Học tập đạo đức HCM

Chấm dứt nạn “đếm trứng tính tiền”

Thứ ba - 23/08/2016 20:12
Sau thời gian dài người chăn nuôi chịu đựng cảnh “một vỏ nhiều tròng” với 5 – 7 loại thuế, phí và các hình thức kiểm dịch kiểu “đếm trứng tính tiền”, tới thời điểm này, việc thu phí kiểm dịch trứng chính thức bị bãi bỏ.

Quy định này là nội dung chính trong Thông tư 25 của Bộ NNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, trứng gia cầm tươi và chế biến (gồm trứng bắc thảo, trứng muối, trứng lộn, trứng ăn liền…).

Nông dân đón tin vui

 cham dut nan “dem trung tinh tien” hinh anh 1

Công nhân đang kiểm tra chất lượng trứng gà lai chọi tại cơ sở ấp trứng của anh Nguyễn Đình Dừa ở huyện Gia Lộc (Hải Dương). Ảnh:Trần Quang

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trước bức xúc của các đại biểu Quốc hội về việc 1 con gà thịt phải chịu 14 loại phí kiểm dịch và việc thu phí kiểm dịch theo số quả trứng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Không hợp lý thì phải bỏ ngay.

 

Theo Thông tư 25, từ ngày 15.8, các sản phẩm trứng sẽ được miễn kiểm dịch. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan thú y không còn vai trò giám sát “đường đi nước bước” của trứng gia cầm trên thị trường. Việc kinh doanh trứng xem như sẽ trở về thời kỳ trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2003.

Tin vui này được bà con chăn nuôi đón nhận một cách háo hức. Trước đó, theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ lây lan dịch bệnh thông qua trứng gia cầm là không cao. Hơn nữa, tình hình dịch cúm cũng đã được kiểm soát tốt nhiều năm qua, nhưng quả trứng đã phải trải qua hơn 10 năm bị đưa vào diện kiểm soát chặt, phải kiểm dịch.

Vì phải kiểm dịch nên các chủ trại chăn nuôi muốn bán hàng phải qua tay các đầu nậu, các vựa trứng cấp 1, cấp 2… Đây là những người “có quan hệ” với nhân viên thú y các địa phương, biết chỗ lấy “giấy kiểm dịch” nhanh chóng! Đã thế, cũng như các mặt hàng nông nghiệp khác, trứng không thể để lâu sau khi thu hoạch, thế nên, việc ép giá, đòi chiết khấu cao… luôn xảy ra mà người chịu thiệt luôn là nông dân. Mức chênh lệch giá bán tại trại và giá bán ra thị trường có khi 40 – 45%.

Chưa hết, các tiểu thương bán trứng ở chợ cũng mừng ra mặt. Vì từ nay, họ có thể trực tiếp lấy “trứng cây” (tức trứng chưa đóng hộp) hoặc thu mua trực tiếp tại trang trại với giá rẻ hơn từ 300 – 400 đồng/quả so với sản phẩm của đại lý. Trước đây, ngày nào các tiểu thương bán trứng cũng “đau đầu” với cảnh lực lượng thú y đi kiểm dịch, đếm trứng thu tiền. Mỗi quả trứng, phí kiểm dịch phải đóng là 10 đồng.

Không phải bước “thụt lùi”

Theo Thông tư 25, Bộ NNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ NNPTNT ban hành, có hiệu lực từ ngày 15.8, các sản phẩm bao gồm: Trứng gia cầm tươi, trứng muối, trứng bắc thảo và các sản phẩm từ trứng sẽ miễn thủ tục kiểm dịch như hiện tại. Đối với trứng xuất khẩu, nếu có yêu cầu thì vẫn thực hiện kiểm dịch.

 

 

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, giấy kiểm dịch trứng gia cầm chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng nhiều trong việc đảm bảo an toàn cho sản phẩm trứng gia cầm. Việc phí chồng phí kiểm dịch cũng đã được phản ánh dày đặc trên các trang báo. Thế nhưng, khi Bộ NNPTNT bãi bỏ quy định kiểm dịch trứng gia cầm thì một số cán bộ thú y lại lo ngại mặt hàng này sẽ bị thả nổi, cho rằng đây là bước “thụt lùi trong quản lý”…

Theo ông Nguyễn Đình Minh – Phó Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NNPTNT), miễn kiểm dịch đối với trứng gia cầm là cần thiết và đúng đắn. “Miễn kiểm dịch đối với trứng gia cầm tươi và chế biến là việc làm cần thiết, tôi nghĩ rằng quan điểm của Bộ NNPTNT đã được thể hiện rất rõ ràng trong Thông tư 25. Miễn kiểm dịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sản xuất và người buôn bán. Trong cơ chế thị trường, chúng ta cần có nhiều nỗ lực để tinh giảm các thủ tục hành chính, các khâu kiểm tra không cần thiết nhằm thúc đẩy sự vận động mạnh mẽ tích cực của thị trường”- ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng, không thể nói rằng việc miễn kiểm dịch là bước thụt lùi của quản lý được, bởi vì hiện nay các trang trại gia cầm đang được mở rộng và phát triển theo hướng tập trung, hiện đại, chuyên nghiệp và cơ quan quản lý đã có rất nhiều khâu kiểm tra, kiểm dịch, từ trang trại nuôi có đạt chuẩn hay không, giống gia cầm có an toàn hay không. Bên cạnh đó chúng ta còn kiểm soát thường xuyên định kỳ. Chúng ta đang thực hiện kiểm soát từ gốc, nếu trang trại an toàn, giống vật nuôi an toàn thì dĩ nhiên sản phẩm cũng sẽ an toàn. Tôi nghĩ rằng miễn kiểm dịch đối với trứng gia cầm là cần thiết và đúng đắn”- ông Minh quả quyết.

Theo khảo sát của NTNN, trên thực tế, hầu hết các trại nuôi gà đẻ hiện đã được đầu tư quy mô lớn, hệ thống chuồng kín, gắn máy lạnh… Việc kiểm dịch thú y cũng thực hiện “tầng tầng lớp lớp” khi hộ chăn nuôi vừa mua con gà giống về chuồng, rồi tiêm phòng, rồi kiểm dịch thường xuyên cho tới khi xuất bán. Ngành nông nghiệp cũng quyết tâm thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Ông Nguyễn Ngọc Khoa- chủ trang trại gà đẻ trứng tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), cho rằng: “Bỏ kiểm dịch, thị trường mặt hàng này sẽ lành mạnh hơn vì giảm bớt được các khâu trung gian. Khi đó, người chăn nuôi được tham gia quyết định giá mặt hàng này chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào một số doanh nghiệp, đầu nậu lớn như trước”.

Còn ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai thì cho rằng, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ trứng gia cầm sẽ khó xảy ra khi dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát tốt. “Ngành thú y cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra về vệ sinh dịch tễ, nhất là khâu phòng và kiểm soát dịch bệnh tại các trại gà đẻ, kiểm soát quả trứng chặt chẽ hơn ngay từ các trại chăn nuôi để ngăn chặn rủi ro về dịch bệnh. Tuy nhiên, với các trại hoặc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì vẫn rất khó kiểm “- ông Quang nói.

Theo danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập831
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại748,788
  • Tổng lượt truy cập93,126,452
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây