Học tập đạo đức HCM

Làng... văn minh lúa nước

Thứ sáu - 07/02/2014 22:31
Người gieo trồng cây lúa nuôi sống con người cũng chính là người tạo dựng nền văn minh lúa nước miền nhiệt đới gió mùa này. Nói đến văn hóa làng, trước hết phải xuất phát từ đó.
Ở đâu thì không biết chứ ở ta, cái gốc của văn hóa dân tộc nằm trong cái làng Việt. Chẳng thế sao khi khái niệm văn hóa bắt nguồn từ “cultus” trong chữ Latinh nghĩa là gieo trồng.

“Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần” (Thomas Hobbe), cách diễn đạt ấy nói lên được thực chất của văn hóa, chỉ ra cội nguồn, gốc gác của nó.

Trên mảnh đất này, con người phải chống chọi quyết liệt với bão lũ, hạn hán để nuôi trồng sự sống, chống chọi quyết liệt với kẻ thù ngoại xâm ở sát nách để giữ nước. Cái pháo đài kiên cường giữ nước chính là làng. Có lúc nước mất vào tay giặc nhưng làng thì vẫn còn. Còn làng thì còn đủ sức để lấy lại nước.

 Trầu cau chợ quê.
Trầu cau chợ quê.

Đó là sự trải nghiệm của đời sống dân tộc trong trường kỳ lịch sử. “Nước, tức thể cộng đồng siêu làng, đã mất nhưng hình ảnh của nó vẫn còn trong những người dân của làng. Lại bắt đầu một cuộc vận động đưa mối liên hệ làng – liên làng gắn bó trở lại, nhằm khôi phục cộng đồng siêu làng đã mất” (Hà Văn Tấn).

Sức mạnh chìm sâu và trỗi dậy mạnh mẽ trong sự trải nghiệm đó chính là văn hóa, trước hết là văn hóa làng. Với rễ bám sâu vào mảnh đất quê hương, cây văn hóa làng đâm chồi nảy lộc để thăng hoa trong văn hóa bác học, nơi kết tụ của thành tựu văn hóa dân tộc qua từng thời đoạn lịch sử. Cứ soi kỹ vào những sản phẩm của các nhà văn hóa lớn của dân tộc sẽ thấy ngay điều đó.

Vì thế, trong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh giếng nước, cây đa, bóng cây phủ mát ngôi chùa làng luôn ở vào cung bậc nhạy cảm nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt. Bất cứ người Việt nào cũng có, và cần có một vùng quê để thương để nhớ ấy. Về làng, ta về làng, hai tiếng ấy giục giã đến nao lòng những người vì cuộc mưu sinh, vì một sự nghiệp phải xa quê. “Ai về làng cũ hôm nay, Thư này đưa hộ cho thày mẹ tôi…

Con đi năm ấy tháng Tư, Lúa chiêm xấp xỉ trổ từ tháng Ba”. (Nguyễn Bính). Hạnh phúc và xúc động biết bao cái khoảnh khắc nhớ lại và nghĩ về làng quê! Thật bất hạnh cho ai đó khi không có một “vùng thương nhớ” ấy trong ký ức tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm mông lung, ấm áp.

 Cổng làng Thổ Hà.
Cổng làng Thổ Hà.

Thật thấm thía khi nhớ đến một cách định nghĩa văn hóa của Albert Camus: “Văn hóa là tiếng khóc của con người khi đối mặt với số phận”. Oái oăm thay đó cũng là số phận của nền văn hóa làng trong một thời đoạn bi thương của lịch sử khi nền văn hóa làng ở nơi này nơi khác bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” với những sai lầm trong cải cách ruộng đất!

Cội nguồn sai lầm này là tư tưởng “mao ít” và “tả khuynh” về “đấu tranh giai cấp” được xem là “động lực của phát triển”. Cho dù “sửa sai” đã phần nào cứu vãn những băng hoại trên một vài lĩnh vực, nhưng di lụy nặng nề chìm sâu vào kết cấu hạ tầng tâm xã hội thì xem ra còn phải có thời gian.

Trong “Việt Nam văn hóa sử cương” xuất bản năm 1938, học giả Đào Duy Anh chỉ rõ: “Đối với dân làng, thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có hệ thống và tổ chức chặt chịa”.

Ẩn chìm trong màn sương hư ảo của tín ngưỡng mang tính huyền bí là bóng dáng của sức cố kết cộng đồng trong tâm lý làng xã được thăng hoa, bụi thời gian dần dà phong kín cái cốt lõi hiện thực của cuộc sống làng quê. Trong dòng chảy thời gian ấy, với bao biến thiên của lịch sử và những đảo lộn xã hội, cái làng quê đã bị xáo động dữ dội, nhiều lễ tục cũng đã nhạt nhòa, may lắm chỉ còn gợi lại trong hồi ức của một lớp người. Hồi ức ấy vẫn còn đọng lại trong nền văn hóa làng vốn là nguồn sinh khí nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc.

Những tổn thương nặng nề trong chiến tranh, nhất là những vết thương trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức ở miền Bắc cuối những năm 50 thế kỷ XX chưa kịp lên da non, thì những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều duy ý chí trong việc áp đặt mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp, cùng với việc hối hả thúc đẩy quá trình tập thể hóa nông nghiệp với hợp tác xã bậc thấp rồi hợp tác xã bậc cao, làm cho nó lở loét thêm, thúc đẩy sự biến dạng và tàn tạ của nền văn hóa làng.

Với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa chưa có một định hướng hợp lý đã đẩy nhanh thêm quá trình tan rã và biến dạng của văn hóa làng. Không khéo lần công phá dữ dội của làn sóng đô thị hóa và công nghệp hóa kỳ này, nếu không có một chuyển đổi về nhận thức và đường lối, sẽ là đòn trí mạng làm sụp đổ hẳn nền văn hóa làng.

Làm sụp đổ nền văn hóa làng, tức là nhổ bật cái gốc của văn hóa Việt Nam với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước, cái làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mà văn hóa chính là cội nguồn sức mạnh Việt Nam.

Cho nên nếu trước đây, trong công cuộc chống ngoại xâm, làng còn thì nước còn, ngày nay trong sự nghiệp dựng nước và phát triển đất nước thì văn hóa, trong đó có văn hóa làng, cho dù có nhiều hạn chế và không ít những tạp chất cần gạt bỏ, gạn đục khơi trong, vẫn là điểm tựa quan trọng bậc nhất tạo nên sức bật của dân tộc trong quá trình hội nhập.

Mất gốc văn hóa là mất cái chân móng cho sự phát triển trong một thế giới đa cực và đa dạng, thì rồi điều gì sẽ xảy ra trong tiến trình hội nhập?

Chính ở đây, văn hóa truyền thống với nền tảng của nó được tiềm ẩn trong văn hóa làng cần được nhận thức một cách toàn diện và thấu đáo. Mà vì văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, cho dù trải qua những tàn phá thô bạo, những trấn áp nặng nề, thì trong sâu thẳm tâm linh của người nông dân, văn hóa ấy không dễ gì mất được. Chúng vẫn được ủ kín trong mỗi con người.

Chỉ có điều, tuy chưa mất, nhưng sự tổn thương thì rất khó hàn gắn. Những tổn thương đó hiện đang được trị liệu, ấy vậy mà “văn hóa làng” lại đang đứng trước một thách đố còn quyết liệt hơn nhiều của làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa ồ ạt mà không ít trường hợp bị chi phối bởi tầm nhìn thiển cận và chịu sự lũng đoạn của lợi ích phe nhóm.

Cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, văn hóa làng vẫn đang đứng trước nguy cơ bị trốc gốc. Cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lai căng, mất gốc thì sự tăng trưởng đó chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa. Chúng ta đến với thế giới bằng gì nếu không là bằng bản lĩnh của văn hóa Việt Nam.

Bởi vậy, bây giờ mới hối hả đặt vấn đề văn hóa thì e đà quá muộn. Bỗng nhớ đến lời trách móc trong bài ca dao quen thuộc “Ba đồng một mớ trầu cay, Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không. Bây giờ em đã...”. Nhưng muộn vẫn còn hơn không!

Chọn chủ đề “văn hóa làng” cho số báo Tết quả là một ứng xử rất văn hóa của NTNN!
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập351
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại837,724
  • Tổng lượt truy cập92,011,453
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây