Điểm sáng hiếm hoi
Cuối năm 2017, Quang Thuận là xã thứ ba của huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) được công nhận xã nông thôn mới (NTM), và như vậy toàn tỉnh mới có tám xã đạt danh hiệu này. Quang Thuận là xã miền núi, đất rộng, người thưa. Diện tích đất tự nhiên khoảng 3.250 ha nhưng chỉ có 508 hộ dân, gồm bốn dân tộc Kinh, Tày, Nùng Dao, trong đó người Tày chiếm hơn 90%; có thôn chỉ có chín hộ dân. Địa hình đồi núi, thu nhập của bà con bấp bênh do chủ yếu từ nông nghiệp khiến chặng đường xây dựng NTM rất gian nan. Đồng chí Hà Thiêm Danh, Chủ tịch UBND xã cho biết, sáu năm trước, khi được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM, lợi thế của Quang Thuận là trục quốc lộ 3B chạy qua và có vùng cây ăn quả hơn 350 ha. Trong số 19 tiêu chí NTM, Quang Thuận xác định yếu tố đầu tiên cần đạt được là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con. Từ lợi thế vùng cam, quýt được trồng từ năm 2007, năm 2012, vùng cam, quýt Quang Thuận được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có 840 ha cây ăn quả, trong đó 750 ha cam, quýt. Thu nhập từ cam, quýt giúp bà con có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng NTM. Trong số 15 tỷ đồng xã huy động được để xây dựng NTM, bà con đóng góp 4,5 tỷ đồng. Nhiều công trình được xây dựng đồng bộ theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, như hệ thống kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa xã, 11 nhà văn hóa thôn, gần 15 km đường bê-tông…
Tại thôn Nà Thoi, đồng chí Triệu Thị Nga (người dân tộc Tày) Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Từ năm 2013, khi xã phát động phong trào xây dựng NTM, toàn thôn có 73 hộ tham gia công sức và đóng góp hai đợt tiền mặt 500 nghìn đồng/hộ/đợt. Bí thư Nga nói: “Cũng may là mấy năm nay, cam, quýt được giá cho nên bà con cũng có điều kiện đóng góp”. Nà Thoi giờ không còn tập trung trồng quýt nữa mà nhiều hộ dân bắt đầu chuyển dịch sang cam, một số hộ mạnh dạn thử nghiệm trồng thanh long, nhãn, ổi. Cạnh nhà Bí thư Chi bộ thôn là gia đình anh Lưu Chấn Thụ. Căn nhà anh Thụ vừa được xây dựng lại khang trang ngay ngã ba đường. Anh Thụ có hơn 3 ha cam, quýt, năm 2017 thu được 300 triệu đồng, năm nay được giá cho nên thu hơn 500 triệu đồng. Có tiền, anh mở thêm quán nước giải khát, làm dịch vụ bán cây giống. Chị Triệu Thị Thành, vợ anh Thụ bảo: “Được công nhận là xã NTM, bà con chúng tôi cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh và làm kinh tế hơn. Trước kia, nơi đây chỉ trồng lúa, ngô và rừng thì nay bà con cố gắng trồng những cây cho thu nhập cao hơn như cam, quýt, ổi”.
Mặc dù được công nhận xã NTM, song đội ngũ lãnh đạo của Quang Thuận vẫn có nhiều âu lo, vì 80% thu nhập của bà con là từ cam, quýt, vẫn hết sức bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường. Lãnh đạo xã, hợp tác xã đã cố gắng liên hệ một số công ty, siêu thị để khép kín quá trình sản xuất, tiêu thụ cam, quýt ổn định nhưng chưa thành công.
Xã Nam Tuấn là xã vùng 2, nằm ở phía bắc huyện Hòa An, được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn xây dựng xã NTM từ năm 2011. Đồng chí Hoàng Văn Tùy, Chủ tịch UBND xã cho biết, bắt tay vào xây dựng NTM, xã xác định cây thuốc lá là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. “Năm 2011, chúng tôi có 350 ha thuốc lá, đến năm 2015 đã tăng lên 445 ha và được duy trì cho đến nay; trong đó có 200 ha thuốc lá chất lượng cao, tổng sản lượng hơn 1.100 tấn lá thuốc lá/năm, được bao tiêu sản phẩm ổn định, mỗi năm toàn xã thu từ cây thuốc lá khoảng 50 tỷ đồng. Sau vụ thuốc lá, bà con cấy một vụ lúa, nâng hệ số quay vòng của đất đạt 1,8 lần, đưa giá trị bình quân mỗi ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 105 triệu đồng, thu nhập bình quân của bà con từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 2011) tăng lên 26,5 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Thu nhập tăng cho nên bà con có điều kiện đóng góp xây dựng NTM. Sau sáu năm triển khai, toàn xã huy động được gần 88 tỷ đồng, trong đó bà con đóng góp gần tám tỷ đồng”, Chủ tịch Hoàng Văn Tùy nói.
Nhờ huy động tốt nguồn lực, sáu năm qua, Nam Tuấn đã nhựa hóa hai tuyến trục đường xã dài 7,8 km, cứng hóa 25,25 km đường trục thôn, 32 km đường ngõ xóm và 6,8 km đường nội đồng. Toàn bộ 23 xóm của xã có nhà văn hóa, 22 xóm xây dựng cổng làng, 94% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Chủ tịch Hoàng Văn Tùy cho biết: “Khi được tỉnh lựa chọn để xây dựng xã NTM, xã mới đáp ứng được 8/19 tiêu chí. Chúng tôi chọn các hạng mục dễ đầu tư trước, chú trọng nâng cao thu nhập của bà con, cho nên sau bảy năm xã đã về đích. Chậm hai năm so với kế hoạch nhưng vững chắc hơn vì thu nhập bà con ổn định, nhận thức, ý thức xã NTM được nâng cao”. Dọc theo các con đường bê-tông chạy xuyên 23 trục xóm, cứ vài trăm mét, chúng tôi lại thấy những trụ xử lý rác thải nằm ngay rìa đường. Toàn xã được đầu tư 235 triệu đồng xây dựng 145 điểm xử lý rác thải. Người dân tự giác thu gom và đốt tại chỗ. Chị Đàm Thị Ngân ở xóm Bó Báng đang gom rác dọc đường để đốt cho biết, xóm có 40 hộ thì có chín điểm đốt rác. Điểm đốt rác cạnh nhà chị Ngân có năm nhà sử dụng chung, theo thỏa thuận bà con tự gom và đốt rác. Hỏi về thu nhập, chị Ngân cho biết, nhà có 4.500 m2 trồng thuốc lá, vụ này vừa thu hoạch được 40 triệu đồng; vụ sau sẽ trồng lúa để có gạo ăn quanh năm.
Những “dốc, đèo” phải vượt
Sau năm đến bảy năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay hai tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng đã có 19 xã đạt tất cả 19 tiêu chí NTM, song nhìn chung, do những khó khăn đặc thù, tiến độ xây dựng NTM ở hai tỉnh vẫn chậm và khó đạt mục tiêu đề ra. Nhiều xã đã đạt NTM nhưng mang tính khiên cưỡng, không vững chắc. Nguyên nhân chính vẫn là do chưa huy động được nhiều nguồn lực và việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa hiệu quả, thu nhập bà con thấp.
Bắc Cạn là tỉnh vùng cao, có hai huyện nằm trong số 61 huyện nghèo nhất cả nước, đời sống người dân ở những huyện nghèo còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015, Bắc Cạn có 22.706 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 29,4% số hộ của toàn tỉnh. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có chín xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 74 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí, bốn xã đạt dưới năm tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 8,7 tiêu chí. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 là 657,630 tỷ đồng. Theo dự kiến, đối với các xã nhóm I là xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã nghèo thuộc huyện nghèo 30a, toàn tỉnh hiện có 79 xã, được đầu tư bình quân từ 2,11 đến 10,54 tỷ đồng/xã. Con số đầu tư này chỉ là “muối bỏ bể”, thật khó để tạo bứt phá trong xây dựng hạ tầng và nâng cao thu nhập cho nông dân, nhất là ở địa bàn miền núi. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bắc Cạn Hà Kim Oanh đánh giá về mục tiêu phấn đấu có thêm tám xã đạt chuẩn NTM trong năm 2018 của tỉnh: “Nhìn chung, tiến độ khá chậm do Bắc Cạn đất rộng, người thưa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; trong khi nguồn lực từ Trung ương đầu tư xây dựng NTM cho toàn tỉnh còn hạn chế thì việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi (yếu tố quyết định để xây dựng NTM) lại chưa đạt hiệu quả cao, một phần vì người dân tộc thiểu số rất bảo thủ trong sản xuất. Năm 2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các xã trên địa bàn tỉnh triển khai đầu tư công trình hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp, hợp tác xã... còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, phần còn lại là đóng góp của người dân. Việc huy động sự đóng góp từ nhân dân tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao rất hạn chế”.
Tại Cao Bằng, theo đồng chí Nguyễn Công Doanh, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh huy động khoảng 316 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 255 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng, huy động từ người dân được hơn 31 tỷ đồng... Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 10 xã được công nhận NTM, có 38 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí, 115 xã đạt năm đến chín tiêu chí, 14 xã dưới năm tiêu chí. Năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm năm xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng và huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, năm 2018, tỉnh tập trung xây dựng và mở rộng các đề án phát triển vùng rau an toàn, phát triển kinh tế rừng gắn với trồng rừng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản cho các cây quýt, lê, mận, xoài...
Thực tế cho thấy, thực hiện chương trình xây dựng NTM, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân. Vì thế, để Bắc Cạn, Cao Bằng đạt các mục tiêu đề ra, bên cạnh các tiêu chí phụ thuộc kinh phí đầu tư xây dựng, các địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động sự vào cuộc của người dân, nhất là tiêu chí môi trường; chủ động vươn lên xóa nghèo, nâng cao thu nhập; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa... Đây là những tiêu chí không phụ thuộc nhiều về nguồn lực đầu tư, nhưng thực chất, lại chậm có chuyển biến đối với nhiều địa phương trong thời gian qua.
Theo Trung Ngọc- Bình Chương/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã