Học tập đạo đức HCM

Nguy cơ vỡ quy hoạch trồng cam

Chủ nhật - 17/06/2018 18:50
Việc trồng cam trong thời gian qua đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân và là cây chủ lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Thế nhưng, hiện nay việc trồng loại cây này đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ quy hoạch khi diện tích tăng lên theo từng năm, trong khi thị trường tiêu thụ lại không ổn định.

Người dân xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu hoạch cam muộn.

Sản lượng tăng, lợi nhuận giảm

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, theo định hướng đến năm 2020, cả nước sẽ có gần 90 nghìn ha cam, nhưng đến hết năm 2017, diện tích đã đạt hơn 90 nghìn ha, với sản lượng 772 nghìn tấn. Trong 5 năm (từ 2012 đến 2017), bình quân mỗi năm, sản lượng và diện tích trồng cam đều tăng từ 8 đến 16%. Một số địa phương có diện tích cam đang tăng cao so với quy hoạch, kế hoạch sản xuất đến năm 2020 là: Hà Giang tăng hơn 3.000 ha, Bắc Giang tăng hơn 1.200 ha, Hà Tĩnh tăng hơn 1.900 ha.

Tại tỉnh Tuyên Quang, theo thống kê năm 2012, trên địa bàn có 2.826 ha cam nhưng đến nay đã lên đến 8.821 ha, trong đó vùng cam tập trung là 7.557 ha, diện tích cho thu hoạch quả là 4.926 ha. Diện tích tăng dẫn đến sản lượng cam tăng đáng kể, từ hơn 21 nghìn tấn (năm 2012) đến nay đã đạt gần 60 nghìn tấn. Việc phát triển ồ ạt vùng cam hàng hóa đã phá vỡ quy hoạch, kéo theo nhiều hậu quả. Tính riêng huyện Hàm Yên, năm 2014, diện tích cam trên địa bàn chỉ có hơn 4.000 ha nay tăng lên hơn 7.000 ha, vượt hơn 2.000 ha so với quy hoạch. Điều này khiến sản lượng tăng vọt, trong khi chất lượng cam chưa đồng đều, năng suất không ổn định, cung vượt quá cầu,… Trong vụ sản xuất 2017-2018, giá bán cam sành Hàm Yên tại vườn chỉ dao động từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với vụ trước. Giá cam sành giảm mạnh, tiêu thụ chậm khiến không ít hộ trồng cam lao đao.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) Ma Văn Huy cho biết: Cam là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Hiện nay, xã có hơn 2.000 hộ dân, trong đó có hơn 1.700 hộ trồng cam với diện tích 2.400 ha, trong đó khoảng 2.000 ha cho thu hoạch. Vụ cam năm nay, tổng sản lượng thu hoạch trên địa bàn xã đạt khoảng 35 nghìn tấn. Thế nhưng, do giá bán xuống thấp nên thu nhập của người trồng cam giảm đi nhiều. Theo anh Ninh Văn Hòa, ở thôn Pá Han, xã Phù Lư, hiện nay gia đình có 7 ha cam cho thu hoạch. Những vụ trước, giá cam ổn định từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, mỗi năm thu về từ 700 triệu đến 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đến 400 triệu đồng. Nhưng vụ cam năm nay, giá cam giảm còn 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg khiến thu nhập chỉ còn hơn 400 triệu đồng. Số tiền này chỉ vừa đủ chi phí đầu tư, không có lãi. Chị Lương Thị Thảo, ở thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) cho biết, thời điểm thích hợp để thu hoạch cam khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Năm nay, giá cam thấp, tiêu thụ chậm cho nên gia đình chị đến gần cuối tháng 3 mới bắt đầu bán. Mặc dù thu hoạch muộn sẽ hại cây, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau nhưng phải chấp nhận để có thể bán với giá cao hơn, tránh lỗ vốn hoặc không có lãi như nhiều gia đình thu hoạch đúng thời điểm.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên), là người buôn bán cam sành lâu năm cho rằng, nguyên nhân khiến giá cam vụ vừa qua xuống thấp là do diện tích cho thu hoạch tăng cao, dù cam không được mùa nhưng vẫn bị xuống giá. Việc phát triển mạnh diện tích trồng cam ở các tỉnh như: Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình... cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên.

Cần tổ chức vùng sản xuất cam hàng hóa

Hiện nay, diện tích trồng cam và sản lượng đang tăng nhanh, nhưng thị trường tiêu thụ chính là trong nước. Cam được sử dụng chủ yếu là quả tươi, phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, giải khát; giá trị xuất khẩu lại không đáng kể. Mặc dù, năng suất cam ở nước ta những năm gần đây tăng liên tục, bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 70% so với thế giới và bằng 63% so với các nước khu vực Đông - Nam Á. Việc sản xuất hiện nay chủ yếu sử dụng các giống cam địa phương. Những loại này thường nhiều hạt, khó xuất khẩu; hay bị sâu, bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc. Tình trạng cam được trồng với mật độ dày; lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang diễn ra tại nhiều nơi làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm cam; công nghiệp chế biến sản phẩm từ cam chưa nhiều.

Nhằm hạn chế tình trạng phát triển “nóng” cây cam ở một số tỉnh, nhất là vùng không phù hợp, không trong quy hoạch, theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, các địa phương cần duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ, thông qua tuyên truyền cho người sản xuất và biện pháp quản lý trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh. Đối với diện tích trồng phân tán ở những vùng không phù hợp, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt; xây dựng cơ cấu giống cam rải vụ thu hoạch, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, chế biến; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người sản xuất nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng. Tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện tham gia hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết địa phương, vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm: Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Theo Hoàng Hùng - Hải Chung/Báo Nhân Dân.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập746
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại754,676
  • Tổng lượt truy cập93,132,340
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây