Học tập đạo đức HCM

Văn minh kinh tế, văn hóa kinh doanh - cốt lõi của sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật - 15/07/2018 01:06
Nói văn minh kinh tế là nói một nền kinh tế đa ngành, đa dạng, đa sở hữu, đa văn hóa... mang tính hiện đại. Văn hóa kinh doanh là văn minh kinh tế phản ảnh trong mối quan hệ giữa các thành phần có quan hệ sản xuất, kinh doanh với nhau trong một môi trường, một thời gian nhất định. Tạm thống nhất nội hàm hai khái niệm làm tiêu đề bài viết này để bàn về sản xuất nông nghiệp và chính sách ruộng đất hiện nay theo hướng hội nhập - phát triển.

Việt Nam đến cuối thế kỷ 19 vẫn là “nền văn minh lúa nước”. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa cơ giới vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), làm thủy lợi, khai hoang. Tính từ năm 1880-1937 (trong 57 năm), diện tích sản xuất tăng lên 2,2 triệu héc ta trong khi trước đó, từ năm 1757-1880 (120 năm ta khai hoang đưa vào sản xuất) chỉ được 522.000 héc ta. Như vậy, văn minh kinh tế đã “soi tia sáng” vào và làm cho nông nghiệp cổ truyền bắt đầu mang tính hiện đại. Đồng thời văn hóa kinh doanh cũng xuất hiện từ đây. Đó là những chành ghe mua lúa của thương lái, chủ yếu là người Hoa - Nam bộ, mua lúa của nông dân, bán lại hoặc xay xát (chế biến) bán lại cho đầu mối lớn xuất khẩu. Như vậy, yếu tố khoa học kỹ thuật và tự do lưu thông đã làm cho sản xuất nông nghiệp biến đổi về chất.

Theo nhà kinh tế người Pháp Paul Bernard, lợi tức lúa gạo, sau khi thu hồi vốn cho chủ tư bản đào kênh, còn đủ nuôi bộ máy cai trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương và cả số lính Pháp đồn trú ở Quảng Châu - Trung Quốc. Ba tôi trước năm 1945 là dân thương hồ - mua bán trên sông nước, đi khắp ĐBSCL và Đông Nam Campuchia, có nhận xét: Người Hoa làm ăn bặt thiệp, uy tín; người Campuchia chân thật, nghĩa tình. Người Hoa ở miền Nam Việt Nam có lịch sử cùng người Việt mở mang bờ cõi từ những năm cuối thế kỷ 18, cùng thời với người Hoa ở Đông Nam Á, họ có văn hóa kinh doanh mà tôi biết qua, trong những chuyến đi quan sát thị trường ở Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... Cho đến bây giờ, người ta nói kinh tế Đông Nam Á là kinh tế Hoa kiều, trừ ở Việt Nam sau năm 1975. Con cá ba sa, cá tra của Việt Nam xuất khẩu được như hôm nay cũng là nhờ người Hoa ở Hồng Kông tên Lô và Công ty Sunwah của ông cùng số bà con người Hoa - Nam bộ định cư ở Mỹ sau năm 1975, hợp tác với Công ty Agifish mở đầu xuất vào thị trường Hồng Kông và Mỹ từ năm 1990 với nhãn mác nước ngoài lúc ban đầu.

Soi theo “tia sáng văn minh”, ta thấy nông nghiệp ĐBSCL “đổi mới”, từ những năm 1990 đã chuyển dịch sang hình thức sản xuất lớn: cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa - về giống lúa, hóa học hóa - phân bón - thuốc bảo vệ thực vật, hợp tác hóa... và đầu tư cơ sở hạ tầng nơi thừa nơi thiếu do tư tưởng, nhận thức cục bộ. Nhưng rõ ràng, về chất lượng, nền nông nghiệp vẫn là phân tán, thiếu chuyên nghiệp, không liên kết với nhau (hợp tác xã chỉ là hình thức), lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, gây nhiễm độc cho đất, nước, cho người dùng, làm mất niềm tin xã hội. Nguyên nhân là do thiếu vai trò nhạc trưởng là cơ quan quản lý ngành nông nghiệp.

Cùng với sản xuất, khâu lưu thông - phân phối cũng lâm cảnh tương tự. Theo Motthegioi.vn, ngày 6-6-2018, “Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 bàn về nông nghiệp sáng 5-6, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. Bà dẫn câu chuyện thực tế tại Phú Tư (An Giang) vốn là một nơi nổi tiếng về nếp, người nông dân làm ăn lớn, nhưng khi hỏi những doanh nghiệp tại đây “tiêu chuẩn là gì” thì họ cho biết không có tiêu chuẩn nào cả. “Họ nhấn mạnh chúng tôi thật thà lắm, chị phải tin tôi chứ. Tôi nói không được, các anh làm quốc tế phải có tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ - bà Hạnh kể.

Thứ hai là chế biến nông sản. Theo bà Hạnh, chúng ta cần phải ngưng giải cứu nông sản. Trái vải chỉ có một mùa, nhưng có cách chế biến vải thì đâu có nhất thiết là một mùa... Như vậy có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.

Đó là chưa nói đến vấn đề quy hoạch sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm... ta không có làm hoặc có cũng như không!

Như vậy, vấn đề văn minh kinh tế, văn hóa kinh doanh trong nông nghiệp chúng ta chưa đáp ứng mặt bằng của khu vực chứ chưa nói ở phạm vi rộng lớn hơn. Nguyên nhân là do quan liêu bao cấp, dân làm theo lệnh và bán cho Nhà nước quen rồi; nông dân chỉ biết lao động sản xuất gọi là “thành phần cơ bản cách mạng”, thương lái bị gọi là “gian thương”, người Hoa không còn là đầu mối tiêu thụ nông sản từ sau cải tạo công thương nghiệp và vụ “nạn kiều”; tàn tích “văn hóa Tấm - Cám”, “trí khôn người nông dân trói cọp”, “chồn cáo bơi xuồng”... trong sách giáo khoa; cùng với những tác động có tính chất “dân túy”, tạo ra một cuộc “bể dâu” quá lớn có tên “văn hóa kinh doanh”, nông dân được tiếng là “làm chủ” nhưng kỳ thật là bơ vơ, không ai dẫn dắt vào thị trường thế giới như nông dân các nước ASEAN 3 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan). Thay vào vai trò dẫn dắt của thương lái người Hoa trước đây, là thương lái Trung Quốc bây giờ quá “khác xa” - thành “lái lạ”. Chúng ta cố tạo ra “liên kết bốn nhà” từ năm đầu thế kỷ 21, nhưng thất bại ngay nơi “xuất xứ” như câu chuyện “nếp Phú Tân” nói trên hay cũng chỉ thành công lác đác.

Gần đây, có dư luận yêu cầu “tích tụ - tập trung đất đai” và “nới hạn điền”. Thiết nghĩ, Luật Đất đai 2013, điều 129 và 130 đã đáp ứng. Như thế, so diện tích canh tác/hộ nông dân, ở ta đã quá rộng rãi so Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng họ có nền nông nghiệp hiện đại hơn ta biết bao lần. Nếu cần, chỉ thêm điều 130B cho phép lập công ty có đất tự tích tụ (mua lại trước ngày có Luật Đất đai 2013) nhưng không ghi “đất thuê của Nhà nước” (điều 56) - thuê là khi nào Nhà nước giao đất sạch. Và nghiên cứu đưa vấn đề “đa sở hữu đất đai” vào dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi để Quốc hội xem xét - như nguyện vọng nông dân lâu nay.

Vậy nên vấn đề cốt lõi của sản xuất nông nghiệp hiện nay là “văn minh kinh tế, văn hóa kinh doanh” và “hội nhập quốc tế” thông qua “liên kết bốn nhà” chớ không có gì khác hơn.

Nguyễn Minh Nhị/thesaigontimes.vn

 Tags: kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập296
  • Hôm nay41,793
  • Tháng hiện tại817,071
  • Tổng lượt truy cập91,990,800
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây