Để tạo nên cuộc cách mạng thực sự trên mặt trận nông nghiệp, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp với điểm nhấn quan trọng là Nghị quyết 202 của HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Từ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm rà soát quy hoạch, tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi mạnh cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với lợi thế các vùng, miền, nhu cầu thị trường; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm... Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng hơn 1.300 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, từ quy mô lớn đến sản xuất nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình, trong đó, nhiều cơ sở đã thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP và đưa một số sản phẩm có thương hiệu như thanh long ruột đỏ, ớt quả, chuối tiêu hồng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đến hết năm 2019 đạt trên 140 triệu đồng/ha, tăng khoảng 5,9% so với năm 2015.
Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn bởi thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường, diện tích gieo trồng cây hằng năm tiếp tục giảm, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ một số nông sản. Song nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức sản xuất của nông dân, nông nghiệp đã trở thành ngành duy nhất trong 3 ngành sản xuất của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng 2,85%. Nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 445 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; 122 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được chứng nhận VietGAP, HACCP, ISO, trong đó, 19 cơ sở sản xuất rau quả, 98 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, bò, thủy sản, 5 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến thịt. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn hoạt động ổn định và hiệu quả.
Để có kết quả này, năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành kinh phí hỗ trợ hơn 11.000 ha giống lúa chất lượng cao, 2.100 ha sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP và hơn 400 máy sản xuất nghiệp. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhân giống lợn ngoại, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò cho các hộ nông dân tại 57 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn; dành 35 tỷ đồng hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Cùng với triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô đỏ, ba kích tiếp tục được mở rộng. Qua đó, không chỉ góp phần đưa giá trị sản xuất năm 2020 của tỉnh đạt 145 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 65 triệu đồng/ha mà còn tạo đà quan trọng để ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế.
Nắm được xu thế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh dần xuất hiện những mô hình kinh tế nông nghiệp với phương thức sản xuất, kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở đó, những nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư hàng tỷ đồng để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.
Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2020 chuẩn bị được gỡ xuống, chúng tôi có dịp trở lại thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Phạm Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gia Bảo Cargo - một trong những nông dân tiên phong đầu tư hàng chục tỷ đồng chuyển đổi từ canh tác tự nhiên sang xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại theo công nghệ Israel để sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại tỉnh.
Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và áp dụng kỹ thuật tưới nước tự động, hệ thống làm mát và quạt gió hiện đại giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất gấp 3 - 4 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, trên diện tích 9.000m2 nhà kính, nhà lưới, trung bình mỗi năm anh Xuân thu lãi hàng tỷ đồng. Riêng năm 2019, với khoảng 10.000 gốc hoa ly, 5.000 lan tường và 600 cây dưa lưới anh thu lãi 2,5 tỷ đồng. Năm 2020, anh đầu tư xây dựng thêm hơn 5.000 m2 nhà kính ứng dụng công nghệ cao trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn và hơn 1.000 m2 trồng lan Hồ điệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ thu lãi cao vào dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Đến nay, sau gần 5 năm theo đuổi đam mê với nông nghiệp công nghệ cao, từ chỗ chỉ trồng thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh nông dân Phạm Văn Xuân đã trở thành ông chủ lớn không chỉ sở hữu trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở Vĩnh Phúc mà còn xây dựng thêm nhiều các mô hình nhà kính ứng dụng công nghệ cao ở một số địa phương như: Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Lạt, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Công ty của anh còn trở thành đầu mối thu gom rau, hoa, củ, quả sạch bảo đảm chất lượng tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Bắc và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nga. Bên cạnh đó, anh Xuân còn vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn có nhu cầu chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang trồng rau sạch theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sẵn sàng bảo đảm đầu ra ổn định để họ yên tâm sản xuất, góp phần cùng chính quyền địa phương dần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn.
Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học giúp gia đình chị Thúy thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm
Rời trang trại của anh Xuân, chúng tôi về xã Minh Quang, huyện Tam Đảo thăm mô hình nuôi lợn an toàn sinh học của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy - một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước mới được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Hơn 10 năm trước, chị Thúy đã mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định về xây dựng trang trại chăn nuôi lợn trong sự phản đối gay gắt của những người thân. Nhưng rồi, với sự ủng hộ của người chồng cùng niềm tin mãnh liệt “sẽ thành công” đã giúp chị vượt qua tất cả để trở thành bà chủ trang trại với mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại rộng chừng 4 ha đang nuôi hàng nghìn con lợn an toàn sinh học chuẩn bị xuất bán vào dịp Tết sắp tới, chị Thúy chia sẻ, năm 2009, dồn hết vốn liếng, của hồi môn của 2 vợ chồng mới mua được 10 con lợn nái, may mắn, ngay lứa đầu tiên đã có lãi khiến tôi càng có thêm động lực mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau khi bàn với chồng, tôi dùng tiền lãi bán lứa lợn đầu tiên và vay thêm ngân hàng quyết định mở rộng chuồng trại, cứ thế tăng số đầu lợn lên 50, 200, 500, 1.000 rồi trên 2.000 con cả lợn nái và thương phẩm, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng. Đang làm ăn ổn định, năm 2017, giá lợn lao dốc xuống đáy, có thời điểm chỉ 15.000 đồng/kg cộng thêm dịch lở mồm long móng, chi phí thức ăn cao khiến trang trại bị thua lỗ nặng, đã nhiều người khuyên vợ chồng tôi nên dẹp bỏ để chuyển sang làm nghề khác. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, sau khi cất công đi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi hiệu quả của các trang trại lớn trong và ngoài tỉnh, rồi tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, ti vi, nhận thấy áp dụng mô hình nuôi lợn an toàn sinh học sẽ bảo đảm an toàn cho vật nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tôi lại tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô lớn.
Nhờ nhanh nhạy chuyển hướng chăn nuôi áp dụng công nghệ mới, trang trại của chị Thúy đã xây dựng được 5 dãy chuồng xây dựng khép kín, bên trong lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn 24/24 giờ, cùng hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas đạt chuẩn. Định kỳ hằng tháng, đàn lợn thịt và lợn con đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine; sau mỗi đợt lợn xuất chuồng toàn bộ chuồng trại sẽ được phun khử trùng. Gia đình chị Thúy tiếp tục thu “trái ngọt” từ chăn nuôi lợn, nhất là từ năm 2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khắp nơi khiến nhiều hộ không kịp trở tay nhưng trang trại lợn của chị vẫn không bị ảnh hưởng. Vào thời điểm giá lợn lên cao kỷ lục, trong khi các trang trại xung quanh không còn lợn để bán, chị vẫn đều đặn xuất ra thị trường hơn 2.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống mỗi năm, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 5 - 6 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với mức lương trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Xuân, chị Thúy chỉ là 2 trong số những nông dân thời đại 4.0 đang từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm mới của họ đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu khắt khe của cơ chế thị trường. Ðây được xem là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song sự phát triển của nền nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và mới đạt ở mức trung bình khá. Trên thực tế, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường; công tác dồn thửa đổi ruộng còn nhiều khó khăn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến còn hạn chế… đã và đang là rào cản khiến nông nghiệp của tỉnh khó có thể phát triển với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.
Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội để nông sản “bay cao, vươn xa” nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Để tạo bước đột phá, thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng, thích ứng với quá trình hội nhập, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chỉ ra thời gian tới là: Tiếp tục đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hoá nông nghiệp, sản xuất hàng hoá gắn kết với tổ chức thị trường, chế biến và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống người dân vùng nông thôn.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề ra các giải pháp phù hợp hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, để đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,5%, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực nhằm chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo điều kiện cho xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển thêm các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Mục đích của phát triển nông nghiệp bền vững được xác định là kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; có tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao và vững chắc. Tin rằng, với những thành quả đạt được cùng các tiềm năng, lợi thế cũng như các giải pháp đồng bộ đã được hoạch định sẽ là nền tảng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Bích Phượng/vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã