát ở xã để làm ăn, nhiều người không ngần ngại tặng anh danh hiệu… “thằng hâm”! Trong tiềm thức người dân nơi đây, những động cát trắng lóa đến nhức mắt kia chỉ dụng được 2 việc: Bỏ hoang và chôn người chết. “Nói tôi bạo gan thì có, chứ “hâm” thì tui không nhận. Trước khi có ý định lập trang trại, tui đi một mạch ra Thanh Hóa, vô Bình Thuận coi bà con sống trên cát như thế nào rồi về, đi bộ hết 120km bờ biển Quảng Bình, đào cát lên mới biết dưới cát là nước. Có nước thì trồng cây được, lập trang trại được” - anh Lễ nói.
Chị Nguyễn Thị Hạnh nghe chồng nói vậy cũng chia sẻ: “Ngày đó tui cũng nghi ngờ lắm. Nghe anh ấy nói ý định nhận đất cát hoang để trồng cây rừng, làm trang trại, tui tin chồng nhưng cũng lo lắm. Lo vì nếu lỡ thất bại thì mang tiếng “hâm” cả đời. Tiền bạc bỏ ra cũng không phải ít. Tất cả vốn liếng của hai vợ chồng, thế chấp 5 cái “thẻ đỏ” (sổ đỏ) của anh em nữa, tất cả đều đổ vào cát cả. Nhưng việc khó phải thuận vợ thuận chồng, anh quyết, tui cũng ủng hộ”.
Thế rồi, năm 1995, hai vợ chồng anh Lễ nhận 250ha đất cát trắng và bắt đầu trồng rừng. Anh Lễ cho biết, thời điểm đó tại khu vực trang trại của vợ chồng anh có một lâm trường trồng và bảo vệ rừng trên cát. Hằng năm, cố gắng lắm họ cũng chỉ ươm được hơn 3 vạn cây giống. Vậy mà lúc đó, vợ chồng anh “đánh liều” nhận ươm tới gần 60 vạn cây giống. Cuối vụ, nhiều chuyên gia, lãnh đạo huyện, xã đến thăm, thấy tỷ lệ sống của vườn cây giống của Lễ đạt trên 80% (cao gần gấp đôi vườn ươm của một lâm trường), thì rất ngạc nhiên.
Bí quyết của anh Lễ, chị Hạnh là chọn những hạt giống cây phi lao cổ thụ có chất lượng tốt; đào giếng và đầu tư mua máy bơm công suất cao để tưới nước thường xuyên, thay vì phải đi xa hàng chục cây số gánh nước về tưới như công nhân lâm trường. Ươm cây giống thành công, anh chị lại bắt tay vào trồng rừng, với mục đích là phải phủ xanh sa mạc cát. Trước hết phải chống lại nạn cát bay, cát nhảy rồi mới tính đến chuyện trồng cây gì, nuôi con gì. Để cây sống được trên cát nóng, vợ chồng Lễ và cộng sự phải đào hố thật sâu, đổ đất mùn vào hố và đợi đến ngày mưa mới trồng. Nhờ vậy tỷ lệ cây sống rất cao.
Trang trại tiền tỷ trên động cát
Nhiều năm quăng quật với cát, cuối cùng cây rừng cũng bắt đầu bén rễ và lên xanh phủ xanh 250ha “sa mạc”. Năm 2001, khi rừng khép tán, thảm thực vật dưới tán rừng càng mọc xanh tốt, vợ chồng anh Lễ bắt đầu đầu tư làm trang trại. Để lại cho lâm trường phần lớn diện tích rừng, anh Lễ và chị Hạnh chỉ giữ 50ha để tiện chăm sóc và phát triển. Lúc đầu làm trang trại, do thiếu vốn, vợ chồng anh cũng phải lấy ngắn nuôi dài, phát triển trồng cỏ, rau màu nuôi bò, dê, lợn và trồng nấm, đào ao thả cá...
Thời gian đầu, ngoài việc nuôi lợn, bò đàn để gia tăng thu nhập, lấy phân chuồng, chị Hạnh đi mua rơm rạ sau mỗi mùa vụ để trồng nấm. Thời điểm đó, mỗi năm, gia đình chị bỏ ra khoảng 50 triệu đồng mua rơm khô để sản xuất các loại nấm, dự trữ thức ăn cho đàn bò vào mùa giá rét, đồng thời cung cấp nguồn phân bón dồi dào cho cây, vì thế rừng và cây cối ở trang trại xanh tốt quanh năm. Bù lại, mỗi tháng gia đình anh bán ra thị trường hơn 3 tấn nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ thu về hàng chục triệu đồng…
Để cây sống và thành rừng trên sa mạc, vợ chồng anh Lễ chọn cây keo lai trồng xen với phi lao, bởi hai loại cây này cộng hưởng nhau để lấy nước và giữ nước tốt trên đất cát. |
Hiện, trang trại đang có khoảng 40 con bò, hàng trăm con lợn, trên 300 con gia cầm, 500m2 giun quế, gần 2ha ao hồ nuôi cá nước ngọt, khoảng 1.000m2 đất nuôi kỳ nhông… Bình quân mỗi năm, tổng doanh thu từ trang trại của anh chị đạt gần 2 tỷ đồng, lãi ròng hàng trăm triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nghèo ở địa phương.
Mở hướng thoát nghèo cho nhiều người
Thành công của anh Lễ - chị Hạnh đã mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng cát ở xã Hải Ninh. Ông Mai Văn Buôi - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, nếu năm 1994, Hải Ninh chỉ có dưới 1.000ha rừng trên cát, thì đến nay hàng trăm hộ trong xã đã theo gương vợ chồng anh Lễ tham gia phủ xanh hơn 2.000ha vùng cát ven biển. “Hiện vẫn còn 1.500ha đất trống do lâm trường quản lý. Nếu được phép, bà con có nguyện vọng tiếp tục tham gia các chương trình trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế bền vững” – ông Buôi nói.
Từ thành công của trang trại vợ chồng anh Lễ, hàng chục thanh niên Hải Ninh trước đây bỏ vào các tỉnh phía Nam kiếm sống, nay kéo nhau về làng nhờ anh hướng dẫn cách lập nghiệp. Tới nay ở 2 xã lân cận là Hải Ninh và Gia Ninh đã mọc lên nhiều trang trại trên cát. “Nhờ vợ chồng anh Lễ đi tiên phong mà vợ chồng tui cũng học tập, làm theo và đã thành công với mô hình trang trại trên cát. Hiện trang trại của gia đình tui có doanh thu gần 2,4 tỷ đồng/năm” – anh Đỗ Văn Tùng - chủ một trang trại chia sẻ.
Theo danviet.vn