Sinh ra trong một gia đình thuần nông xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), từ nhỏ anh Dũng đã giúp cha mẹ làm vườn trồng rau. Sau này lớn lên, anh Dũng lập gia đình vẫn kế tiếp vườn tược của gia đình, thế nhưng trong cái vòng luẩn quẩn “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, người nông dân này vẫn mãi nghèo đói.
Không thể để vợ con chịu khổ, anh Dũng quyết định tìm hướng đi mới mong thoát nghèo. Nghĩ là làm, anh tìm hiểu mô hình nuôi thỏ rồi chuyển từ trồng rau sang nuôi con vật này.
“Năm 2005, tôi quyết định bỏ trồng trọt chuyển qua nuôi thỏ để mong kinh tế gia đình khấm khá hơn. Lúc đấy thỏ ít người nuôi được và vốn đầu tư không quá lớn, có thể tận dụng được rau thải hay cỏ cây để chăn nuôi…”, anh Dũng chia sẻ.
Ban đầu, anh Dũng mua 60 con thỏ giống New Zealand về làm chuồng trại nuôi thử. Thế nhưng, kinh nghiệm chưa có nhiều, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi còn hạn chế, thỏ của anh Dũng liên tục bị bệnh rồi chết.
Anh Dũng kể, có lần anh học theo cách hướng dẫn trên mạng Internet, làm nệm lót sinh học để cho thỏ ở, nhưng vẫn thất bại, thỏ lại chết rất nhiều. Cảnh tượng hàng trăm con thỏ chết la liệt, ai cũng xót xa và anh đành phải đem tiêu hủy.
Thất bại ngay từ ban đầu, cộng thêm nhiều khó khăn về kinh tế nhưng không nản lòng, anh Dũng lại mày mò lên mạng Internet, rồi đi các trang trại thỏ tìm hiểu nguyên nhân sao thỏ chết và các kỹ thuật chăm sóc con vật.
Sau lần ấy, nhiều người can anh Dũng không nên tiếp tục nuôi thỏ khéo lỗ nặng, vác nợ vào người. Thế nhưng anh Dũng vẫn không nản lòng, kiên trì học hỏi, quyết tìm hiểu về cách nuôi con thỏ bằng được.
Cuối cùng, ông trời không phụ lòng người có chí, đàn thỏ của anh Dũng bắt đầu phát triển khỏe mạnh, sinh sôi, có thời điểm đàn thỏ lên đến 5.000 con. Lúc đó, anh liên kết với các thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh cung cấp thỏ thương phẩm sạch và bắt đầu thu lại vốn.
Hiện, trong trang trại của anh Dũng có 300 con thỏ nái, dùng để duy trì giống cho trại của gia đình. Với 300 con thỏ nái sinh sản, cứ 2 tháng đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 nái đẻ từ 8 – 12 con, 1 năm 5 lứa, trại thỏ của anh Dũng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Tham quan trại thỏ của anh Dũng, có thể thấy trang trại được sắp xếp rất khoa học. Mỗi chú thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5m2, mỗi ô đều được gắn một mã để theo dõi ngày phối giống, màu lông cũng như ngày đẻ của thỏ mẹ.
Ngoài ra, trại được trang bị hệ thống nước uống tự động và có quạt để điều chỉnh nhiệt độ, trời nắng nóng sẽ giúp thỏ mát, hơn nữa giúp thỏ không bị bệnh nấm da. Lồng nhốt thỏ làm bằng thép nhúng chì nên sẽ không bị gỉ, tuổi thọ cao hơn so với những loại lồng khác.
Anh Dũng cho biết, trại của anh chủ yếu là thỏ New Zealand và California. Đây là 2 loại thỏ có chất lượng thịt cao, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Thức ăn chủ yếu anh cho thỏ ăn là cỏ.
“Thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân hai ba ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng, loại bệnh này cách trị rất dễ, chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh.
"Để phòng bệnh, tôi phải tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Thức ăn của thỏ chủ yếu là cỏ và bổ sung thêm cám để tăng dinh dưỡng…”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Hiện nay, với giá bán thỏ thịt đã làm sẵn 130 ngàn đồng/kg, thỏ hơi 85 ngàn đồng/kg, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Dũng bán ra khoảng 20 kg thịt làm sẵn, tính ra mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí anh bỏ túi hơn 30 triệu đồng.
Ngoài bán thỏ thương phẩm, anh Dũng còn bán thỏ giống cho người dân trong vùng. Đặc biệt, ai có nhu cầu tham quan và tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ anh Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc.
Theo Ngọc Hà (dantri.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;