“Treo ao” chờ giá
Những ngày này, có mặt tại các xã có truyền thống nuôi cá bổi, chúng tôi bắt gặp không khí hiu hắt ở đây vì nông dân không bán được cá. Nhiều nhà nông cho biết, hiện cá đã tới kỳ bán nhưng họ chưa dám thu hoạch vì giá ở mức quá thấp, không đủ chi phí thức ăn. Năm rồi, giá cá bổi loại 8 con/kg từ 50.000-52.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn từ 28.000-29.000 đồng/kg, còn so với năm 2013 giảm 30.000 đồng/kg.
Cá bổi trong ao của ông Thốm đã đến kỳ thu hoạch, đạt kích cỡ từ 7-8 con/kg những vẫn chưa bán được. Ảnh: C.L
Ông Lê Văn Chiến (ngụ ấp Phạm Kiệt, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) ngao ngán: “Vụ cá bổi năm nay tôi đầu tư nuôi 1 ao 500m2, đến nay cá đã đạt kích cỡ 7-8 con/kg, có thể thu hoạch được, nhưng vì giá quá thấp nên tôi vẫn đang chờ giá lên, hiện nay kiếm lái mua cũng rất khó. Còn nếu bán với giá hiện tại thì cầm chắc lỗ vài chục triệu đồng”.
Cùng cảnh, ông Lý Hữu Tuấn (ngụ cùng ấp Phạm Kiệt) cho hay: “Đến thời điểm này, tôi đã đầu tư vào 2 ao cá (1.200m2) khoảng 100 triệu đồng, nếu bây giờ thu hoạch thì sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng. Hiện cá đã tới lứa nhưng tôi vẫn để đó chờ giá, nhưng để càng lâu thì tiền thức ăn càng đội lên, cùng lắm là hơn nửa tháng nữa phải bán dứt điểm, dù lỗ vẫn phải bán”.
“Vụ cá bổi hằng năm là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân để chuẩn bị cho cái tết sung túc, còn năm nay coi như mất tết. Không chỉ riêng những hộ ở đây mà đây là tình hình chung cho cả vùng nuôi cá bổi” – ông Nguyễn Văn Thốm, một hộ nuôi cá bổi ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời than thở.
Bảo vệ nhãn hiệu tập thể
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến cá bổi mất giá là do thời gian gần đây các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích nuôi cá bổi, từ đó cạnh tranh với nguồn cá bổi thương phẩm của tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau cho rằng: Mấy năm gần đây, giá cá bổi đã có xu hướng giảm xuống, tuy hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế là diện tích nuôi đang giảm. Nguyên nhân chính của việc cá bổi thương phẩm giảm giá là do thị trường tiêu thụ khô cá bổi không mở rộng còn nguồn cung thì tiếp tục tăng. Hiện nay, ngoài tỉnh Cà Mau thì ở các tỉnh như: Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, TP.Cần Thơ đã có nuôi với số lượng lớn.
Trong khi đó, theo ông Võ Thành Tiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Cà Mau, gần đây UBND tỉnh đã đề nghị đánh giá lại việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, khảo sát lại tính hiệu quả của các sản phẩm thủy sản. Chi cục đang tổ chức đoàn đi thanh, kiểm tra, hiện đã khảo sát sản phẩm mắm cá lóc, tới đây sẽ thực hiện đối với sản phẩm cá khô bổi.
“Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra của nhãn hiệu khô cá bổi U Minh, đồng thời tổ chức sản xuất lại, hướng dẫn bà con nâng cao hiệu quả sản phẩm nhưng đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, vận động các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể khô cá bổi U Minh có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm” – ông Tiếm thông tin thêm.
Chúc Ly
theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;