Học tập đạo đức HCM

Triệu phú vắt đất lấy nước

Thứ sáu - 01/05/2015 04:39
Sau 3 lần thất bại, cái giếng thứ 4 được anh cho đào sâu xuống hơn 6m thì gặp được nguồn nước ngọt lừ. Có nước thì anh sẽ không còn phải trông chờ từng cơn mưa ngày nắng hạn nữa. Và anh sẽ nâng vụ sản xuất lên thành 2, 3 vụ một năm chứ không còn 1 vụ/năm như trước...
20 năm trước, vào năm 1995 của thế kỷ 20, khi nghe nói đến vùng đất cát xám nằm sát bên đồi cát Nam Cương của thôn Tuấn Tú, xã An Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) thì ai nấy cũng đều phải lè lưỡi lắc đầu. Nơi đây được xem như một vùng đất chết. Chẳng có thể trồng trọt được gì ngoài xương rồng mọc hoang. Vậy mà có một đôi vợ chồng nông dân người Chăm vì quá nghèo mà chọn vùng đất đó làm nơi lập nghiệp. Và 20 năm sau, đôi vợ chồng nghèo đó đã trở thành một triệu phú trên vùng đất nóng. Điều đó đã khiến cho mọi người hết sức ngỡ ngàng khâm phục. Đó là vợ chồng anh Hùng Ky -chị Từ Thị Hẹn.

“Có điên mà mua đất này!”

“Hồi đó, ai cũng bảo là vợ chồng tui điên khi mua đất ở đó. Tui cũng biết vùng đất cát đó là vùng khô hạn, không có nước. Mỗi năm sản xuất chỉ một vụ mà  cũng chỉ trồng được mấy loại như dưa hồng, đậu phộng…Trời mưa thì không sao chứ mà nắng kéo dài chừng tháng là coi như trắng tay” -anh Hùng Ky nói với tôi như thế.

Trieu phu vat dat lay nuoc
Hai vợ chồng anh Hùng Ky trước ngôi nhà mới xây gần 500 triệu đồng.
 
Năm 1991, hai vợ chồng anh Hùng Ky thuộc loại nghèo nhất ở cái làng Chăm Tuấn Tú. Nghèo đến nỗi không có cục đất chọi chim. Hai vợ chồng phải lên tuốt trên huyện miền núi Ninh Sơn để chăn bò thuê. Sau 5 năm trời làm thuê, làm mướn, tích lũy được đâu hơn một triệu, anh quay về làng, mua 5 sào đất (5.000m2) ở cái vùng đất chưa nắng đã khô, vùng đất mà lúc ấy có cho không, dân làng Tuấn Tú cũng không thèm lấy, vậy mà chỉ vì không có đất mà vợ chồng anh đành cắn răng mua đất để có chỗ dựng cái nhà tranh đặng có chỗ chui ra chui vào. “Chỉ sợ người phụ đất chứ đất không bao giờ phụ người đâu anh à” - anh Hùng Ky nói với tôi như một lời tâm sự. 

Trieu phu vat dat lay nuoc
Mặc dù trời khô hạn, nhưng rẫy đậu phộng của anh Hùng Ky bao giờ cũng xanh mát.
 
Những ngày đầu về lập nghiệp ở cái vùng cát ấy, hai vợ chồng anh hàng ngày phải đánh vật với những cây xương rồng mọc vô tội vạ. Đã vậy còn phải tranh giành với lũ dông cát nữa  chứ. “Ngày nào cũng phải dùng mấy cái nắp xoong để phát ra tiếng động đuổi dông chứ không thôi xểnh ra một cái là coi như mất ăn ngay. Tui nó cứ canh không có mình là bò lên cắn sạch cây cối.” Chị Từ Thị Hẹn, vợ anh Hùng ky nói như thế. Năm 1995, quyết không chịu phụ thuộc vào ông trời, anh Hùng Ky thuê người về đào giếng, một chuyện mà từ bao lâu nay chưa có ai làm được ở vùng cát này. Người ta bảo anh điên khi đào giếng ở cái vùng chưa nắng đã khô này, đào mấy cái giếng liền đều thất bại, bạn bè, hàng xóm khuyên anh đừng có mà bẻ nạng chống trời, thế nhưng anh vẫn không chịu đầu hàng và cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Cái giếng thứ 4 được anh cho đào sâu xuống hơn 6m thì gặp được nguồn nước ngọt lừ, cả gia đình anh, bạn bè, hàng xóm mừng còn hơn được cho vàng. Vì có nước là có tất cả. Có nước thì anh sẽ không còn phụ thuộc vào thời tiết, không còn phải trông chờ từng cơn mưa ngày nắng hạn nữa. Và anh sẽ nâng vụ sản xuất lên thành 2, 3 vụ một năm chứ không còn 1 vụ/năm như trước, chắc chắn sản lượng sẽ tăng.

