Ông Nguyễn Văn Kiên ở thôn Đình Tràng phản ánh, chiều ngày 6/8/2012, cá trong hồ bắt đầu có dấu hiệu bị chết, nhưng chỉ đến trưa hôm sau, cá chết trắng mặt hồ, chủ yếu là trắm, mè, rô phi. Tiếc của, nhiều hộ đã ra hồ vớt cá mới chết lên bán với giá rẻ cho các hộ dân trong vùng làm thức ăn chăn nuôi. Ước tính, lượng cá chết lên đến 15 tấn, thiệt hại từ 300 – 400 triệu đồng. Ngày 7/8, ông Kiên đã làm đơn gửi các cấp, ngành chức năng tỉnh Hà Nam về tình trạng cá chết nhằm điều tra làm rõ nguyên nhân. Khi chúng tôi có mặt tại địa phương, gia đình ông Kiên và các hộ dân nhận thầu nuôi cá trong khu vực hồ Đình Tràng đang vớt cá chết đem đi chôn. Tuy nhiên, do lượng cá chết quá nhiều, các hộ vớt không xuể nên một phần cá chết bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối. Theo ông Kiên, từ khi Khu công nghiệp Đồng Văn đi vào hoạt động, toàn bộ lượng nước thải của khu công nghiệp đổ ra sông Châu Giang bằng kênh A48, kênh này lại chạy qua hồ Đình Tràng nên làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước trong hồ, khiến cá của gia đình ông cũng như các hộ cùng nhận thầu chết trắng. Ông Kiên cho biết, hồ Đình Tràng rộng khoảng 12ha, trước năm 2005, ông cùng một số hộ dân trong thôn đứng ra nhận thầu với UBND xã Lam Hạ để thả cá (Hợp đồng số 17/HDGK, ký ngày 01/02/2005, giữa UBND xã Lam Hạ và ông Nguyễn Văn Kiên - đại diện các hộ thầu), có hiệu lực từ ngày 01/02/2005 đến 25/01/2019, tổng giá trị hợp đồng là 24.750kg cá/15 năm, quy ra mỗi năm ông Kiên phải đóng cho UBND xã Lam Hạ 16,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thủy sản lại rằng: “Hồ Đình Tràng là một vị trí vỡ đê của sông Châu Giang, không phải là diện tích nuôi trồng thủy sản nên không có hợp đồng thuê khoán gì mà các hộ này chỉ tự phát nuôi. Vào năm 2000, sông Châu Giang có hiện tượng bị ô nhiễm, chúng tôi đã khuyến cáo các hộ thả cá trên sông không nên nuôi nữa. Đến năm 2007 – 2008, khi nước sông bị ô nhiễm nặng hơn thì bên ngoài sông không còn ai nuôi. Theo tôi nghĩ, cá chết ở hồ Đình Tràng là do sốc môi trường và do thời tiết thay đổi thất thường”. Ông Trịnh Xuân Lành, Phó chủ tịch UBND xã Lam Hạ cho biết: “Trước đây, nước hồ Đình Tràng rất sạch, người dân vẫn tắm rửa, sinh hoạt, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là từ khi Khu công nghiệp Đồng Văn đi vào hoạt động thì nước thải từ kênh A48 bắt đầu đổ vào hồ. Hiện, có khoảng 100 hộ dân sống gần hồ Đình Tràng đang bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối do cá chết. Hợp đồng thầu hồ giữa UBND xã với gia đình ông Kiên đến năm 2019 mới hết, nhưng nếu gia đình ông Kiên cảm thấy nguồn nước ô nhiễm, không thể nuôi được nữa thì vẫn có thể thanh lý hợp đồng. Chính quyền địa phương đã kiến nghị các ban ngành về tìm rõ nguyên nhân cá chết để có biện pháp khắc phục”. Hoàng Văn
| ||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã