Già buổi sáng, Lập vẫn ngồi tiếp tôi, anh say sưa kể về những tháng ngày mày mò cải tiến máy vắt sữa bò đem lại những ích lợi to lớn cho nghề nuôi bò sữa.
Sáng tạo nhỏ, lợi ích lớn
Theo Trung Lập, nông dân nuôi bò sữa hay dùng máy vắt sữa phổ biến hiện nay có hai chi tiết chính rời nhau là máy hút chân không và xe đẩy bộ cốc hút, bình chứa sữa.
Máy dễ bị hư (hỏng) nhất là nhịp tim của máy. Nhịp tim máy vắt sữa là một cấu trúc khá phức tạp hỏng một chi tiết nhỏ cũng làm máy không hoạt động được. Những sự cố mà nhịp tim thường gặp là do được gắn trên nắp đậy bình chứa sữa. Khi sữa được vắt rơi vào bình chứa trong môi trường chân không của bình chứa sữa, các phân tử dạng hơi sương li ti bay trong bình chứa. Vì nhịp tim máy vắt sữa được gắn ngay trên nắp bình chứa, nên các phân tử sương li ti này theo đường hút chân không sẽ bám vào bên trong chi tiết nhịp tim khiến nó có thể hư.
“Đối với nông dân mới sử dụng máy vắt sữa, việc vệ sinh nhịp tim mỗi ngày thường không được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong đó. Thậm chí, các loài kiến nhỏ cũng có thể chui vào cắn hỏng các ron hơi của nhịp tim, mà từ chuyên môn gọi là “lỗ tai””, Trung Lập cho biết.
Nguyễn Trung Lập đang vận hành bộ máy vắt sữa bò được cải tiến nhịp tim.
Để giải quyết nổi khổ này cho nhà nông, Lập nghĩ ra cách cải tiến máy vắt sữa bò bằng cách gắn thêm một bình hơi phụ và thiết kế ống hơi chân không dẫn từ bình chứa sữa tới bình hơi phụ nhằm đem nhịp tim rời xa vị trí bình chứa sữa.
“Bình hơi phụ và bình sữa được nối với nhau bởi ống hơi chân không được thiết kế có chiều cao, khoảng cách đủ xa để các phân tử sữa li ti khi bay vào bình hơi phụ sẽ rơi xuống đáy bình. Ở dưới đáy bình hơi phụ có van xả để khi vệ sinh hơi lắng đọng trong bình hơi phụ dễ dàng thoát ra ngoài”, Lập giải thích.
Lập cũng cho biết, giải pháp này cho thấy cách thiết kế cải tiến cho phép dễ dàng rửa máy vắt sữa bằng máy bơm cao áp (máy rửa xe) để vệ sinh máy vắt sữa sau mỗi lần vắt, từ đó thời gian vệ sinh máy ngắn hơn và sạch hơn.
Đặc biệt, chất lượng sữa được cải thiện tốt hơn do xử lý được vấn đề nhiễm vi sinh, từ đó giá thành bán sữa cũng cao hơn. Thao tác vệ sinh dễ dàng hơn, không mất nhiều thời gian để làm sạch. Không tốn nhiều chi phí cho việc bảo trì, thay thế nhịp tim.
Tôi tiếp tục tìm đến gặp trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM) Nguyễn Văn Tủi, ông Tủi nức nở lời khen về công trình sáng tạo này. Có lẽ, do cũng là người nuôi bò sữa nên ông quá hiểu và thấm thía nỗi khổ của sự “đỏng đảnh” khi sử dụng máy vắt sữa bò ngoại nhập.
Theo ông Tủi, cải tiến nhỏ này nếu được áp dụng vào từng hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ sẽ mang lại hiệu quả rất tốt khi sữa nguyên liệu chất lượng hơn, từ đó giá bán sữa sẽ cao hơn.
Không những thế, trong thời buổi hội nhập kinh tế, sáng kiến của anh Lập cũng sẽ nâng cao sức cạnh tranh chất lượng sữa cho bà con nông dân chăn nuôi bò sữa. Từ sáng tạo này, Trung Lập đã “ẵm” giải Nhì cuộc thi Sáng tạo nhà nông của Hội Nông dân TP và Sở KHCN TP phối hợp tổ chức năm 2015, ông Tủi thông tin.
Giải phóng sức lao động
Không chỉ cải tiến máy vắt sửa bò, tính ham mê sáng tạo đã giúp Trung Lập đồng bộ hóa tự động trại bò sữa của anh.
Thoạt nhìn, trại bò của Trung Lập cũng chẳng khác gì với hầu hết các trại bò sữa của nông dân TP. Tuy nhiên, nếu tinh mắt khách sẽ thấy mọi khâu chăn nuôi trong trại đều tự động hóa do chính tay anh sáng chế.
Một mình Nguyễn Trung Lập vẫn đủ sức chăn nuôi đàn bò sữa 25 con nhờ các công cụ hỗ trợ do anh sáng chế.
Theo đó, nếu tắm và cho bò uống nước, Lập trang bị một hệ thống tắm tự động chủ yếu bằng dàn ống nước và mấy cái… muỗng i-nox; làm mát chuồng sẽ có hệ thống phun sương trên mái tôn; cắt cỏ cho bò ăn có máy và tời kéo về chuồng; dọn và phơi phân bò cũng có máy. Và đặc biệt vắt sữa bò thì có máy vắt sữa cải tiến… Chính vì được trang bị đến tận răng, nên việc chăn nuôi 25 con bò sữa đối với Trung Lập khá nhàn. “Giờ nếu có việc bận không tắm cho bò được, tôi chỉ cần ấn cái nút điện là hệ thống tắm tưới cho bò sẽ khởi động”, Lập cười nói.
Theo Trung Lập, việc sáng chế ra các công cụ hỗ trợ chăn nuôi bò sữa này xuất phát từ thực tế, từ nỗi khổ của nhà nông nuôi bò sữa. Lập kể, trong một lần ngồi uống cà phê trong quán, thoáng nghe một nông dân chăn bò sữa than vãn quá mất công, mất sức cắt cỏ, mang cỏ về nhà, thế là anh về xắn tay vào sáng chế cái máy tời cắt và kéo cỏ. “Tất cả những công cụ hỗ trợ này chẳng mất bao nhiêu tiền anh ạ, nhưng nó giải phóng sức lao động biết bao cho nông dân”, Lập thổ lộ.
Tận mắt xem nhiều nông dân nuôi bò sữa, mới thấy được một giọt sữa mất mười giọt mồ hôi. Trung bình, một trại nuôi số lượng bò sữa như Trung Lập phải mất đến 3 người trông nom… trong khi đó anh chỉ cần một mình với hệ thống tự động hóa.
Theo Trần Đáng (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;