Từ khi có cái giếng nước, công việc sản xuất của vợ chồng anh Hùng Ky thuận lợi hẳn lên. Mỗi năm anh sản xuất 3 vụ màu. Vụ thì trồng hành. Thu hoạch hành với đậu phộng xong, anh quay qua trồng dưa hấu, xong vụ dưa hấu anh lại trồng cà rốt. Công việc cứ tiến triển như thế bao nhiêu lợi nhuận dành dụm được anh lại mua thêm đất. Đến bây giờ trong tay hai vợ chồng anh Hùng Ky đã có 2,5ha đất, cùng vài chục con cừu. Bao nhiêu đó cũng đủ cho gia đình có cuộc sống sung túc và đủ cho vợ chồng anh nuôi hai đứa con gái ăn học.  

Đầu tư 80 triệu đồng cho hệ thống tưới phun

Đến năm 2011, trong một lần lên Lâm Đồng thăm người bạn, anh thấy khu rẫy của bạn mình được tưới tiêu bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Anh mê quá, khi trở về, anh liền đầu tư thí điểm trên diện tích 500m2 trồng đậu phộng. Qua một vụ, thấy mô hình tưới tiết kiệm quả thực là có hiệu quả. Nó tiết kiệm cho anh gần 70% công lao động. Lợi nhuận tăng 30% trong khi chi phí sản xuất lại giảm đến 50%. Thế là anh quyết định bỏ ra một khoảng tiền khá lớn, hơn 80 triệu đồng để đầu tư cho mô hình tưới phun trên toàn bộ diện tích 2,5ha của gia đình. “Ngày trước, khi chưa có mô hình tưới phun này, để tưới cho 5.000m2  đất, tui phải mất gần cả ngày mà phải dang nắng, dang nôi cực kinh khủng”.

Trieu phu vat dat lay nuoc
Chị Từ Thị Thêm đang chuẩn bị giống đậu phộng cho vụ sau.
 
Còn bây giờ khi đã có mô hình tưới tiết kiệm này rồi, mỗi lần tưới tui chỉ mất 3 tiếng đồng hồ là xong tất tần tật mà không phải giang nắng. Chỉ bật cầu dao điện lên là xong tất. Không những thế, từ ngày có hệ thống tưới phun này, năng suất hoa màu tăng lên rõ ràng. Ngày trước 1ha đậu phộng, giỏi lắm cũng chỉ thu hoạch được 5 tấn. Còn bây giờ 1ha đậu phộng thu hoạch 7 tấn là chuyện bình thường. Mấy loại kia cũng vậy. “Nhờ có nó mà vợ chồng tui có tiền dành dụm xây được căn nhà này đó. Vụ hành vừa rồi vợ chồng tui mới bán được 450 triệu đó. Trừ hết chi phí tui cũng còn lời được hơn trăm rưỡi triệu” - anh Hùng Ky nói với vẻ mãn nguyện. 
Căn nhà được vợ chồng anh Hùng Ky xây vào giữa năm 2014 trị giá 500 triệu đồng với những tiện nghi không kém cạnh gì ở thành phố. Căn nhà mà nói chị Từ Thị Hẹn, vợ anh Hùng Ky là ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy nổi. Và trong những ngày nắng hạn gay gắt này, khi cái giếng đã cạn khô trơ đáy, anh Hùng Ky đã thuê thợ đến cho khoan sâu xuống  để lấy nước ngầm phục vụ cho việc tưới tiêu. Nhờ đó mà 2,5 đất rẫy của anh bao giờ cũng xanh tốt.

Trieu phu vat dat lay nuoc
Lòng giếng đã khô trơ đáy, anh Hùng Ky phải cho khoan sâu xuống 9m mới có mạch nước ngầm.
 
Từ ngày thấy hai vợ chồng anh Hùng Ky tay trắng làm nên trên vùng đất cát xám bạc màu, bà con làng Tuấn Tú bắt đầu kéo nhau ra đó khai hoang kiếm đất làm ăn. Và giờ đây trên cái vùng đất cát xám mà ngày xưa có cho cũng không ai thèm lấy đó, một sào đất (1.000m2) có giá gần cả chục triệu đồng. Không phải ngẫu nhiên mà 3 năm liền từ 2011 đến 2013, anh Hùng Ky luôn được UBND huyện Ninh Phước vinh danh là nông dân sản xuất giỏi. Chia tay anh trong cái nắng tháng tư, tôi tâm đắc với những gì anh nói. Đất không bao giờ phụ người mà chỉ có người phụ đất.
 
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay26,646
  • Tháng hiện tại257,350
  • Tổng lượt truy cập92,635,014
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây